Trong thông báo ngày 13/2, Meta cho biết các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng các dịp lễ lớn để tìm kiếm nạn nhân. Một hình thức đang gia tăng là lừa đảo tình cảm, khi kẻ gian tiếp cận nạn nhân qua tin nhắn, email giả mạo, ứng dụng hẹn hò, bài đăng trên mạng xã hội và diễn đàn trực tuyến.
Chúng giả danh những người hấp dẫn, độc thân, thành đạt, như quân nhân hoặc doanh nhân, gửi tin nhắn hàng loạt để tìm kiếm phản hồi. Khi có người đáp lại, kẻ lừa đảo kiên nhẫn tạo dựng lòng tin, giả vờ cô đơn và dần dần gợi ý chuyển tiền hoặc lôi kéo đầu tư vào các dự án giả mạo.

Meta cho biết đã phối hợp triệt phá nhiều nhóm lừa đảo tình cảm mạo danh quân nhân, người nổi tiếng trên các nền tảng như Facebook, Instagram, Threads, TikTok và YouTube. Công ty cũng phát hiện mạng lưới giả danh dịch vụ mai mối, hứa hẹn giới thiệu đối tượng giàu có hoặc giúp định cư nước ngoài, sau đó yêu cầu nạn nhân trả phí để nhận thông tin liên hệ.
Meta khuyến nghị người dùng cẩn trọng với tin nhắn lạ, hạn chế nhận tin nhắn từ người lạ, kiểm tra thông tin tài khoản như thời điểm tạo lập, sử dụng công cụ tìm kiếm hình ảnh để xác minh tính xác thực của avatar. Người dùng cần cảnh giác với yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền. "Trước khi gửi tiền qua thẻ quà tặng, ứng dụng thanh toán hoặc chia sẻ dữ liệu cá nhân, hãy tham khảo ý kiến người thân hoặc bạn bè đáng tin cậy", Meta khuyến cáo.
Trong năm 2024, Meta đã gỡ bỏ hơn 15.000 đường dẫn chứa nội dung lừa đảo tại Việt Nam, hơn 9.000 đường dẫn giả mạo thương hiệu tại Singapore và xóa hơn hai triệu tài khoản liên quan đến các tổ chức lừa đảo tại Campuchia, Myanmar, Lào, UAE và Philippines.
Trên Messenger, Meta đã triển khai tính năng Cảnh Báo An Toàn (Safety Notices) để nhắc nhở người dùng khi trò chuyện với tài khoản có dấu hiệu đáng ngờ, đặc biệt nếu tài khoản đến từ quốc gia khác.