Tác phẩm do Lee Isaac Chung (The Mandalorian, Minari...) đạo diễn, là phần thứ hai tiếp nối phim thảm họa kinh điển Twister (1995). Phim sở hữu loạt nhân vật mới, cùng phần kỹ xảo tiên tiến khắc họa được sự tàn khốc của thảm họa lốc xoáy - vốn là cơn ác mộng ngoài đời thực của nhiều khu vực thuộc nước Mỹ.
Nhân vật chính của Twisters là Kate Cooper (Daisy Edgar-Jones thể hiện), vốn có biệt tài dự đoán hướng đi của những cơn lốc xoáy. Trong quá khứ, tính toán sai lầm của cô trong một lần “săn lốc” đã khiến ba người bạn thân thiệt mạng. Kate mang mặc cảm tội lỗi, quyết định từ bỏ việc nghiên cứu lốc xoáy và sống cuộc đời văn phòng như bao người khác.
Vài năm sau, cô gặp lại Javi (Anthony Ramos), một thành viên sống sót khác trong đội săn bão ngày xưa. Javi nói anh đang được một nhà tài phiệt đầu tư để phát triển ứng dụng phân tích và dự đoán các trận lốc xoáy, đồng thời thuyết phục Kate tham gia, tin rằng những kiến thức của cô sẽ giúp cuộc nghiên cứu thành công.
Kịch tính với kịch bản về thiên tai
Bối cảnh chính của Twisters là trung tâm bang Oklahoma, Mỹ. Phần lớn diện tích của bang nằm trong khu vực được gọi là Tornado Alley (Hẻm lốc xoáy), đặc trưng bởi sự tương tác thường xuyên giữa không khí lạnh, khô từ Canada, không khí ấm đến nóng, khô từ Mexico và Tây Nam nước Mỹ, và không khí ấm áp, ẩm ướt từ vịnh Mexico. Những cơn lốc xoáy nơi đây xuất hiện từng ngày, đến hôm nay vẫn là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây.
Giống với phần phim ra mắt cách đây gần 30 năm, Twisters không cố kịch tính hay hư cấu hóa thảm họa thiên nhiên; thay vào đó dùng kỹ những góc toàn, góc quay cận khắc họa các cơ sở hạ tầng hay sinh mệnh con người, tưởng chừng đáng quý, lại bị lốc cuốn đi trong chớp mắt. Tính khoa học được đề cao, khi hầu hết nhân vật trong phim đều là những chuyên gia về lốc xoáy, với phần lời thoại cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho khán giả.
Đối trọng với nhóm nghiên cứu của Kate là hội Tornado Wranglers - những cá nhân có tính cách nổi loạn, lấy việc săn lốc làm thú vui. Thủ lĩnh của hội là Tyler Owens (Glen Powell), một gã trai bụi bặm, thông minh và kiêu ngạo. Do khác biệt về lý tưởng, hai nhóm không ít lần chạm trán.
Tuy nhiên, biên kịch không cố khắc họa nhóm Tornado Wranglers là những kẻ phản diện. Khi cơn lốc tan, cả hai nhóm dẹp bỏ hiềm khích, cùng chung tay cứu trợ người dân gặp nạn vì bão. Nhà làm phim khéo léo khắc họa tính cách tương đồng của Kate và Tylers, những trải nghiệm của họ về lốc xoáy trong quá khứ ảnh hưởng đến họ ở hiện tại, mang đến một góc nhìn nhân văn và đa chiều hơn.
Đầu tư về kỹ xảo
Giống với bản phim năm 1995, hiệu ứng lốc xoáy trong Twisters là sự kết hợp đậm tính nghệ thuật giữa kỹ xảo vi tính (special effect) và kỹ xảo thực tế (practical effect). Để khắc họa sự tàn khốc khi cơn lốc đi qua, tổ thiết kế huy động lực lượng gồm máy ủi đất, xe container, xe đầu kéo,... nhằm “phá” bối cảnh, mang đến vẻ tan hoang của những ngôi nhà, công trình công cộng bị bão tàn phá. Để khắc họa cảnh nhân vật bị bão cuốn, ê kíp dùng những quạt máy khổng lồ công suất lớn và đội ngũ diễn viên đóng thế, kết hợp kỹ xảo và ánh sáng tạo cảm giác chân thực.
Một cảnh cao trào của phim là khi hai nhóm nhân vật chính đối mặt với vòi rồng sinh đôi. Có kích thước “khủng bố” so với các trận lốc họ từng đối mặt xuyên suốt phim, hai phễu vòi rồng tàn phá nghiêm trọng mọi thứ trên đường nó đi qua, đồng thời đẩy Kate và Tyler vào cuộc đua sinh tồn khốc liệt.
Có phần kỹ xảo hoành tráng, xứng tầm kinh phí 200 triệu USD, song kịch bản của Twisters chưa thực sự hấp dẫn. Phim sa đà vào kể tả, với nhiều khoảng lặng không cần thiết, khiến mạch phim lúc cực nhanh, lúc cực chậm. Trừ hai nhân vật chính, các tuyến phụ được khai thác hời hợt, không có vai trò cụ thể trong phim.
Ngoài ra, phần lời thoại cũng trở thành thách thức với không ít khán giả. Hầu hết thoại phim là những kiến thức chuyên môn, có thể xem là cần thiết để khán giả có cái nhìn thấu đáo về lốc xoáy ở Mỹ. Tuy nhiên, mật độ các kiến thức khoa học xuất hiện dày đặc, khiến hội thoại giữa các vai diễn trở nên thiếu tự nhiên, tạo cảm giác họ đang khoe mẽ kiến thức chứ không thực sự nghiên cứu khoa học.