Môi trường học đường có an toàn cho các bạn nhỏ mùa dịch?

Phần lớn phụ huynh đồng tình với ý kiến tiếp tục cho học sinh nghỉ học là vì lo lắng môi trường học đường không an toàn, dễ lây bệnh nếu không kiểm soát được.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia y tế, môi trường học đường lại khá an toàn cho các bạn nhỏ trong giai đoạn này.

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng cho sức khỏe học sinh trong mùa dịch bệnh.

Học sinh đến trường sẽ an toàn hơn

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, virus Corona chủng mới (COVID-19) lây truyền cả khi chưa có biểu hiện lâm sàng hoặc biểu hiện rất nhẹ, thời gian ủ bệnh là 14 ngày, tuy nhiên tỉ lệ người nhiễm bệnh này chủ yếu là người lớn và người cao tuổi, các bạn nhỏ mắc bệnh rất ít. Không có trường hợp tử vong nào ở các bạn dưới 9 tuổi, ở bệnh nhân dưới 39 tuổi, tỉ lệ tử vong vẫn khá thấp, ở mức 0,2%.

 

"So với người lớn phải đi lại, tiếp xúc nhiều thì thật ra, khả năng học sinh đến trường sẽ an toàn hơn bởi tất cả trường lớp đều đã khử khuẩn, tiệt trùng, các thầy cô giáo đều được trang bị đủ kiến thức, vật dụng để kiểm tra, rà soát tình trạng sức khỏe học sinh, vì thế nên cân nhắc cho học sinh đến trường. Tuy nhiên, việc xác định cho học sinh nghỉ hay không phải đánh giá trên tình hình diễn biến dịch bệnh thực tế".

PGS Phan Trọng Lân

 

 

PGS Lân nhấn mạnh: “Các em vào lớp không nhất thiết phải đeo khẩu trang, tuy nhiên cần các nhà khoa học phải lên tiếng, giải thích cặn kẽ về khả năng lây nhiễm, điều kiện lây nhiễm để cha mẹ yên tâm, tất nhiên phải cân nhắc đến các trường hợp đi, đến từ vùng dịch.Ngoại trừ 2 học sinh bị nhiễm tại Nhật Bản thì hiện nay, trên thế giới chưa phát hiện có tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong trường học. Nhiều người lo ngại môi trường học đường đông người, nếu có trường hợp mắc bệnh sẽ lây lan nhanh và phát tán ra cộng đồng, tuy nhiên theo PGS Lân, với tình trạng kiểm soát tốt như hiện nay của Việt Nam, việc các yếu tố nguy cơ, dịch tễ sẽ phát hiện được từ rất sớm và ngăn chặn được.

Chỉ cần đeo khẩu trang y tế trong các trường hợp: Người mắc bệnh (do lây cao nhất lúc cười, nói, ho, hắt hơi); đeo khi chăm sóc những người mắc, người nghi ngờ; đeo khi ra nơi công cộng nơi không biết nguồn bệnh ở đâu”.

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, việc TP. Hồ Chí Minh kiến nghị cho nghỉ học đến hết tháng 3 gây ra nhiều hoang mang cho người dân, các nhà quản lý vẫn chưa đưa ra được lý do thuyết phục nên vẫn gây tranh cãi. Rõ ràng, về mặt lý thuyết tháng 3 thời tiết ấm hơn thì nguy cơ nhiễm bệnh ít hơn. Nhưng thực tế, kiến nghị nghỉ đến hết tháng 3 là vì học sinh vẫn còn quỹ thời gian để học.

Còn nếu chỉ nói do tình hình dịch bệnh phức tạp, người dân sẽ đặt lại câu hỏi: Dịch COVID-19 ở Việt Nam có nhiều “tin vui” vậy tại sao lại kiến nghị cho nghỉ hết tháng 3, sẽ làm cho người dân hoang mang. Họ sẽ đồn thổi các thông tin thất thiệt.

Bác sĩ Khanh cho biết, về vấn đề an toàn cho các bạn nhỏ, đến giờ người ta vẫn chưa thể khẳng định thời điểm hết tháng 3 có an toàn hay không. Đến thời điểm này TP. Hồ Chí Minh chưa phải là vùng dịch. Nếu đưa ra quyết định cho trẻ nghỉ hết tháng 3 cũng có thể gây quan ngại, quyết định không hợp lý.

Bác sĩ Khanh nhận định: “Kể cả SARS, MERS Cov, COVID-19 đều rất ít mắc ở các bạn nhỏ. Có nhiều nghiên cứu cho rằng việc tiêm phòng sởi, thủy đậu ít nhiều có thể do kháng thể này có chức năng bảo vệ chéo nên giảm nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là các bạn nhỏ dưới 9 tuổi.

Ở bất cứ hoàn cảnh nào với các bạn nhỏ đều cần phòng bệnh. Có thể cho các bạn đeo khẩu trang vải. Sử dụng khẩu trang y tế nếu các bạn không biết dùng sẽ nguy hiểm hơn là không dùng. Khẩu trang y tế đeo khiến các bạn có thể khó chịu hơn khẩu trang vải”.

Theo bác sĩ Khanh, đợt dịch này, lứa tuổi học sinh có số ca mắc bệnh ít hơn người lớn. Dù vậy, để tăng cường sức đề kháng nhà trường và phụ huynh nên khuyến khích các bạn uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và trái cây, tăng cường các loại vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, việc uống đủ nước và ngủ sớm, đủ giấc rất quan trọng trong việc giữ sức khỏe cho học sinh cũng như người lớn trong mùa dịch bệnh.

Bác sĩ Khanh cho rằng, hiện nền nhiệt ở TP. Hồ Chí Minh khá cao nên có thể hạn chế tình trạng lây lan của virus SARS-NCoV-2, tuy nhiên, không thể vì thế mà chủ quan. Đặc tính của virus SARS-NCoV-2 ở nhiệt độ cao, ánh nắng, thông thoáng thì giảm khả năng lây bệnh, virus cũng sẽ yếu đi.

Nhưng nếu ở nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, không thoáng khí, lạnh thì khả năng phát tán và lây bệnh của virus sẽ cao vì đây là điều kiện thuận lợi cho chúng phát triển. Đối với học sinh cũng như người dân, cách phòng bệnh đơn giản là đeo khẩu trang 3 lớp để ngăn các chất tiết có chứa virus. Bản thân mỗi người phải tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây bệnh.

Ngoài ra, bác sĩ Khanh cũng lưu ý 4 cách để làm suy yếu virus và tránh mắc bệnh mọi người nên mở cửa nhà nhằm giúp không khi trong nhà thông thoáng và để cho ánh nắng vào nhà; đeo khẩu trang 3 lớp khi đi ra ngoài.

Đối với những người ở miền Nam không nên nằm điều hòa quá lạnh, nhiệt độ phòng nên để trên 25 độ C; đối với miền Bắc khi có điều kiện cần phải mở cửa để thoáng nhà. Rửa tay thường xuyên với xà phòng dưới vòi nước.

 

Để đảm bảo sức khoẻ cho con em mình và cộng đồng, những phụ huynh có con đi du lịch từ vùng dịch ở Trung Quốc hoặc có biểu hiện sốt, nghi ngờ nhiễm bệnh thì nên tự giác cách ly và thực hiện đúng các quy trình kiểm tra sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Song song đó, các trường cũng nên dừng tổ chức các lễ hội, hoạt động tập thể trong trường vào thời gian này để tránh việc học sinh tụ tập đông, hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Tan trường, phụ huynh cũng nên dặn con hạn chế tiếp xúc, tập trung với bạn bè.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

 

(theo GD&TĐ)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Môi trường học đường có an toàn cho các bạn nhỏ mùa dịch? tại chuyên mục Thuốc - Bác Sỹ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Thuốc - Bác Sỹ khác