Phụ huynh mong muốn giáo viên yên tâm giảng dạy
Có hai con đang học tại các trường ở quận Hà Đông (TP. Hà Nội), chị Nguyễn Hòa mới nghe thông tin Bộ GD&ĐT đề nghị miễn học phí cho con giáo viên trong dự thảo Luật Nhà giáo. Chị chia sẻ: "Tôi có con đang độ tuổi mẫu giáo nên phần nào hiểu được nỗi vất vả của giáo viên mầm non. Các cô đều là giáo viên trẻ nên mức lương cũng không cao mặc dù có được tăng mới đây. Với mức sống ở Thủ đô hiện nay, các cô phải tính toán chi tiêu phù hợp với mức thu nhập".
Chị Hòa nhận định, khi có những chính sách giúp giáo viên cải thiện thu nhập, đỡ đi phần nào những lo lắng về các khoản chi, các thầy cô sẽ yên tâm công tác và tâm huyết với nghề hơn. Khi đó, đối tượng được hưởng lợi chính là học sinh. "Nếu con tôi cùng những cháu khác được các cô quan tâm, chăm sóc tốt hơn khi đến trường là niềm vui của những người làm cha mẹ", chị Hòa nói.
Chị Vũ Thủy (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội), đồng ý với việc miễn học phí cho con giáo viên nhưng cần có sự cân nhắc.
"Bản thân tôi có con đi học ở trường cũng hiểu, nhiều phụ huynh khó khăn khi đóng học cho con phải tính toán rất kỹ. Nhiều cha mẹ chậm nộp các khoản tiền cho con khi vào năm học mới. Do đó, ngành Giáo dục nên tính toán, lựa chọn những giáo viên phù hợp để miễn học phí cho con. Nếu không sẽ gây ra phản ứng trong xã hội", chị Thủy nêu ý kiến.
Vấn đề miễn học phí cho con cũng nhận được sự quan tâm của phụ huynh ở nông thôn. Anh Phạm An Dương (Tuyên Quang) làm nghề lái xe xa nhà, mỗi tháng thu nhập khoảng 8 triệu đồng chưa tính các chi phí. Nhà có 2 con, hiện vợ anh phải nghỉ làm để chăm sóc con nhỏ. Vì thế, anh cho rằng, đối tượng miễn học phí nên được mở rộng.
"Gia đình tôi không thuộc diện nghèo nhưng kinh tế không phải khá giả. Tôi thấy đa phần các giáo viên cũng không quá khó khăn về kinh tế. Nếu miễn học phí cho con giáo viên, vậy nên giảm học phí cho con có phụ huynh là lao động tự do, công nhân, nông dân. Như vậy sẽ hợp lý hơn. Tôi không phản đối nhưng cũng cần xem xét con giáo viên trong những trường hợp khác nhau để miễn, giảm cho hợp lý", anh Dương cho hay.
Giáo viên nửa mừng, nửa băn khoăn
Giáo viên, những người được thụ hưởng nếu đề xuất miễn học phí đi vào thực tiễn đều vui mừng. Tuy vậy vẫn còn đó những trăn trở. Cô Hải Yên, giáo viên đang dạy một trường tiểu học ở Hà Nội bày tỏ: "Tôi rất đồng tình với đề xuất miễn học phí cho con giáo viên. Đây không chỉ là hỗ trợ về mặt tài chính, mà còn có ghi nhận, động viên những đóng góp thầm lặng của giáo viên trong sự nghiệp trồng người.
Mặt khác, tôi thấy là việc miễn học phí nên được áp dụng linh hoạt, dựa trên hoàn cảnh cụ thể của từng thầy cô. Đặc biệt là những giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo rất cần được hỗ trợ".
Đồng quan điểm, thầy Lê Tuấn (Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) chia sẻ, nhiều giáo viên cũng có những điều kiện kinh tế tốt, không nhất thiết phải nhận được sự hỗ trợ này. Việc đánh giá đúng từng trường hợp sẽ giúp nguồn lực được phân bổ hợp lý, công bằng, hiệu quả, đảm bảo sự hỗ trợ đến đúng những người thực sự cần.
"Là người làm trong nghề, tôi đã tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp ở các vùng khó khăn, hy sinh nhiều để mang tri thức đến cho học sinh. Việc miễn học phí cho con em họ sẽ giúp giảm phần nào áp lực công việc và cuộc sống, tạo điều kiện để thầy cô cống hiến hết mình cho ngành Giáo dục", thầy Tuấn phân tích.
Cô Hoài Phương, công tác tại một trường học của huyện miền núi Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) cảm nhận được sự quan tâm của lãnh đạo ngành với giáo viên khi đưa ra chính sách miễn học phí cho con, con nuôi của giáo viên.
"Bản thân tôi là giáo viên nhiều năm, vừa rồi có được tăng lương nhưng cuộc sống vẫn còn khó khăn. Áp lực cuộc sống đè nặng, nuôi con ăn học rất vất vả. Tôi thấy nếu con giáo viên được miễn học phí rất phù hợp. Như vậy, thầy cô sẽ yên tâm công tác. Đây như một chính sách ưu đãi, giúp thu hút thêm nhiều người giỏi tham gia làm công tác giáo dục", cô Phương nói.
Nữ giáo viên nhấn mạnh, miễn học phí sẽ tăng cơ hội tham gia học tập ở bậc đại học với con giáo viên vùng khó khăn. Hiện nay một số trường đại học chất lượng cao, học phí cũng tương xứng. Với đồng lương của giáo viên hiện nay, không đủ điều kiện để nuôi con đến hết bậc học này.
Với cô Kim Huế, giáo viên mầm non tại một huyện vùng cao của Hà Giang, việc miễn học phí cho con giáo viên là cần thiết. "Nhưng theo tôi miễn học phí đồng loạt là không phù hợp, dễ gây phản ứng trong dư luận. Phải chăng Bộ GD&ĐT nên xem xét về điều kiện của giáo viên, những hoàn cảnh thực sự khó khăn và căn cứ vào vùng miền cụ thể để miễn giảm học phí cho các con, như vậy sẽ mang đến hiệu quả và hiệu ứng tích cực đối với ngành Giáo dục", cô Huế đề nghị.
Ngày 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 với dự thảo Luật Nhà giáo. Sau khi được chỉnh lý, dự thảo luật giảm 26 điều so với dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 37. Trong đó, dự thảo luật đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác. Báo cáo của Chính phủ cho hay nếu bổ sung chính sách miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên thì hằng năm ngân sách nhà nước phải cấp chi trả thêm 9.212,1 tỉ đồng. |