Hướng dẫn 5 bước cấp trẻ em cứu đuối nước đúng cách

Tại Việt Nam, hàng năm có đến gần 2.000 các bạn nhỏ bị đuối nước, do đó, bạn và người thân hãy lưu ý 5 bước sau để cấp cứu khi gặp trường hợp bị đuối nước đúng cách.

 

Kỹ thuật ấn góc hàm.

Kỹ thuật ấn góc hàm.

Vài phút đầu là thời gian vàng để cấp cứu trẻ em đuối nước, việc cấp cứu đúng cách cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của các bạn nhỏ.

Nếu sơ cấp cứu không đúng các bạn nhỏ có thể tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề dù sau đó có được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực do quá trình thiếu ô-xy não kéo dài. Người lớn cần lưu ý 5 bước cấp cứu đuối nước ở trẻ em đúng cách:

Bước 1 - Gọi trợ giúp

Bạn cần nhanh chóng tìm sự trợ giúp của những người chung quanh khi thấy có người bị đuối nước bằng cách gọi to sau đó gọi cấp cứu 115 nếu có thể.

Bước 2 - Nhanh chóng tìm cách đưa nạn nhân ra khỏi nước bằng mọi cách

Đây là bước rất quan trọng. Có 2 phương pháp là cứu đuối gián tiếp và cứu đuối trực tiếp.

Cứu đuối gián tiếp: Sử dụng các dụng cụ cứu đuối sẵn có (phao, dây, gậy, quần áo, các vật có thể nổi trên nước,…) để cứu người đuối nước khi vẫn còn đang tỉnh. Tùy theo tình hình, tính chất của mỗi trường hợp cụ thể mà người cứu đuối lựa chọn phương án cứu để phù hợp, an toàn và hiệu quả.

Cứu đuối trực tiếp: Xuống nước, bơi đến cứu nạn nhân. Cứu đuối trực tiếp nên dành cho đối tượng cứu hộ chuyên nghiệp, được đào tạo có đủ sức khỏe và năng lực ở thời điểm thực hiện hoặc đối tượng không chuyên có kỹ năng bơi và cứu đuối.

Bước 3 - Kiểm tra xem trẻ có thở không và có tỉnh không

Khi trẻ em được đưa lên bờ, ngay lập tức xem nạn nhân có thở không bằng cách nhìn lồng ngực của các bạn nhỏ có di động không? Đặt tai của bạn gần miệng và mũi người đuối nước có cảm thấy không khí thở ra của trẻ ở trên má của bạn không? (thở ngáp được xem là không thở).

Trong khi kiểm tra hơi thở, bạn cũng có thể lay gọi nạn nhân để xem trẻ có phản ứng không.

Hà hơi thổi ngạt cho trẻ.

Hà hơi thổi ngạt

Bước 4: Nếu trẻ không thở, hãy bắt đầu hồi sức tim phổi (CPR) ngay:

Cẩn thận đặt nạn nhân nằm ngửa trên nền cứng.

Nếu nghi ngờ chấn thương cổ: hãy di chuyển nạn nhân bằng cách di chuyển toàn bộ cơ thể (đầu, cổ, cột sống và hông) với nhau, giữ cho tất cả thẳng hàng; không ngửa đầu nâng cằm, chỉ cần ấn góc hàm.

Nếu không nghi ngờ chấn thương cổ: Giữ đầu nạn nhân ngửa ra sau và nâng cằm để thông đường thở (kỹ thuật ngửa đầu-nâng cằm).

Tiến hành hồi sức tim-phổi (CPR) cho các bạn nhỏ bằng cách:

Thổi ngạt: Với các bạn nhỏ, đặt miệng của bạn trên cả mũi và miệng của nạn nhân để thổi ngạt được kín. Với các bạn lớn hơn, một tay ép cánh mũi và đưa miệng của bạn thổi vào miệng của nạn nhân. Thổi chậm, đều trong 1-2 giây và ngực của nạn nhân sẽ phồng lên, thổi ngạt 5 nhịp thở đầu tiên.

Ép tim ngoài lồng ngực: Ngay sau thổi ngạt 5 nhịp đầu tiên, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Sử dụng một tay đặt vuông góc với lồng ngực, (các bạn lớn/người lớn có thể dùng hai tay). Vị trí ép tim là 1/2 dưới xương ức, ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3-1/2 lồng ngực theo đường kính trước sau.

Tốc độ ép tim 100-120 lần/phút. Những lần tiếp theo tiếp tục thực hiện theo chu kỳ 30 lần ép tim/2 lần thổi ngạt. Tiếp tục ép tim và thổi ngạt liên tục (cả trong quá trình vận chuyển cấp cứu) cho tới khi nạn nhân tự thở lại được, hồng hào trở lại.

Bước 5: Sau khi nạn nhân tỉnh cần đặt nạn nhân ở tư thế an toàn: Nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh bị ngạt thở trở lại. Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm cho nạn nhân sau đó nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Trên đường đi, cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của các bạn nhỏ. Tốt nhất là có sự trợ giúp vận chuyển của nhân viên y tế.

Ép tim ngoài lồng ngực.

Ép tim ngoài lồng ngực.

Một số chú ý khi cấp cứu trẻ em đuối nước và những sai lầm cần tránh:

- Không được dốc ngược trẻ em lên vai rồi chạy làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược hít vào đường thở và làm chậm trễ hồi sức tim phổi (ép tim/thổi ngạt) làm mất thời gian vàng để cấp cứu.

- Không được ngừng hồi sức tim phổi nếu trẻ em chưa có nhịp thở.

- Khi ép tim ngoài lồng ngực, không ấn ngực quá mạnh sẽ gây gãy xương sườn, đụng dập phổi.

- Cần đưa tất cả các bạn nhỏ bị đuối nước đến các cơ sở y tế để tiếp tục kiểm tra và theo dõi các biến chứng sau đuối nước.

- Người cứu không biết bơi nhưng lại cố gắng nhảy xuống nước gây nguy hiểm tính mạng.

Phòng ngừa đuối nước - cần sự chung tay của cả gia đình và cộng đồng:

Tổ chức tuyên truyền cho mọi người dân cùng tham gia phòng tránh đuối nước trẻ em; giáo dục kiến thức, kỹ năng (cho học sinh từ lớp 1) phòng chống đuối nước và dạy trẻ bơi an toàn; tuyên truyền cho người chăm sóc các bạn nhỏ luôn để ý, quản lý, giám sát các bạn mọi lúc, mọi nơi; loại bỏ nguy cơ đuối nước cho trẻ em tại cộng đồng, gia đình, trường học.

Các khu vực bơi công cộng phải được giám sát bởi nhân viên cứu hộ được huấn luyện về các kỹ thuật cứu hộ. Ao, hồ, dụng cụ chứa nước trong gia đình phải có rào chắn, nắp đậy; có các biển cảnh báo tại các sông ngòi, hồ nước,… nơi công cộng.

Giáo dục, hướng dẫn cho các bạn nhận biết các nơi nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra đuối nước. Cần tuyên truyền phổ biến các biện pháp phòng ngừa và cấp cứu ban đầu đúng cho người dân. Tổ chức các lớp cấp cứu cơ bản cho cộng đồng.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Hướng dẫn 5 bước cấp trẻ em cứu đuối nước đúng cách tại chuyên mục Kỹ Năng Sống của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Kỹ Năng Sống khác

Đi một trại hè, "học một sàng khôn"

Trại hè Học làm chiến sĩ công an - Đi để trưởng thành đã chính thức được Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng khởi động tổ chức. Đây là chương trình mang nhiều ý nghĩa tích cực, bổ ích dành cho các em học sinh từ 8 đến 16 tuổi. 

Xử lý thế nào khi bị ong tấn công?

Ong mật có thể đuổi theo con mồi với tốc độ xấp xỉ 32 km/giờ, vì vậy nếu đủ sức bạn hãy chạy nhanh hơn đàn ong, khi bị đốt cần rút nọc độc dính trên da càng sớm càng tốt.

Mùa hè an toàn - khi bạn online

Mùa hè, bạn sẽ có nhiều “khoảng trống” sau những lúc ngủ nghỉ cùng các kế hoạch vui chơi dài dài. Thế nên sẽ không lạ nếu như bạn được mẹ cho phép “kết bạn” với cái cậu có tên “online”. Đây là kho tàng kiến thức khổng lồ ta có thể truy cập bất cứ khi nào và ở bất cứ đâu. Nó có thể giúp bạn “xả xì trét” sau những giờ học căng thẳng. Nhưng, Internet cũng tiềm tàng nhiều rủi ro. Bởi vậy, hãy để Tóc Mây chỉ cho bạn một số bí kíp” hay ho nè!

Duy trì sức khỏe trong mùa thi

Mùa thi đến rồi, ngoài tập trung ôn luyện kiến thức thì việc duy trì cơ thể khỏe mạnh là điều rất cần thiết để đạt được kết quả tốt bạn nhé!