"Kẹo mút cần sa"-Kỳ 2: “Nghiện cần sa, bạn sẽ đánh mất bản thân mình!”

Nguyễn Hà
Đó là câu nhấn mạnh của PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm, khi cảnh báo về sự nguy hiểm của những loại bánh, kẹo có trộn cần sa.

Những lời rao bán như rót mật, với tác dụng “thần sầu” như: “Chỉ là kẹo mút thương hiệu Canabis, giúp điều hòa các cơn co giật, có thể giúp ích cho bệnh nhân trầm cảm, là một lựa chọn khác cho việc điều trị bệnh đau đầu, có thể điều hòa và ngăn ngừa căn bệnh tiểu đường (đái tháo đường)… đã đánh trúng tâm lý “tự ngã” của giới trẻ.

Câu hỏi đặt ra là: Chỉ một lượng nhỏ cần sa có trong kẹo mút, sô cô la liệu có ảnh hưởng tới người dùng?! PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm, cho rằng: "Cần sa là một trong các chất ma túy, có thể gây ức chế thần kinh, thậm chí gây hưng phấn thần kinh cực mạnh ở liều lượng nhiều, còn ở liều lượng chút ít, người sử dụng rất dễ ngủ, ngủ ngon, nhưng dần dần khi đã nghiện rồi thì sẽ bị lệ thuộc. Nếu cơ thể không được đáp ứng sẽ rất thèm thuồng, thậm chí có người thèm tới mức độ ủ rũ và không thiết làm gì hết. Có những người nghiện ma túy đã không làm chủ được hành động của mình và gây rối loạn hành động. Như vậy, bạn cần phải hiểu rằng, sử dụng cần sa dù ở liều lượng như thế nào thì cũng sẽ có tác động không tốt tới thần kinh và sức khỏe”.

 

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh -Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội).

Người nghiện cần sa không biết mình nghiện khi nào

Các chất kích thích này không gây nghiện lập tức, mà là sự phụ thuộc từ từ, làm cho người sử dụng bị nhiễm các chất này một cách dần dần, cấp độ nghiện cũng tăng dần từ từ. Nhưng sự nguy hiểm lại nằm ở chỗ đó, bởi người sử dụng sẽ trở thành "nô lệ" của nó lúc nào chẳng biết.

“Biểu hiện của người nghiện cần sa theo tôi được biết cũng giống như người nghiện thuốc lá vậy, họ quen với sử dụng một liều lượng nhỏ rồi tăng dần tăng dần, khi không có thì rất thèm thuồng. Bởi vậy, bản thân người sử dụng cần sa nhận ra rằng mình nghiện rất khó, nhất là với các cảm giác “phê phê” mà nó đem lại, chưa kể đối với các loại bánh, kẹo trộn cần sa như vậy, hấp dẫn người mua – đặc biệt là trẻ em ở mùi vị của bánh, kẹo chứ chưa cần biết là có cần sa hay không, cũng giống như cafein trong trà hay cà phê vậy, bị át bởi vị trà, cà phê rồi, nhưng thực chất lại có tính gây nghiện. Người nghiện trà, cà phê thường không thể nhớ chính xác được khi nào mình nghiện cả!”, ông Thịnh cho biết.

Kẹo mút cần sa có phải là hàng cấm?!

Thực chất, tất cả những chất được gọi là hoạt chất thần kinh như heroin và cần sa… thì phải được cấp phép của Bộ Y tế, sử dụng cho những trường hợp cụ thể, đúng mức, đúng chỗ đúng lúc chứ không phải ai cũng có thể mua và sử dụng tùy tiện.

Và những chất cấm như cần sa, heroin… thì chỉ được sử dụng với liều lượng rất ít trong chữa bệnh với những tình huống và loại bệnh cụ thể. Bởi vậy nên đối với kẹo mút cần sa mà lại được quảng cáo với các tác dụng kích thích này là vô cùng nguy hiểm.

Theo tôi, nên kêu gọi các cơ quan điều tra, phòng chống ma túy vào cuộc trong trường hợp này để thẩm định, ngăn chặn sự lan tràn của lại kẹo này, thậm chí là xử phạt (hoặc cao hơn là xử phạt hình sự) chứ không đơn thuần chỉ là kêu gọi, giải thích tác hại của loại kẹo này nữa.

Cha mẹ phụ huynh cũng cần quan tâm và đưa ra lời cảnh báo

“Tôi nghĩ trước hết, các bậc phụ huynh nên đưa ra lời cảnh báo và giải thích với các con về tác hại của kẹo mút nói chung, đặc biệt là kẹo mút cần sa nói riêng đối với sức khỏe. Sô-cô-la hay kẹo mút đều là những thứ trẻ con thích. Cần phải làm cho các con hiểu rằng, cần sa, ma túy là những thứ nguy hiểm, nên tránh xa”. Ngoài ra, cần nói với các bạn trẻ nên tránh xa ma túy. Theo tôi, việc ngăn chặn, phòng ngừa dễ hơn là chống. Bởi một khi đã xảy ra rồi, việc xử lý hệ quả là khó khăn hơn rất nhiều so với chúng ta ngăn chặn từ đầu.

Bạn thân mến! Dưới góc nhìn của một Chuyên gia về an toàn thực phẩm, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh đã nêu rõ những độc hại của ma túy nói chung và cần sa nói riêng tới sức khỏe con người, đặc biệt là những người trẻ. Dưới "góc nhìn" của luật pháp thì sao? Nếu bạn chưa rõ mình sẽ bị xử phạt thế nào nếu tham gia mua, bán, sử dụng những chất cấm này, mời đón xem kỳ tiếp theo: "Mua bán, sử dụng chất ma túy đều có thể bị phạt tù".   

Nhóm phóng viên TNTPO

 

 

 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết "Kẹo mút cần sa"-Kỳ 2: “Nghiện cần sa, bạn sẽ đánh mất bản thân mình!” tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.