Hai "chiến binh thép" in dấu ngày 30/4/1975

TNTP Thứ Tư
Gần 50 năm trước, trưa ngày 30/4/1975, trong khí thế hừng hực của đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn, hai cỗ xe tăng mang số hiệu 843 và 390 như những “chiến binh thép” dũng mãnh húc đổ cổng Dinh Độc Lập, phá vỡ rào cản cuối cùng, mở ra cánh cửa dẫn đến độc lập, tự do. Khoảnh khắc ấy, thời gian như ngừng lại, để rồi bùng nổ trong niềm vui sướng vỡ òa của cả dân tộc, đánh dấu một chương mới huy hoàng trong lịch sử Việt Nam.

Chiến công oanh liệt của hai chiếc xe tăng lịch sử

Xe tăng T-54B số hiệu 843, do Liên Xô sản xuất và viện trợ cho Việt Nam, được biên chế vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2 từ tháng 5/1974. Kíp lái gồm Trung úy Bùi Quang Thận (trưởng xe), Hạ sĩ Lữ Văn Hỏa (lái xe), Trung sĩ Thái Bá Minh (pháo thủ số 1) và Hạ sĩ Nguyễn Văn Kỷ (pháo thủ số 2). Trong chiến dịch Giải phóng miền Nam, xe tăng 843 đã tham gia nhiều trận đánh quan trọng, từ Huế đến Đà Nẵng, luôn nằm trong đội hình tiên phong, dẫn đầu các mũi tấn công.

Chiếc xe tăng 843 hiện được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Chiếc xe tăng 843 hiện được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Sáng ngày 30/4/1975, xe tăng 843 dẫn đầu đội hình tiến vào Sài Gòn. Trên đường đến Dinh Độc Lập, xe đã bắn cháy 3 xe tăng và xe bọc thép của địch, thể hiện sự quyết tâm và khả năng chiến đấu xuất sắc của kíp lái. Khi đến gần Dinh Độc Lập, Trung úy Bùi Quang Thận quyết định húc vào cổng phụ bên trái. Sau ba lần húc, cánh cổng phụ mới bung ra, nhưng không may xe bị chết máy ngay sau đó. Không chần chừ, Trung úy Bùi Quang Thận mang theo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, nhanh chóng chạy lên cầu thang và cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập vào lúc 11 giờ 30 phút, đánh dấu chiến thắng vang dội của quân và dân ta, đưa non sông thu về một mối.

Phiên bản gốc xe tăng 390 húc đổ cổng dinh Độc Lập
tại Bảo tàng Tăng Thiết giáp (Hà Nội)
Phiên bản gốc xe tăng 390 húc đổ cổng dinh Độc Lập tại Bảo tàng Tăng Thiết giáp (Hà Nội)

Xe tăng T-59 số hiệu 390, một biến thể của T-54 do Trung Quốc sản xuất và viện trợ cho Việt Nam, cũng thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2. Kíp lái gồm Trung úy Vũ Đăng Toàn (trưởng xe), Trung sĩ Nguyễn Văn Tập (lái xe), Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên (pháo thủ số 1) và Thiếu úy Lê Văn Phượng (pháo thủ số 2). Trước khi tiến vào Sài Gòn, xe tăng 390 đã tham gia chiến đấu tại các mặt trận quan trọng như Tà Lương, A Lưới, Huế và Đà Nẵng, góp phần vào những chiến thắng vang dội của quân đội ta.

Khi xe tăng 843 bị kẹt tại cổng phụ, xe tăng 390 nhanh chóng tiến lên và húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập. Hành động quyết đoán và dũng cảm này đã góp phần quan trọng vào việc kết thúc cuộc chiến tranh, thống nhất đất nước.

"Bảo vật" còn mãi với thời gian

Sau chiến thắng, xe tăng 843 được lệnh ra tiếp quản cảng Nhà Bè (nay là cảng Nhà Rồng), rồi hành quân về tổng kho Long Bình. Sau đó, xe được đưa ra Thủ đô Hà Nội dự triển lãm mừng ngày đất nước thống nhất. Kết thúc triển lãm, xe tăng 843 trở về làm nhiệm vụ huấn luyện tại Lữ đoàn 203 cho đến năm 1979 thì được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Trong khi đó, xe tăng 390 tiếp tục tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Đến tháng 10/1999, xe được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Tăng Thiết giáp.

Những người lính từng điều khiển chiếc xe tăng 390 năm xưa (từ trái qua phải - bác lái xe Nguyễn Văn Tập, pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng, pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên và trưởng xe Vũ Đăng Toàn)
Những người lính từng điều khiển chiếc xe tăng 390 năm xưa (từ trái qua phải - bác lái xe Nguyễn Văn Tập, pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng, pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên và trưởng xe Vũ Đăng Toàn)

Năm 2012, cả hai chiếc xe tăng 843 và 390 được công nhận là Bảo vật Quốc gia, ghi nhận vai trò quan trọng của những “chiến binh thép” trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Hiện nay, xe tăng 843 được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, còn xe tăng 390 được lưu giữ tại Bảo tàng Tăng Thiết giáp.

Hình ảnh hai chiếc xe tăng 843 và 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập không chỉ là biểu tượng của chiến thắng mà còn thể hiện tinh thần quả cảm, ý chí kiên cường của quân và dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Những chiếc xe tăng này mãi mãi là biểu tượng sống động của lịch sử, truyền cảm hứng cho các thế hệ mai sau về lòng yêu nước và khát vọng hòa bình.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Hai "chiến binh thép" in dấu ngày 30/4/1975 tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Tương lai cho thế hệ vươn mình

Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng trân trọng giới thiệu bài viết "Tương lai cho thế hệ vươn mình" của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Tô Lâm.