Các thầy cô giáo cũng thường xuyên lên ý tưởng xây dựng các tiết học với các hình thức đa dạng nhằm khơi gợi niềm hứng thú và say mê với môn học này.
Trong kỳ học đầu tiên của năm học 2016-2017, trò chơi xếp hình Tangram đã trở thành một điểm nhấn thú vị của mỗi giờ học toán. Trò chơi được áp dụng tại các khối lớp và nhận được sự hào hứng tham gia của tất cả học sinh.
Tangram là một đồ chơi xếp hình cổ xưa có nguồn gốc từ Trung Quốc, bao gồm 7 mảnh ghép có kích thước khác nhau với ba dạng hình học: 5 hình tam giác vuông cân, 1 hình vuông và 1 hình bình hành; xuất phát từ việc phân chia một hình vuông lớn ban đầu.
Luật chơi đơn giản là yêu cầu người chơi sử dụng tất cả các mảnh ghép để tạo thành những hình ảnh sống động khác biệt, sao cho các cạnh của mỗi mảnh ghép không chồng lên nhau. Tuy luật chơi đơn giản nhưng trò chơi lại đòi hỏi độ chính xác gần như tuyệt đối, các miếng ghép liên kết với nhau bằng những tỉ lệ hữu tỉ và vô tỉ khoa học, giúp học sinh phát triển khả năng suy luận logic và trí tuệ toán học.
Với trò chơi này, học sinh có thể chơi cá nhân hoặc theo nhóm nhỏ, có thể thi ghép theo hình mẫu hoặc tự mình sáng tạo các hình ảnh theo tưởng tượng.
Học sinh chơi Tangram trong giờ học toán.
Trò chơi Tangram cũng liên hệ tới bài toán hình học phẳng: hãy chứng minh rằng mọi hình đa giác đều có thể cắt thành một số (hữu hạn) các hình đa giác con rồi ghép lại thành hình vuông cùng diện tích. Có thể phát biểu bài toán cách khác là: 2 hình đa giác bất kỳ có diện tích bằng nhau, thì có thể cắt hình này thành một số mảnh (đa giác) rồi ghép thành hình kia.
Điều thú vị là trò chơi đã giúp đơn giản hóa bài toán trên khi để học sinh giải quyết vấn đề bằng cách tìm lời giải cho nhiều bài toán nhỏ: chứng minh rằng mọi hình đa giác cắt được thành các hình tam giác, chứng minh rằng mọi hình tam giác cắt ghép được thành một hình chữ nhật, chứng minh rằng một hình chữ nhật bất kỳ có thể cắt ghép lại được thành 1 hình chữ nhật mà có 1 cạnh có độ dài cho trước...
Sản phẩn sáng tạo của học sinh với trò chơi Tangram.
Không những tạo nên những giờ học sôi nổi, trò chơi Tangram còn khơi gợi sự sáng tạo của học sinh khi tạo nên những hình ảnh ghép thú vị. Trong đó, học sinh đặc biệt thích cách ghép hình người với các tư thế và cảm xúc khác nhau. Bên cạnh đó, học sinh cũng được các thầy cô hướng dẫn tìm hiểu ứng dụng thực tế của trò chơi trong kiến trúc và cuộc sống hàng ngày.
Tangram là trò chơi dễ chuẩn bị. Thầy cô có thể hướng dẫn học sinh tự làm một bộ Tangram để chơi ở nhà hoặc chơi cùng bạn bè trong giờ nghỉ tại trường học.
Ứng dụng của Tangram trong kiến trúc.
Trường PTLC Olympia