Hòn đảo bí ẩn này có tên North Sentinel nằm trong vịnh Bengal của Ấn Độ Dương và là một phần của quần đảo Andaman. Nhìn từ bên ngoài, North Sentinel không khác các hòn đảo khác là bao, nó dài khoảng 8 km, rộng 7 km, diện tích gần 60 km vuông với thảm thực vật tươi tốt và rợp bóng cây xanh. Điều bất thường duy nhất là nó được bao quanh bởi các rạn san hô và tàu chỉ có thể cập cảng hai tháng một năm.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, hòn đảo đáng sợ vì nó là mối đe doạ chết chóc cho con người hiện đại – những ai muốn đặt chân khám phá đảo này. Trong lịch sử, người nước ngoài đã thử đổ bộ lên đảo nhiều lần nhưng hầu như đều thất bại.
Nếu không đi theo đoàn và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn khó có thể sẽ không sống sót trở về, hoặc sẽ phải bỏ mạng ngay từ khi những bước chân đầu tiên chạm tới bờ biển.
Nguyên nhân không phải đến từ thiên nhiên khắc nghiệt hay động vật nguy hiểm mà là do con người trên đảo. Khi chúng ta đã bước vào thời kỳ văn minh 4.0 thì người dân trên đảo North Sentinel vẫn chìm đắm trong lối sống nguyên thuỷ. Đây có thể là nền văn minh bộ lạc duy nhất trên hành tinh này không bị thế giới bên ngoài quấy rầy.
Người Sentinel vẫn sống cuộc sống săn bắn hái lượm, sử dụng cung tên để săn bắt và không có bất kỳ dấu hiệu nào của nền văn minh nông nghiệp, nhưng có dấu vết của kim loại và lửa. Có báo cáo rằng người Sentinel đã bị cô lập với con người hiện đại trong hơn 60.000 năm, và dân số của họ ước tính là từ 40 đến 500 người. Những người bản địa trên hòn đảo này khá thấp bé, họ gầy và đen.
Ngôn ngữ là rào cản khiến bộ tộc này hoàn toàn không thể giao tiếp với thế giới bên ngoài. Nó vô cùng đặc biệt và dường như không giống với bất cứ ngôn ngữ nào khác của nhân loại.
Họ chẳng chào đón bất cứ du khách nào muốn khám phá hòn đảo của mình và thường đối xử bằng cung và giáo, thậm chí còn tấn công cả máy bay trực thăng bằng cung.
Sự tiếp xúc sớm nhất của con người hiện đại với hòn đảo này có lẽ vào đợt gió mùa cuối mùa hè năm 1867. Con tàu buôn Ấn Độ Nineveh đi chệch hướng và va vào các rặng san hô xung quanh đảo Sentinel.
Ít nhất 100 hành khách sống sót sau vụ tai nạn này và tiếp tục khám phá hòn đảo, mà không biết rằng một bộ tộc giận dữ sẽ tấn công họ chỉ ba ngày sau khi đến.
Hàng chục người dân trên đảo đã dùng cung tên tấn công những thành viên thủy thủ đoàn và nhóm hành khách phải tự vệ bằng gậy và đá. Thuyền trưởng sau đó phải tìm kiếm sự giúp đỡ và liên lạc với một tàu hải quân cuối cùng sẽ đến đảo để cứu những hành khách còn lại.
Sau này, nhiều nhà nhân chủng học đã tới hòn đảo để nghiên cứu người dân bản địa nhưng đều có kết cục bị xua đuổi thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Năm 1967, nhà nhân chủng học Triloknath Pandit quyết định đặt chân đến hòn đảo và nghiên cứu những người dân bản địa ở đây. Kết quả, ông chỉ thấy những ngôi làng bị bỏ hoang. Pandit và thủy thủ đoàn của ông quyết định để lại quà trong những túp lều, lấy một số vật dụng phục vụ cho việc nghiên cứu của họ.
Vài năm sau, một nhóm nhà nhân chủng học mới muốn quay một bộ phim tài liệu về hòn đảo, nhưng khi vừa đến đảo, họ đã được chào đón bằng một trận mưa đá, mũi tên nhọn bằng sắt và những ngọn giáo ném vào thuyền của họ. Nhóm nghiên cứu phải bỏ chạy đến phần phía nam của hòn đảo đồng thời bỏ cuộc hành trình và bộ phim tài liệu của họ.
Ngoài ra, một số nhà nhân chủng học, và kênh truyền hình bao gồm cả National Geographic, đã cố gắng đáp xuống hòn đảo để thiết lập quan hệ hữu nghị, nhưng cũng không có ngoại lệ, họ đã bị tấn công bằng cung tên. Giám đốc của National Geographic thậm chí còn bị bắn một mũi tên vào chân.
Hòn đảo nhìn bên ngoài có vẻ bình thường này thực sự là mối đe dọa đến tính mạng đối với con người hiện đại. Chúng ta không có quyền ép buộc người Sentinel thay đổi cuộc sống của họ. Vì vậy những người cố đặt chân lên đảo và gặp tai họa là điều không thể trách được ai. Cho dù người dân trên đảo có tàn ác đến đâu, cũng sẽ không có luật nào trừng phạt họ, trừ khi đổ bộ lên các hòn đảo khác và gây ra mối đe dọa cho những người khác ở thế giới bên ngoài họ.