Tham dự chương trình có bác Nguyễn Thị Thanh Hòa - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em - Phó Trưởng Ban Cố vấn; bác Nguyễn Thị Mai Thoa - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội; bác Vũ Minh Đạo - Vụ trưởng Vụ Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội - Trưởng ban Cố vấn; bác Ngọ Văn Khuyến - Phó Vụ trưởng Vụ Đoàn thể nhân dân, Ban Dân vận T.Ư; cô Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Về phía T.Ư Đoàn có chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn - Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư - Trưởng ban Tổ chức (BTC); anh Lê Hải Long - Trưởng ban Công tác Thiếu nhi T.Ư Đoàn - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư - Phó Trưởng BTC; nhà báo Nguyễn Phan Khuê - Uỷ viên Hội đồng Đội T.Ư - Tổng Biên tập báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng - thành viên BTC; NSƯT Nguyễn Xuân Bắc - Uỷ viên Hội đồng Đội T.Ư - Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam cùng đại diện các ban, ngành của Quốc hội, T.Ư Đoàn cùng các đại biểu thiếu nhi tham dự Phiên họp giả định Quốc hội Trẻ em.
Thông tin tại cuộc gặp mặt, anh Lê Hải Long cho biết: "Để chuẩn bị cho phiên họp giả định “Quốc hội Trẻ em” lần thứ I năm 2023, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư đã chỉ đạo các cơ sở đoàn cấp tỉnh, thành phố có mô hình Hội đồng Trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức kỳ họp Hội đồng trẻ em theo 2 chủ đề của phiên họp và gửi báo cáo kết quả kỳ họp về Trung ương Đoàn. Đồng thời, các địa phương tổ chức cho trẻ em được lựa chọn là đại biểu dự phiên họp tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của trẻ em; tổ chức lấy ý kiến trẻ em; tổng hợp ý kiến của trẻ em trên địa bàn liên quan đến chủ đề phiên họp; làm việc với trẻ em tại các địa phương để chọn đội ngũ nòng cốt".
Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư chia sẻ thêm, với 2 chủ đề chính là “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại, trẻ em” và “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”, BTC mong muốn 12.000 ý kiến từ thiếu nhi. Vậy nhưng, con số đã vượt xa kỳ vọng khi nhận được 41.000 ý kiến.
Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa chia sẻ, đây không phải lần đầu tiên Quốc hội tổ chức phiên họp giả định. Trước đó, Quốc hội đã tổ chức ít nhất 2 phiên họp giả định lớn và nhiều chương trình quy mô nhỏ hơn. Các hoạt động trải nghiệm diễn ra khá thường xuyên, được tổ chức đối tượng là các bạn học sinh THCS và THPT.
Bác Nguyễn Thị Mai Thoa nhấn mạnh, phiên họp giả định được thực hiện ở Việt Nam vài năm trở lại đây nhưng đã phổ biến trên thế giới từ rất lâu. Từ phiên họp giả định Quốc hội Trẻ em, các bạn thiếu nhi được giáo dục về quản lý nhà nước, về luật pháp.
Vụ trưởng Vụ Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Vũ Minh Đạo cho biết, 263 bạn thiếu nhi được tham dự phiên họp giả định Quốc hội Trẻ em sẽ được tham gia các quy trình, thủ tục toàn thể gần nhất với quy trình thực tiễn. Thực tế, Quốc hội và các đại biểu thường xuyên lắng nghe ý kiến của trẻ em và phiên họp giả định là cơ hội để đối thoại với đối tượng đặc biệt. Nghị quyết cao nhất phiên họp Quốc hội Trẻ em thông qua được là ý kiến cử tri và được lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Nhà nước quan tâm, ghi nhận. Trước khi đến với phiên họp, đại biểu thiếu nhi sẽ được tập huấn đầy đủ các quy trình của phiên họp.
Nêu lý do tổ chức phiên họp giả định Quốc hội Trẻ em vào thời điểm này, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết, chương trình là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cấp Trung ương triển khai Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2023-2027” được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ban hành vào ngày 08/8/2023; nhằm xây dựng mô hình hoạt động mới thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với tâm lý, khả năng của trẻ em. Đồng thời, đây là hoạt động chào mừng Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào giữa tháng 9 tới đây.
Chị Duy Trang nhấn mạnh, phiên họp sẽ "tạo điều kiện để trẻ em phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Thông qua hoạt động giúp các em thiếu nhi được trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội. Tiếp tục khẳng định sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em".
Trả lời báo TNTP&NĐ về cảm xúc khi được tham dự Phiên họp giả định Quốc hội Trẻ em, bạn Giàng Thanh Thảo (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) cảm thấy hồi hộp khi lần đầu được tham dự một chương trình lớn có sự tham gia của nhiều bạn thiếu nhi trên cả nước. Thanh Thảo chia sẻ, đã chuẩn bị những vấn đề có ý nghĩa với trẻ em tỉnh Hà Giang để trình bày tại phiên họp. Thanh Thảo cũng gửi lời cám ơn đến T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư đã tạo điều kiện để các bạn thiếu nhi bày tỏ quan điểm tại phiên họp.
Đại diện tỉnh Khánh Hoà, bạn Phạm Khánh Thy bày tỏ, những thảo luận trong phiên họp là cơ hội để các bạn thiếu nhi trong nuớc theo dõi những đề xuất liên quan đến trẻ em và có thể, nhiều bạn trên thế giới cũng biết được phiên họp giả định này. Để thấy rằng, trẻ em Việt Nam có sự quan tâm đến các vấn đề lớn của chính mình.