Tuy nhiên, mọi thông tin về tiểu hành tinh đều được giữ bí mật. Điều này có nghĩa là điểm đến cũng như phạm vi hoạt động của tàu vũ trụ Odin trong không gian sẽ không được tiết lộ.
Xu hướng gây tranh cãi
Việc thực hiện các sứ mệnh thương mại bí mật đã gây tranh cãi trong nhiều năm gần đây bởi cho thấy những lỗ hổng trong quy định về khai thác không gian, đồng thời làm dấy lên lo ngại về tính nhân văn trong khám phá vũ trụ.
“Sứ mệnh này có thể tạo ra là một tiền lệ xấu. Tôi không ủng hộ việc có vật thể tồn tại trong Hệ Mặt Trời mà không ai biết vị trí hoạt động chính xác của nó”, Jonathan McDowell, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian nhận định.
“Việc tiết lộ về tiểu hành tinh mà chúng tôi đang nhắm đến có thể tạo cơ hội cho một tổ chức khác chiếm giữ tiểu hành tinh đó”, Matt Gialich, giám đốc điều hành của AstroForge chia sẻ.
Sau vụ việc 2 công ty khởi nghiệp nghiên cứu Hệ Mặt Trời phá sản hồi năm 2010, việc khai thác các tiểu hành tinh gần như bị quên lãng. Mặc dù vậy, vẫn có một số công ty ở Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc đang nỗ lực chen chân vào lĩnh vực này.
Cạnh tranh leo thang khi ngày càng có nhiều công ty hàng không vũ trụ ra đời. Theo đó, mức độ bí mật của các sứ mệnh cũng ngày càng tăng. Điều này kéo theo nhiều rủi ro.
Chẳng hạn, năm 2019, tàu Beresheet do Israel chế tạo đã bị rơi khi bí mật hạ cánh xuống Mặt Trăng. Trên tàu khi đó chứa vài nghìn con gấu nước. Vụ tai nạn làm dấy lên mối lo ngại về việc ô nhiễm Mặt Trăng, khiến Cục Hàng không Liên bang Mỹ phải vào cuộc điều tra.
Gần đây hơn, một công ty khác tại Mỹ là Virgin Galactic đã giữ kín danh tính các phi hành gia trên chuyến bay của mình cho đến khi các nhiệm vụ hoàn thành, một thông lệ chưa từng thấy với các chuyến thám hiểm vũ trụ có con người tham gia.
Theo giáo sư Michelle Hanlon từ Đại học Mississippi, Liên Hợp Quốc đã yêu cầu các cơ quan và công ty vũ trụ công khai mọi thông tin về sứ mệnh của họ trong không gian, nhưng chưa có quy định tương tự với các sứ mệnh diễn ra trong phạm vi Hệ Mặt Trời.
Điều này làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, chẳng hạn như có nhiều công ty cùng khai thác một tiểu hành tinh.
Sứ mệnh "được ăn cả, ngã về không"
Odin là tàu du hành thứ 2 do công ty AstroForge phóng vào vũ trụ. Trước đó vào tháng 4/2023, công ty đã phóng tàu Brokkr-1 vào không gian nhằm thử nghiệm luyện kim.
Tuy nhiên, hôm 11/12, công ty bất ngờ thông báo con tàu này đã gặp sự cố. AstroForge đang “chạy đua với thời gian” để Brokkr-1 hoàn thành nhiệm vụ trước khi biến mất.
Trong khi đó, AstroForge có kế hoạch cho Odin đi cùng tàu Nova-C của công ty Intuitive Machines để thực hiện sứ mệnh robot lên Mặt Trăng vào năm 2024. Sứ mệnh này được thực hiện với sự tài trợ của NASA, ngày khởi hành vẫn chưa được ấn định.
AstroForge đang nhắm đến các tiểu hành tinh loại M. Đây được cho là những mảnh vụn của lõi hành tinh đã diệt vong, rất giàu kim loại có giá trị.
Những chuyến thám hiểm đến các tiểu hành tinh loại M chưa từng có tiền lệ. Cho đến nay, AstroForge đã huy động được 13 triệu USD từ các nhà đầu tư, nhưng để hoàn thành nhiệm vụ, đòi hỏi khoản chi phi lớn hơn nhiều.
Mặt khác, việc đưa vật chất khai thác được về Trái Đất cũng rất khó khăn và tốn kém. Tháng 9/2023, sứ mệnh OSIRIS-REx của NASA chỉ mang về khoảng nửa pound vật chất từ một tiểu hành tinh có tên Bennu, nhưng tiêu tốn khoảng 1,16 tỷ USD.
Hơn nữa, theo nhà khoa học Benjamin Weiss thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, bản chất thực sự của các tiểu hành tinh loại M vẫn chưa rõ ràng.
Năm 2010, tàu vũ trụ Rosetta của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đã bay ngang qua tiểu hành tinh loại M có tên Lutetia. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng nó không chứa kim loại quý như nhiều người vẫn tưởng.
Mặc dù vậy, AstroForge vẫn rất lạc quan vào kế hoạch của mình. Nếu thành công, công ty này có thể thu về khoản lợi nhuận khổng lồ.
“Tận dụng các chuyến bay của đối tác, chúng tôi đã gửi theo các tàu vũ trụ và vệ tinh của mình, nhằm tiết kiệm tối đa chi phí. Hy vọng có thể thu về khoản lời xứng đáng với công sức đã bỏ ra”, CEO của công ty cho biết.
Tuy nhiên, Stephanie Jarmak, nhà khoa học tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian cho rằng các công ty nên minh bạch hơn về mục tiêu của mình. Các tiểu hành tinh loại M mang đến cho nhân loại cơ hội tìm hiểu về Hệ Mặt Trời sơ khai. Do vậy, những điều AstroForge phát hiện ra đều có thể có giá trị về mặt khoa học.
Dù AstroForge kiên quyết giữ bí mật, nhiều chuyên gia vẫn có thể dự đoán được điểm đến của tàu vũ trụ Odin. Hiện có khoảng 30.000 tiểu hành tinh được biết là ở gần Trái Đất. Công ty cũng từng tiết lộ mục tiêu của họ có kích thước dưới 330 feet và họ có thể tới nơi sau khoảng 1 năm di chuyển.
Theo Mitch Hunter-Scullion, CEO của Asteroid Mining Corp., đối thủ cạnh tranh của AstroForge ở Anh, những manh mối này đã thu hẹp danh sách các mục tiêu tiềm năng xuống “khoảng 300 tiểu hành tinh”.
Trong số đó, nổi bật hơn cả là tiểu hành tinh 2010 CD55, với chiều ngang khoảng 270 feet, độ sáng vừa phải và có thể tiếp cận từ Trái Đất sau khoảng 1 năm kể từ ngày ra mắt AstroForge.
(Theo Znew)