Ngày nay, với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin đã tác động đến ý thức và thói quen đọc sách báo của giới trẻ. Văn hóa đọc dần dần bị thay thế bởi mạng xã hội và thiết bị điện tử, làm chi phối sự tập trung cũng như thói quen đọc sách báo. Hiện nay nhiều trường học đã và đang khuyến khích giáo viên đưa ra những giải pháp sáng tạo nhằm tạo thói quen cho các bạn học sinh tiếp cận với sách báo, nhất là những ấn phẩm phù hợp với từng lứa tuổi.
Văn hóa đọc không chỉ đơn thuần là một hình thức để tiếp cận thông tin, mà còn là một trong những hoạt động văn hóa, được gọi là văn hóa đọc, là thái độ và cách ứng xử của chúng ta với tri thức và sách vở.
Văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự bùng nổ thông tin với sự xuất hiện các loại hình đa phương tiện như: tivi, máy tính, điện thoại,.. biểu hiện văn hóa đọc của giới trẻ hiện đang là vấn đề đáng báo động cần có những giải pháp để cải thiện khả năng đọc hiểu trên sách báo thay vì lạm dụng quá nhiều vào công nghệ.
Nếu không có sự định hướng cho các bạn về tầm quan trọng và sự cần thiết từ sách báo thì các bạn có thể thờ ơ, không chú tâm rèn luyện thói quen đọc sách, thậm chí chỉ mải mê lướt web, facebook, zalo, chơi điện tử….
Nhiều bạn học sinh nếu không có đam mê đọc sách báo, không cố gắng rèn luyện, trau dồi kiến thức dẫn đến thiếu kiên nhẫn và sự kiên trì từ đó làm cho các bạn ngày càng lười biếng.
Để tạo được thói quen đọc sách báo cho các bạn học sinh, Trường tiểu học Đại Nài (TP Hà Tĩnh) đã dùng nhiều giải pháp tạo niềm đam mê đọc cho học sinh như: Đọc sách theo nhóm, đọc sách theo sở thích, đọc sách cùng em, đọc và viết cảm nhận, vẽ sách theo sơ đồ tư duy, đọc và làm theo báo Đội…. đã tạo được động lực và niềm đam mê đọc sách báo mỗi ngày cho các bạn, từ đó các bạn học sinh thấy được những giá trị tốt đẹp mà văn hóa đọc mang lại.
Cô giáo Phương Thường
(trường TH Đại Nài, TP Hà Tĩnh)