“TÊN XƯA” - “NICK NAY”
“Tên xưa” vốn là những “biệt danh” đáng yêu đính kèm tên chính, ghi nhớ đặc điểm quen thuộc của người được nhắc tới. “Tên xưa” toàn gọi kiểu “dính” tới… động vật, như là “Tùng heo”, “Linh cá mập”, “Mai mèo”, về nhà bố mẹ cũng gọi toàn “Cún”, “Chuột”, thậm chí cả “Bọ gậy”... nhẹ nhàng đáng yêu hơn thì “Nấm”, “Dâu Tây”…
Nay, cái nickname trở nên quan trọng hơn khi mà teen tham gia các mạng xã hội. Nó không những khiến người khác phải ghi nhớ, mà còn là cách để teen khẳng định mình, thể hiện style. Và thế là những cái tên “ngoại” ra đời, thay thế cho series “động vật, thực vật nội địa” ngày nào.
Lướt trên web, mạng xã hội, các trang báo điện tử đều nhan nhản những cái tên “chuẩn không cần chỉnh”, ngỡ như diễn viên nước ngoài. Với hot girl, việc chọn nickname ngoại càng quan trọng hơn. Không thể giới thiệu bộ ảnh cực hot mà chủ nhân lại có cái tên “Cún”, hay “Heo” đằng sau. Các xì tin “nghiêng” hẳn về… châu Mỹ, nơi sở hữu những nickname cực Tây: Kenny, Jenny, Kelly, Jack… Hoặc là Nhật, với những Yumi, Hiroshi, Kenzo, Hiyosho… Nghe còn “ngoại” hơn cả... ngoại kiều.
Xem danh bạ của Yến Jenny, ai cũng tưởng cô bạn này phải chơi toàn với bạn Tây. Từ vần A cho tới Z, đều là Alex với Zenny… Yến bảo, hội của cô chẳng bao giờ gọi nhau bằng những cái tên Việt. Thế là con trai thì đổi thành Alex, Anny… con gái thì cứ thêm “ny” đằng sau cho nó… Tây. Mỗi lần gọi nhau đi chơi, là cả một “châu Mỹ” hiện ra. Lâu dần, những cái tên trên giấy khai sinh chỉ để cô giáo gọi, chứ về tới nhà, Yến đều bắt bố mẹ phải gọi Jenny bằng được, bạn tới nhà mà lỡ gọi “Chuột ơi, có khách!” (Chuột là tên cúng cơm của cô nàng) thì thế nào Jenny cũng dỗi tới mấy ngày.
Có bạn lại cực kỳ dị ứng với chính... tên thật của mình, thế nên khi “bắt sóng” được trào lưu “nick ngoại”, liền đổi luôn thành Yumi cho đáng yêu và hiện đại. Nàng giấu biệt với bố mẹ, còn gặp ai, cũng giới thiệu mình là Yumi, chứ nhất định không chịu hé lộ tên thật.
Thế rồi “Yumi” quen một bạn trên mạng, tất nhiên không hề biết tên thật của nàng là gì. Hai người kết thân, một lần “Yumi” bị hỏng điện thoại, chàng phải gọi về nhà và gặp phụ huynh. Cậu bạn thì cứ đòi: “Cho cháu gặp Yumi!”, phụ huynh thì một mực khẳng định “Cháu gọi nhầm số rồi, nhà bác làm gì có Mi nào!”. “Yumi” trên gác không biết chuyện, còn cậu bạn thì bực bội sau 3 lần liên tiếp tưởng nhầm máy. Phụ huynh cũng bực tức tưởng có đứa đùa dai nên quát loạn xạ.
DÙNG TÊN THẾ NÀO ?
Sử dụng một vài nickname không có gì đáng nói, đó là chuyện bình thường, nếu như các teen không lạm dụng nó quá mức, khiến người khác cảm thấy khó chịu khi phải tiếp xúc với thói “sính ngoại nửa mùa”. Có teen từ khi đổi tên ngoại, bỗng dưng thay đổi luôn hình thức để “hợp” với cái tên. Hợp thì chưa thấy, chỉ thấy biến đổi quá kệch cỡm khiến người khác đâm dị ứng với cái nickname vốn chẳng mang tội lỗi gì.
Một cái nickname góp phần khẳng định dấu ấn riêng cho tên gốc, khiến tên của chúng mình không bị lẫn trong hàng trăm tên có vần giống nhau. Nhưng làm sao để mỗi khi bạn bè, hoặc người quen nhắc đến nó với những kỷ niệm đáng nhớ, yêu thương, mang đậm phong cách của “chính chủ”, chứ không phải cái nickname xa lạ, lạc lõng bạn nhỉ?
HC + NET