Để trở thành những người "làm chủ cánh bay"
Trường Sĩ quan Không quân là nơi đào tạo phi công quân sự bậc đại học ở Việt Nam. Hằng năm, nhà trường đào tạo hàng chục phi công trong nước, tạo nguồn lực cho các đơn vị không quân thực hiện nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu, bay các nhiệm vụ theo yêu cầu của Quân chủng Phòng không – Không quân và Bộ Quốc phòng.
Sinh viên và quân nhân sau khi được tuyển chọn, thẩm định có đủ điều kiện sức khỏe, lý lịch chính trị rõ ràng và vượt qua kỳ thi tuyển văn hóa theo quy định mới được vào Trường Sĩ quan Không quân để đào tạo trở thành phi công quân sự.
Ở vòng khám sơ tuyển, ngoài các hạng mục kiểm tra sức khỏe thông thường, ứng viên phải trải qua một số bài kiểm tra đặc thù và khắc nghiệt như kiểm tra trí nhớ, tâm lý, chức năng tiền đình và sức chịu đựng trong môi trường giảm áp. “Khắc nghiệt nhất ở vòng này là nội dung kiểm tra sức chịu đựng trong môi trường giảm áp. Ứng viên được đưa vào một khoang máy kín có hệ thống hút chân không. Áp suất được điều chỉnh giảm xuống, oxy được rút bớt ra để môi trường trong khoang máy tương đương với máy bay đang độ cao 5000 mét. Trong 30 phút ở môi trường này, ứng viên sẽ phải kiểm tra chức năng khí áp tai, khí áp xoang, độ nhạy của thính giác, thị giác, công năng hô hấp của phổi… Đã có nhiều người ngất xỉu ở phần kiểm tra này”, phi công Phạm Văn Duy kể lại.
Một hành trình đầy gian nan
Hiện Trung đoàn Không quân 910 là nơi thực hiện “công đoạn cuối cùng” trong quá trình đào tạo phi công của Trường Sĩ quan Không quân. Sau hai năm đầu học lý thuyết cơ bản tại trường và năm 3 làm quen với máy bay Yak-52, năm học thứ 4 học viên được huấn luyện thực hành tại đây với máy bay L-39 hoặc trực thăng Mi-8.
Ở giai đoạn thực hành bay, từng học viên bắt đầu làm quen với các kỹ năng: Quan sát mặt đất, trên không, thao tác sử dụng các thiết bị trong buồng lái. Do đặc thù và tính chất công việc, mỗi giảng viên bay ở Trường Sĩ quan Không quân chỉ hướng dẫn từ 2 đến 3 học viên trong một khóa huấn luyện. Việc dạy và học ở giai đoạn này diễn ra không chỉ trong giảng đường, trên buồng lái, mà thường xuyên liên tục trong cả cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Khổ luyện trên mây
4 giờ 30 phút sáng, doanh trại Trung đoàn Không quân 910 đã nhộn nhịp. Đúng 5h30 sáng, máy bay trinh sát khí tượng báo về thời tiết thuận lợi. Buổi tập bắt đầu. Chiếc máy bay đầu tiên lăn bánh ra khỏi hàng, chạy đà trên đường băng rồi xé gió lao vút lên bầu trời. Trên bầu trời, học viên thực hiện các bài bay huấn luyện (vòng kín, công kích mục tiêu trên không, dưới đất, bay xuyên mây...) theo hướng dẫn trực tiếp của giảng viên và đài chỉ huy.
“Sau khi cất cánh, học viên sẽ thực hiện bài bay khoảng 50 - 60 phút rồi bay về. Không vực huấn luyện xa nhất mà học viên thực hiện huấn luyện bay trong vòng bán kính 73km. Mỗi học viên sẽ thực hiện 2 - 3 lượt bay trong một buổi huấn luyện”, Thượng tá Tô Anh Tuấn, Phó Trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn Không quân 910 cho biết.
Chinh phục bầu trời, trở thành người chiến sĩ không quân tham gia bảo vệ bầu trời Tổ quốc là ước mơ của nhiều thanh niên Việt Nam. Vì vậy, nếu bạn có chung khát khao trở thành phi công quân sự, hãy chăm chỉ học tập, rèn luyện sức khỏe để nuôi dưỡng ước mơ đó, các bạn nhé!
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm TNTP Chủ Nhật. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm TNTP Chủ Nhật. Nếu bạn quan tâm, có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |