Lào Cai: “Bếp đun đa năng cho người vùng cao” do học sinh sáng chế được nhân rộng

An Hảo
Tin giáo dục hôm nay - Tại cuộc thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật tỉnh Lào Cai năm 2021, dự án “Bếp đun đa năng cho người vùng cao” do nhóm học sinh Trường PTDTBT THCS Lùng Phình (Bắc Hà -Lào Cai) tham gia đã đạt giải Ba và được đưa vào ứng dụng trong thực tế.

Nhiều tính năng hữu dụng và tiết kiệm
Theo nhóm nghiên cứu Trường PTDTBT THCS Lùng Phình “Bếp đun đa năng cho người vùng cao” có 4 chức năng chính bao gồm: Nấu cơm bằng hơi, nấu thức ăn, sấy quần áo và cung cấp nước nóng cho học sinh sử dụng hàng ngày.

Lào Cai: “Bếp đun đa năng cho người vùng cao” do học sinh sáng chế được nhân rộng - Ảnh 1
Hệ thống bếp đun đa năng được sử dụng tại Trường PTDT Bán trú THCS Nậm Đét.

Để vận hành bếp nấu phục vụ cho khoảng từ 150 học sinh bán trú trở lên, bếp có thể sử dụng nhiều nguyên vật liệu khác nhau như: Củi, phế phẩm nông nghiệp, lõi ngô, gỗ vụn, vỏ lạc…tiêu thụ hết khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/tháng. Tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc dùng bếp ga hoặc bếp điện để nầu, thường sẽ hết từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Hoặc nếu đun bếp củi thông thường cũng hết khoảng 2,5 triệu đồng/tháng tiền củi.
Thời gian nấu trung bình cho một bữa ăn cũng nhanh hơn rất nhiều, “Bếp đun đa năng cho người vùng cao” chỉ mất khoảng từ 1h-1,5h còn bếp thông thường cần thời gian từ 3-4h. Mặt khác, với những thiết kế thông minh, và sáng tạo, bếp đun đa năng chỉ cần một cửa bếp và có thể tận dụng được toàn bộ nguồn nhiệt để hoạt động đủ cho 4 chức năng chính là: Nấu cơm, nấu thức ăn, tạo nước nóng và sấy quần áo. Trong đó:
Đối với chức năng nấu cơm: Bếp đun được chia làm hai nhánh, một nhánh để nấu thức ăn, một nhánh đun két nước có thể tích 8 lít nước cung cấp hơi nóng liên tục ở nhiệt độ 1000C giúp cơm chín đều trong khoảng thời gian 1,5h cho tủ cơm 8 khay với 20kg gạo.
Đối với chức năng tạo nước nóng: Bếp có thiết kế hai ống nước làm bằng inox ôm xung quanh phần thân bếp để tần dụng nhiệt thừa. Nước trong quá trình đun nóng sẽ theo theo nguyên lý nhiệt đối lưu, nước nóng hơn di chuyển lên trên bình bảo ôn và nước lạnh di chuyển xuống dưới bình để được làm nóng theo vòng tuần hoàn. Bình bảo ôn có dung tích 200l với nhiệt độ trung bình tạo ra từ bếp đun là 800c. 
Đối với chức năng sấy quần áo: Một lần sấy có thể sấy khô được trên 20 bộ quần áo trong thời gian 1-1,5h. Tủ sấy có nhiệt độ trung bình từ 450c – 650c do tận dụng luồng khí nóng của bếp đun trong quá trình đun nấu...

Lào Cai: “Bếp đun đa năng cho người vùng cao” do học sinh sáng chế được nhân rộng - Ảnh 2
Chức năng nấu cơm của bếp nấu đa năng có thể nấu được trên 20 kg gạo mỗi lần, phục vụ cho hơn 100 học sinh bán trú

Đưa ý tưởng, sản phẩm của học sinh vào ứng dụng thực tiễn
Dựa trên tình hình thực tiễn và những tính năng ưu việt của sản phẩm “Bếp đun đa năng cho người vùng cao”, Phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo việc phát triển dự án và triển khai sản phẩm rộng rãi trong các đơn vị trường học và đặc biệt sẽ ứng dụng ở hầu hết các trường phổ thông dân tộc bán trú để phát huy giá trị nghiên cứu khoa học, phục vụ cuộc sống của học sinh vùng cao.
Theo đó, từ đầu năm học 2021-2022, “Bếp đun đa năng cho người vùng cao” đã lần đầu tiên được lắp đặt thành công và đưa vào sử dụng tại Trường PTDTBT THCS Nậm Đét.
Thầy Bùi Minh Tuân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có hơn 300 học sinh, 100% thuộc dân tộc thiểu số, trong đó có 160 học sinh ở bán trú. Trước đây trường sử dụng bếp củi theo phương thức truyền thống để nấu cơm cho học sinh bán trú. Tuy nhiên, phương pháp này khá tốn kém, vất vả cho phụ huynh khi phải đóng góp một lượng củi nhất định vào đầu tuần hoặc kinh phí mua củi đun.

Bên cạnh đó, việc nấu cơm theo phương thức truyền thống không tận dụng hết phần nhiệt thừa từ bếp tỏa ra, gây lãng phí củi đốt. Mặt khác, nhân viên cấp dưỡng phải đun đồng thời hai bếp khi nấu cơm và thức ăn cho học sinh bán trú nên khá vất vả.

Lào Cai: “Bếp đun đa năng cho người vùng cao” do học sinh sáng chế được nhân rộng - Ảnh 3
Hệ thống nước nóng hoạt động theo nguyên lý nhiệt đối lưu giúp học sinh bán trú  thuận tiện sinh hoạt trong mùa đông.

Tuy nhiên, từ khi lắp đặt và đưa vào sử dụng “Bếp đun đa năng cho người vùng cao”, nhà trường đã khắc phục được những khó khăn này và tạo được hiệu quả rõ rệt trong việc phục vụ cuộc sống hàng ngày cho học sinh bán trú.
Học sinh Hồng Xuân Dũng, học sinh lớp 9 Trường PTDTBT THCS Lùng Phình (Bắc Hà – Lào Cai), một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu dự án “Bếp đun đa năng cho người vùng cao” chia sẻ:
Ưu điểm của bếp đun đa năng là dễ dàng lắp đặt và chi phí khá rẻ so với mặt bằng chung của thị trường hiện nay. Mặt khác, bếp đun đa năng có quy trình vận hành đơn giản, khép kín và đặc biệt rất an toàn nên về cơ bản các bạn học sinh bán trú đều có thể sử dụng.
Sản phẩm được hình thành từ những kiến thức trên sách vở, kết hợp với ứng dụng từ thực tiễn ở địa phương… Đây là cách học, trải nghiệm và nghiên cứu khoa học kĩ thuật hiệu quả đối với mỗi học sinh ở bất kỳ cấp học nào.

Ông Bùi Văn Tiến, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà trao đổi: Bắc Hà có tổng số 58 đơn vị trường học, trong đó có 31 trường PTDTBT và 1 trường có học sinh bán trú với tổng số hơn 6.000 học sinh ở bán trú. Như vậy, nhu cầu về bếp đun đa năng trong các nhà trường, đặc biệt vào mùa đông vô cùng cần thiết và hữu ích.

Với hiệu quả ban đầu từ bếp đun đa năng do nhóm học sinh Trường PTDTBT trường THCS Lùng Phình sáng chế, hiện nay ngành giáo dục Bắc Hà đang chỉ đạo các đơn vị trường học, trước mắt đối với các trường sử dụng bếp củi truyền thống nghiên cứu và đưa bếp đun đa năng vào sử dụng trong hoạt động bán trú, giúp cuộc sống của học sinh khi xa nhà được cải thiện tốt hơn.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Lào Cai: “Bếp đun đa năng cho người vùng cao” do học sinh sáng chế được nhân rộng tại chuyên mục Học đường của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Học đường khác

Việc làm tốt của Nhật Phương

Trong lớp 4A, trường Tiểu học Ngọc Liệp (huyện Quốc Oai, Hà Nội), cô bạn Bùi Nhật Phương nổi bật với vẻ ngoài xinh xắn, giọng nói nhỏ nhẹ, thân thiện.