Học kém tập trung, hay quên… có thể mắc sương mù não hậu Covid-19

Bảo Bối
Trí nhớ giảm sút, học không tập trung như trước... là tình trạng sương mù não sau nhiễm Covid-19 của nhiều bạn trẻ hiện nay, đặc biệt lứa tuổi học sinh.

Triệu Thị N. (Hà Đông, Hà Nội) năm nay chuẩn bị thi chuyển cấp 3, tuy nhiên hơn 2 tuần sau khi khỏi Covid-19, Triệu Thị N. không thể tập trung vào học hành. Mẹ N. tâm sự: “Cháu rất khó khăn để nhớ lại các kiến thức cũ đã học và tiếp thu kiến thức mới. Những kiến thức đơn giản trước đây có lúc gần như quên sạch sẽ khiến kết quả bài thi khảo sát không như mong muốn. Gia đình rất lo lắng”.

Đây chỉ là một trong số ít các bạn trẻ đến khám tại Trung tâm Ô-xy cao áp Việt-Nga, Bộ Quốc phòng gần đây.

Một trường hợp khác là sinh viên đang học năm thứ 3 nhưng sau nhiễm Covid-19 bị rơi vào trạng thái trí nhớ suy giảm nghiêm trọng. Khả năng giao tiếp cũng hạn chế hơn, nói chuyện kém, thay đổi hoàn toàn với một cậu bé năng động trước đây. Nam thanh niên này chia sẻ cảm thấy mọi thứ chậm hẳn lại, thế giới chung quanh mờ ảo.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Ô-xy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc Phòng cho biết, trước đây, bệnh nhân đến khám tại trung tâm khi có triệu chứng “sương mù não” chiếm khoảng 20-30%, chủ yếu là người lớn tuổi trên 50.

Học kém tập trung, hay quên… có thể mắc sương mù não hậu Covid-19 - Ảnh 1
Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, hiện nay, anh gặp hiện tượng này ở rất nhiều bạn trẻ. Trung bình một tuần anh điều trị cho 5-7 bệnh nhân mắc triệu chứng sương mù não. Vấn đề chính là hầu hết các trường hợp này là người trẻ, đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng bị ảnh hưởng trầm trọng tới việc tiếp thu kiến thức.

“Sau nhiễm Covid-19, các bạn phản ánh cảm giác khó tiếp thu các bài học trên lớp, thi và làm bài kiểm tra đơn giản trước tốt nhưng giờ có lúc không thể làm được, kể cả những bài rất dễ. Tốc độ làm bài cũng chậm hơn nhiều.

Ngoài ra, các bạn này có một số triệu chứng kèm theo như ngủ kém, lo lắng, căng thẳng, cảm giác đầu nặng trĩu. Một số bạn rõ tình trạng sương mù não, thấy thế giới trước mắt mình mờ ảo, kể cả lúc ngồi nói chuyện với bác sĩ nghe không rõ ràng”, bác sĩ Hoàng nói.

"Sương mù não" là thuật ngữ chỉ các triệu chứng liên quan đến tình trạng thiếu máu não và rối loạn hệ thần kinh thực vật, ảnh hưởng đến suy nghĩ và trí nhớ, người mắc có thể cảm thấy thiếu minh mẫn, khó tập trung, mất nhiều thời gian hơn khi nhớ tên một ai đó hoặc thường bất chợt quên việc mình định làm...

Nguyên nhân sương mù não có thể liên quan đến việc các tổ chức, tế bào thần kinh bị virus xâm nhập và tình trạng viêm lan tỏa (bao gồm cả hệ thống thần kinh) do hậu quả của Covid-19.

"Sương mù não" cũng được cho là do bệnh nhân bị lo lắng, căng thẳng dẫn đến ăn ngủ kém, suy nghĩ nhiều, ảnh hưởng đến tâm trạng, hành vi. Ngoài ra, khi nhiễm bệnh, các mạch máu, nhất là các mạch máu nhỏ, bị tổn thương hậu Covid-19, khiến khả năng lưu thông máu lên não kém đi, từ đó dẫn đến tình trạng rối loạn thần kinh thực vật, thiểu năng tuần hoàn não, làm nặng nề hơn tình trạng "sương mù não".

Ở những bệnh nhân nặng, tình trạng thiếu hụt ô-xy sẽ gây ảnh hưởng đến các mô não, để lại di chứng "sương mù não". Bên cạnh đó, nguyên nhân khác có thể do tác dụng phụ của các loại thuốc an thần, thuốc trong điều trị hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân nặng.

Học kém tập trung, hay quên… có thể mắc sương mù não hậu Covid-19 - Ảnh 2

Theo các chuyên gia, sau nhiễm Covid-19, các phản ứng miễn dịch vẫn được kích hoạt dai dẳng, có thể gây viêm trong mạch máu hoặc tế bào. Các chất trung gian hóa học được giải phóng do tình trạng viêm có thể trở thành chất độc, đặc biệt đối với não, gây nên hiện tượng "sương mù não".

Bên cạnh đó, cũng có không ít giả thuyết về tình trạng tự miễn, khi các kháng thể tấn công nhầm vào tế bào thần kinh. Các triệu chứng như tê buồn, ngứa ran chân tay có thể xảy ra khi dây thần kinh bị tổn thương, gửi tín hiệu sai đến não bộ.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho biết, hiện chưa có phác đồ điều trị sương mù não thống nhất, hoàn toàn điều trị trên kinh nghiệm, phán đoán và theo kiểu bao vây. Các bác sĩ chủ yếu lựa chọn phương pháp giúp bệnh nhân tăng lượng máu lên não.

Các trường hợp tới khám được bác sĩ Hoàng cho điều trị ô-xy cao áp, thuốc tăng cường tuần hoàn não dạng tiêm. Chỉ khoảng sau 2-3 ngày điều trị, bệnh nhân đã trở về trạng thái bình thường nhưng vẫn duy trì kéo dài 10 ngày. Tuy nhiên, việc điều trị này phải được bác sĩ kê đơn.

Đối với những người gặp tình trạng "sương mù não" có triệu chứng nhẹ thì có thể tự khắc phục bằng cách vận động nhiều giúp cơ thể hoạt động, giảm căng thẳng như đi bộ, chơi các môn thể thao nhẹ nhàng.

Người bệnh cũng tăng cường hoạt động trí não nhiều hơn như đọc sách, chơi những trò chơi trí tuệ (cờ, giải ô chữ…), nên hạn chế xem tivi mà nên nghe nhạc hay radio. Bổ sung các loại thuốc tăng cường tuần hoàn não, thuốc hoạt huyết để lưu thông hoạt huyết tốt hơn.

Hằng ngày cần bổ sung các thực phẩm như rau, trái cây… hạn chế dùng thịt đỏ và các loại đồ uống có chất kích thích như bia rượu, cà-phê.

(st)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Học kém tập trung, hay quên… có thể mắc sương mù não hậu Covid-19 tại chuyên mục Thuốc - Bác Sỹ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Thuốc - Bác Sỹ khác