"Kẹo mút cần sa"-Kỳ 3: Mua,bán,sử dụng cần sa có thể bị phạt tù

Nguyễn Hà
Đối với những người đã từng được giáo dục nhiều lần và tái phạm hành vi vận chuyển cần sa hay chất ma túy sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm. Còn đối với hành vi mua bán, phạt nặng nhất tới 15 năm tù giam.

Ở các bài viết trước, chúng tôi đã nhắc tới loại sản phẩm kẹo mút cần sa và socola cần sa được giới trẻ "săn lùng" và những tác hại của chúng.

Những người bán hàng vẫn vô tư kinh doanh vì mặt hàng này đánh trúng thị hiếu của người trẻ và cho rằng những hàng hóa đó không bị cấm. Phóng viên đã tìm đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an để tìm hiểu về những quy định cho mặt hàng này.

“Hiện nay, tất cả các hành vi trồng, mua, bán, sử dụng, tàng trữ sản phẩm cần sa đều là hành vi phạm pháp, chỉ có một số trường hợp được ngành y tế cho phép dùng cho bệnh nhân thôi”, đó là khẳng định của một cán bộ Cục phòng chống ma túy, Bộ công an.

Cần sa y tế là sử dụng một phần hoạt chất của cây cần sa để điều trị các vấn đề sức khỏe. Bác sĩ thường sử dụng nó để giảm đau cho bệnh nhân chứ không phải để tìm ảo giác. Cây cần sa có chứa hàng trăm hoạt chất nhưng hai thành phần chủ đạo trong loại cây này là: THC (delta 9-tetrahydrocannabinol) là thành phần gây kích thích chính. Tuy nhiên THC chỉ gây ra các hiệu ứng kích thích như ảo giác, lo lắng, hoang tưởng, thèm ăn, thèm ngủ, cảm giác bay bổng. CBD (cannabidiol) là thành phần có nồng độ thấp hơn nhiều so với THC nhưng lại gây ra các kích thích như hưng phấn, thích thú, dễ gây buồn cười, làm tăng hiệu ứng hạnh phúc, giảm hoang tưởng, lo lắng và căng thẳng, giảm đau và tốt cho bệnh nhân động kinh.

Kẹo mút và socola cần sa đang gây sốt với hình thức mua bán mời chào công khai (nguồn Công an Nghệ An Online).

"Kẹo mút cần sa này thực chất bên trong không chứa tinh dầu cần sa như những gì người bán quảng cáo mà trong đó người sản xuất đã trộn hạt cần sa hoặc ma túy tổng hợp (ke, đá…) khi ăn vào sẽ tác động trực tiếp tới thần kinh người dùng. Loại mặt hàng này ở nước ngoài cũng có, nhưng ở Việt Nam đã từng có trường hợp mua về để trộn sau đó bán cho người dùng.

Đầu năm 2018, tại một quận trên địa bàn thành phố Hà Nội, cơ quan chức năng đã phát hiện một nhóm người đã mở xưởng sản xuất kẹo socola, kẹo mút. Sau khi mang sản phẩm về giám định thành phần đã phát hiện trong đó chứa rất nhiều tổ hợp chất như nước điếu thuốc lào, ke, đá, cỏ Canada… Vụ việc sau đó đã được xử lý.

Với những trường hợp buôn bán kẹo mút cần sa này, để truy tố chịu trách nhiệm hình sự cần phụ thuộc vào hàm lượng cần sa có trong sản phẩm. Nếu bán với số lượng lớn thì chắc chắn là vi phạm.

Bên cạnh đó là xem xét hành vi, đối với trường hợp lần đầu tiên tàng trữ, mua bán dạng kẹo mút trộn cần sa sẽ không đủ để truy tố hình sự. Còn với đối tượng vừa ra tù hoặc tái phạm sẽ không cần giám định hàm lượng, bị phạt tù đến 7 năm".

Theo Bộ luật hình sự năm 2015, tại điều 250 với người từng bị xử phạt vi phạm hành chính và đã bị kết án về tội này mà vận chuyển trái phép cần sa, chất ma túy sẽ bị phạt tù 2 đến 7 năm.

Đối với những người mua bán trái phép cần sa, chất ma túy cho 2 người trở lên hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi (hành vi tương tự với những người bán kẹo mút, socola cần sa) sẽ bị phạt tù từ 7 đến 15 năm (được quy định tại điều 251, Bộ luật hình sự).

Cũng trong buổi trò chuyện, cán bộ Cục phòng chống ma túy cho biết, cần ngăn chặn ngay đầu vào cả sản phẩm trộn cần sa cũng như nguyên liệu tự sản xuất. Vì đây là sản phẩm mới, nên các cơ quan chức năng cần giám sát, nắm bắt loại hình mới đang đầu độc giới trẻ. Trong thời gian sớm nhất sẽ cho ra một văn bản để cảnh báo người dân. Sau đó, Cục phòng chống ma túy sẽ tham mưu lên các cơ quan cấp trên để xem xét có hình phạt xử lý đối với các hành vi liên quan đến loại kẹo này.

Ngày 10/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh, làm rõ thông tin báo nêu và có biện pháp xử lý đối với hình thức mua bán ma túy và các sản phẩm có chứa chất ma túy này, báo cáo Chủ tịch Ủy ban Quốc gia trước ngày 30/4/2018.

Ở Việt Nam, cũng như nhiều loại ma túy khác, việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng và tổ chức cho người khác sử dụng cần sa là hành vi vi phạm pháp luật. Với cách thức buôn bán lách luật những sản phẩm có thành phần ma túy như bánh kẹo cần sa cần được các cơ quan chức năng quan tâm hơn để loại bỏ những mầm mống gây hiểm họa cho xã hội.

Câu chuyện về kẹo mút cần sa, sô cô la trộn cần sa... vẫn chưa có hồi kết. Cho đến khi các cơ quan chức năng tìm ra biện pháp cụ thể để ngăn chặn sự lan truyền của những sản phẩm độc hại này thì cách tốt nhất là teen hãy chủ động nâng cao nhận thức để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình và những người xung quanh. Nói thì có vẻ đơn giản, thực tế, câu chuyện về an toàn thực phẩm nói chung và nhận thức của teen về việc ăn, uống thế nào cho an toàn vẫn ngày qua ngày làm đau đầu không chỉ các bậc phụ huynh mà các thầy cô giáo cũng luôn phải... "giật mình thon thót". Chỉ cần bước qua cổng trường thôi là các khách hàng tiềm năng này đã có thể lạc ngay vào "mê trận" của những đồ ăn vặt. Có nhãn, không nhãn, có xuất xứ, không có xuất xứ, có hạn sử dụng thậm chí chẳng cần quan tâm hạn dùng đến lúc nào... có tiền là mua, là ăn mà chẳng cần biết có độc hại hay không. Và thực tế đã có không ít hậu quả đau lòng xảy ra từ việc ăn uống vô tội vạ này. "Ẩn họa ăn vặt ngoài cổng trường" là nhan đề bài tiếp theo trong loạt bài này. Bạn quan tâm, vui lòng đón xem kỳ tiếp theo nhé!   

 

Nhóm phóng viên TNTPO 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết "Kẹo mút cần sa"-Kỳ 3: Mua,bán,sử dụng cần sa có thể bị phạt tù tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Miền Bắc tái diễn nồm ẩm kéo dài

Từ nay đến ngày 21/3, miền Bắc vẫn kéo dài tình trạng mưa phùn sương mù. Độ ẩm tăng cao khiến nồm ẩm trở thành nỗi "ác mộng" của thời tiết Bắc Bộ.