Lớp học Hy Vọng của "mẹ" Côi

Nguyễn Như Quỳnh
20 năm nay, những đứa trẻ tật nguyền ở Nhà văn hóa khu dân cư 11 phường Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) gọi cô giáo Nguyễn Thị Côi là mẹ.

22 năm chưa dừng "Hy vọng"

Lớp học "Hy Vọng" không có tiếng trống trường thúc giục, không có sự náo nhiệt ồn ào mà ấm cúng, gần gũi bởi tình thương vô bờ bến của bà giáo già năm nay 74 tuổi dành cho những đứa trẻ có số phận kém may mắn.

14 bạn- người lớp 1, người lớp 3, người lớp 5 cùng một lớp nhưng mỗi bạn học một chương trình.

Có lẽ điểm chung nhất giữa các bạn ấy là hoàn cảnh, trò đùa trớ trêu của số phận: những trẻ khuyết tật, bị tự kỷ, thiểu năng trí tuệ. Ngay từ nhỏ, các bạn đã phải lăn lộn với cuộc sống mưu sinh, thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm, dạy bảo từ bố mẹ.

Ánh sáng đầu tiên của lớp học Hi Vọng là vào năm 1995. Khi còn là Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, cô Nguyễn Thị Côi tiên phong đi thuyết phục, tập trung và trực tiếp giảng dạy cho những học sinh đặc biệt của tổ chức Plan- Dự án giáo dục từ thiện dành cho trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật và thiểu năng trí tuệ.

Để có thể thuyết phục được các em tham gia lớp học, chiều chiều sau những buổi lên trường cô lại lân la đến Ủy ban các phường của quận Hai Bà Trưng để nắm danh sách. Cô tìm hiểu về hoàn cảnh từng em, âm thầm tìm đến những chân cầu, phòng trọ thuyết phục các em tham gia lớp học.

Cô giáo Nguyễn Thị Côi. 

Những bài giảng đầu tiên thấm đẫm mồ hôi, nước mắt. Các em không thể ghi nhớ, học trước quên sau, hay suy nghĩ linh tinh. Có học trò cô Côi phải dạy 3 tháng mới nhớ hết mặt chữ. Tưởng như khó khăn có thể khiến mọi người bỏ cuộc, nhưng 9 năm gắn bó với dự án, lòng yêu thương của cô đối với những mảnh đời cơ cực lớn dần và hóa thành vô hạn.

Tuy nhiên, nguồn tài trợ của Plan cũng có hạn. Sau khi nguồn tài trợ bị cắt, dự án giống như "người đi lạc trong rừng", không có phương hướng, không biết đi đâu về đâu. Nhiều lớp học dang dở vì không đủ kinh phí, trong khi các em học sinh đều là những đứa trẻ hoàn cảnh khó khăn, nuôi thân còn chưa nổi thì lấy tiền đâu ra để mua sách vở, bút thước...

Thương các trò, nhiều đêm cô Côi trằn trọc không ngủ: “Ước mơ đi học, cố gắng để học, nhưng không lẽ chỉ cái ước mơ đơn sơ đó thôi cũng không thể giúp các em thực hiện được?”. Không cam lòng bỏ mặc các em cho dòng đời xô đẩy cô lại chạy vạy đi xin tài trợ, thậm chí tự bỏ tiền lương của mình ra để mua sách vở, bút mực cho các em. Vậy là lớp học của cô Côi vẫn được duy trì.

Căn phòng nhỏ chỉ với một tấm bảng vừa phải, mười mấy cái bàn ghế và hai tủ con con để đựng mấy dụng cụ cần thiết trở thành nơi hạnh phúc của những bạn học trò.

Thấm thoắt, lớp học đầu tiên đó đã cách đây gần 22 năm, những khuôn mặt giờ đây gặp lại thì cô cũng đã khó nhận ra nhưng trong tâm trí cô hình ảnh của những cô cậu học trò ngày nào vẫn còn nguyên vẹn.

Hơn 20 năm qua vẫn là lớp học đơn sơ đó. “Trời rét còn đỡ, phải hôm trời nắng, phòng nhỏ hẹp, lại không có quạt nên dạy xong thì cả cô và trò đểu ướt sũng mồ hôi. Còn những hôm trời mưa, nhà lại bị dột nước mưa chảy vào lênh láng nhưng thấy các em vẫn say mê học nên mình cũng có động lực rất lớn”- cô Côi nhớ lại.

Thầm lặng đưa những chuyến đò cập bến

Ở cái tuổi mà người ta sum vầy bên con cháu để an hưởng tuổi già, cô Côi vẫn ngày ngày tận tụy đến với lớp học Hi vọng. Cô giáo trải lòng: "Các em đã thiệt thòi quá rồi. Giúp cho những đứa trẻ biết được chữ cái, con số cũng là để cho các con bớt đi phần nào thiệt thòi trong cuộc sống. Tôi làm mọi thứ vì các con và không mong đợi điều gì ngoài việc các con khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Đến đây tôi tìm thấy được những niềm vui, rèn luyện được sức khỏe, tránh được những bệnh tật lão hóa”.

Quan trọng nhất phải hiểu được tâm lý các em: "Dù có thế nào, mình vẫn luôn phải nhẫn nại, nhẹ nhàng, nếu dạy chữ này một ngày em không nhớ, tôi sẽ dạy cho đến khi em nhớ ra, cho đến khi nào em ấy có thể đánh vần, làm toán".

Thương nhất vẫn là những em có hoàn cảnh đặc biệt. Cô Côi kể về cô học trò nhỏ Phan Thị Kim Dung. Không có nhà, Dung cùng mẹ sống ngoài bãi rác. Từ lúc sinh ra chưa biết mặt bố, mẹ lại bị bệnh tâm thần nên Dung không có điều kiện đến trường. Cô Côi thương trò, chạy vạy xin tài trợ để trò có cái ăn, cái mặc. Dung ngoan, viết chữ rất đẹp, thương yêu cô.

Chúng tôi gặp ông Lê Hồng Côn, Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) là bộ đội về hưu. Trong thời gian tham gia chiến đấu, ông Côn bị nhiễm chất độc hóa học. Cả hai người con của ông hiện đều chịu di chứng nặng nề: tổn thương hệ thần kinh. Người con cả bị tâm thần phân liệt, Lê Hồng Tâm- người con gái thứ hai cũng dị tật từ khi lọt lòng mẹ. Cô bạn có khuôn mặt tươi sáng nhưng chân tay không lành lặn, thường xuyên phải chịu những cơn động kinh có thể ập đến bất cứ lúc nào. 

Ông Côn tâm sự: “Tôi thay mặt phụ huynh học sinh cám ơn cô Côi. Nếu không có những tổ chức chính trị-xã hội, không có cô Côi là người tâm huyết, không có những người như thế thì con chúng tôi không được cắp sách tới trường. Bây giờ các cháu biết đọc biết viết, biết cộng trừ nhân chia 4 phép tính, được hòa nhập với cộng đồng, với bạn bè, để sau này khi chúng lớn lên sẽ không ân hận rằng cuộc đời của mình tuổi thơ không được cắp sách tới trường”. 

Những nét chữ của học trò là niềm động viên, an ủi lớn nhất cho những tháng ngày vất vả qua.

Giờ đây, lớp học Hy Vọng đã nhận được sự giúp sức của một số bạn tình nguyện viên là sinh viên của một số trường đại học nên những công việc của cô đã bớt đi sự mệt nhọc. Nhưng vai trò của người cầm lái vẫn không thể thay thế. “Tuổi cao rồi, tôi cũng không biết cống hiến được bao nhiêu năm nữa. Tôi chỉ mong sao toàn xã hội sẽ có sự quan tâm nhiều hơn nữa đối với những mảnh đời bất hạnh để các em đỡ thiệt thòi”, cô Côi ngậm ngùi.

Bài và ảnh: Quỳnh Nguyên

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Lớp học Hy Vọng của "mẹ" Côi tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

Học sinh tìm hiểu Thủ đô Hà Nội qua những trang sách

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), cô và trò trường Tiểu học Dịch Vọng A đã tổ chức Ngày hội tuyên truyền và giới thiệu sách với chủ đề "Phát huy hào khí Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" và Hội thi tổ chức “Hội thi trưng bày và giới thiệu sách”.

Aerobic lấp lánh ánh vàng

Đội tuyển Aerobic trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội đã xuất sắc giành 2 Huy chương Vàng tại Hội khỏe Phù Đổng cấp Quận lần thứ X năm 2024.

Tấm lòng của giáo viên với học trò

Ở trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) với tấm lòng yêu mến trẻ thơ, các thầy cô luôn hỗ trợ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.