Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu rõ cấu trúc Atlat Địa lý như nó cung cấp thông tin gì, giúp làm những dạng bài tập nào... Khi nắm rõ cấu trúc Atlat, các bạn sẽ tìm kiếm thông tin nhanh hơn, chính xác hơn, tiết kiệm được thời gian để làm các câu hóc búa hơn.
Theo đó, Atlat Địa lý gồm các nội dung như sau:
Trang 3: Hệ thống lại các kí hiệu bản đồ dùng trong Atlat
Trang 4, 5: Thể hiện phạm vi lãnh thổ, các đơn vị hành chính, dân số, diện tích, các thành phố trực thuộc trung ương.
Trang 6 – 14: Là những kiến thức thuộc phần Địa lý tự nhiên
Trang 15 – 16: Kiến thức thuộc chương Địa lý dân cư
Trang 17 – 25: Tóm tắt kiến thức về các ngành kinh tế. Cụ thể: Kinh tế chung ở trang 17; kinh tế nông nghiệp trang 18, 19, 20; kinh tế công nghiệp trang 21, 22; các ngành dịch vụ trang 23, 24, 25
Trang 26-30: Địa lý các vùng kinh tế
Bên cạnh đó trong Atlat, ký hiệu được sử dụng rất nhiều vì thế chúng ta cần nắm chắc các ký hiệu như tự nhiên, nông nghiệp, công nghiệp, lâm ngư nghiệp, ký hiệu khoáng sản, địa hình... để vận dụng tốt, tránh nhầm lẫn.
Thường mỗi bản đồ về dân cư, ngành kinh tế sẽ có từ 1 đến 2 biểu đồ (cột, đường, tròn, miền) thể hiện sự tăng, giảm về giá trị tổng sản lượng, về diện tích (đối với các ngành nông-lâm nghiệp…), về cơ cấu, về xu hướng chuyển dịch cơ cấu của các ngành kinh tế... Vì thế các bạn cần biết cách khai thác biểu đồ để trả lời câu hỏi.
Các câu hỏi có yêu cầu trình bày tình hình phát triển sản xuất, hoặc quá trình phát triển của ngành này hay ngành khác, đều có thể tìm thấy các số liệu ở các biểu đồ của Atlat, thay cho việc phải nhớ các số liệu và học thuộc lý thuyết trong sách giáo khoa. Đây thật sự là một cách học rất hiệu quả đó nha!
Ví dụ: Căn cứ vào Atlat địa lý trang 30, biểu đồ GDP của các vùng kinh tế trọng điểm so với cả nước năm 2005-2007. Hãy cho biết nhận xét nào sau đây không đúng?
A. Tỷ trọng GDP vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giảm
B. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có tỷ trọng GDP thấp nhất
C. Tỷ trọng GDP vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng
D. Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc có tỷ trọng lớn nhất
=> Với cách khai thác Atlat bạn có thể dễ dàng nhận thấy đáp án là B.
Hơn nữa, ngoài kỹ năng đọc Atlat chúng ta cũng cần phải có tư duy suy luận logic để tìm ra đáp án chính xác trong thời gian nhanh nhất.
Ví dụ: Căn cứ Atlat trang 13, cho biết đỉnh Phu Luông cao bao nhiêu? Nếu quan sát lát cắt bên dưới phía trái bản đồ sẽ thấy núi Phu Luông cao 2.985m (trong khi đó nếu tìm trên bản đồ sẽ mất thời gian và cũng khó để nhìn số chi tiết độ cao).
Khi làm bài thi chúng ta có thể khai thác rất nhiều thông tin từ Atlat nhưng nó không phải sách giáo khoa vì vậy không chứa đựng 100% kiến thức Địa lý. Atlat chỉ là phương tiện để khi nhìn vào chúng ta có thể hình dung và nhớ lại kiến thức đã học. Vì vậy để đạt điểm tối đa ngoài việc trau dồi kỹ năng sử dụng Atlat các bạn cũng cần phải ôn tập lý thuyết thật tốt và chăm chỉ giải đề nhé!