Học tập sa sút vì nghiện mạng xã hội

Phan Thoa
Một nghiên cứu mới cho thấy trò chơi điện tử có thể giúp học sinh nâng cao điểm số môn toán và khoa học, nhưng mạng xã hội lại làm cho kết quả hai môn này kém đi.

VnEpress cho biết, mới đây, Đại học RMIT (Australia) đã thực hiện cuộc nghiên cứu với hơn 12.000 học sinh Australia ở tuổi 15 nhằm thu thập dữ liệu kết quả môn toán, khoa học, môn đọc cùng các hoạt động trực tuyến. Kết quả được công bố trên Tạp chí quốc tế về truyền thông với tựa đề “Việc sử dụng Internet và kết quả học tập của học sinh Australia 15 tuổi”. Phó giáo sư Alberto Posso, từ Trường Kinh tế Tài chính và Marketing thuộc Đại học RMIT, khuyên giáo viên nên lưu ý đến kết quả này.

Ông Posso cho biết, so với điểm trung bình của tất cả đối tượng nghiên cứu, các học sinh chơi trò chơi trực tuyến hầu như hàng ngày có kết quả cao hơn 15 điểm trong môn toán và 17 điểm trong môn khoa học. Nhưng với những học sinh sử dụng Facebook hay chat mỗi ngày lại có điểm toán thấp hơn 15 điểm so với những em không bao giờ tham gia mạng xã hội.

Theo ông Posso, điều này có thể giải thích vì học sinh dành thời gian trên mạng thay vì học và cũng cho thấy các em đang phải vật lộn với môn toán, khoa học và môn đọc. Nhưng các trang như Facebook có thể được sử dụng như công cụ để tìm kiếm học sinh rảnh rang. “Giáo viên nên xem xét sử dụng Facebook như một cách làm những học sinh này tham gia tích cực trong lớp học”, ông Posso nói.

Theo Tri thức trực tuyến, ở Việt Nam, tình trạng này cũng không phải là ngoại lệ. Sẽ không khó để bắt gặp những hình ảnh các em học sinh, sinh việc liên tục "cắm mặt" vào máy tính, điện thoại nhiều giờ mà quên ăn, quên ngủ, bỏ bê học hành…

Theo thống kê năm 2015 của Facebook, ở Việt Nam, mỗi tháng có tới 30 triệu người dùng và những người này dành trung bình 2,5 giờ/ngày để vào Facebook. 3/4 trong số đó là những người trẻ, nằm trong độ tuổi từ 18 - 34.

Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến kết quả học tập, làm việc, nó còn gây ra rất nhiều hậu quả đối với sức khoẻ, trong đó điển hình nhất là tình trạng mắc bệnh tâm thần.

Bác sĩ La Đức Cương, giám đốc bệnh viện Tâm thần TW1 cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân đến khám và điều trị tâm thần với nguyên nhân do "nghiện" mạng xã hội.

Theo bác sĩ, thời gian trước đây, các bệnh nhân nghiện mạng xã hội thường tìm đến các quán net nhưng gần đây, Internet ngày càng phổ biến, nhà nào có điều kiện là có thể lắp mạng nên các bạn trẻ thậm chí còn nghiện ngay cả ở nhà.

Các bệnh nhân mắc tâm thần do nghiện mạng xã hội, nghiện game chủ yếu là thanh thiếu niên từ cấp 2 trở lên và nhiều nhất là ở lứa tuổi cuối cấp 3, sinh viên ĐH. Đây là thời điểm các bạn trẻ có những thay đổi trong tâm lý, tính khí bốc đồng, máu ăn thua nhiều hơn và cũng bị vướng nhiều cám dỗ hơn.

Thực tế tại bệnh viện Tâm thần TW1, các bệnh nhân tâm thần do nghiện mạng xã hội, nghiện game được đưa tới chủ yếu ở mức sử dụng mạng, chơi game online nhiều giờ trong ngày dẫn đến các rối loạn tâm thần như mất ngủ, bỏ bê học hành và công việc, thậm chí trường hợp nặng hơn còn quên ăn, sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn, một số thì khép mình, không giao tiếp và có các hành vi bất thường.

Tình trạng nghiện mạng xã hội, nghiệm game dẫn đến mắc bệnh tâm thần rất nguy hiểm. Vì thế, thay vì online nhiều giờ trong ngày, chúng ta đi ra ngoài gặp gỡ bạn bè, vận động, chơi thể thao các bạn nhé!

Minh Anh (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Học tập sa sút vì nghiện mạng xã hội tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.