Ngay trong những ngày đầu năm mới 2022, thế giới có dịp chiêm ngưỡng trận mưa sao băng lớn đầu tiên của năm - mưa sao băng Quadrantid. Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), trận mưa sao băng Quadrantids đạt cực đại vào đêm ngày 3/1 và rạng sáng ngày hôm sau.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt của năm nay là hoạt động của mưa sao băng trùng với trăng non.Quadrantids có thể tạo ra khoảng 50 - 100 vệt sao băng trên bầu trời vào thời gian đỉnh điểm. Tuy nhiên thời gian đỉnh điểm của mưa sao băng này rất ngắn ngủi, chỉ kéo dài vài giờ.
Ngoài mưa sao băng Quadrantid, năm 2022 hứa hẹn sẽ xuất hiện nhiều hiện tượng thiên văn đáng chú ý mà bạn có thể quan sát tại Việt Nam. Cụ thể như sau:
Mưa sao băng Lyrids (22 – 23/4)
Mưa sao băng Lyrids có thể đạt khoảng 20 sao băng mỗi giờ vào đêm cực điểm. Đây là mưa sao băng loại trung bình/dưới trung bình.
Mưa sao băng Eta Aquarids (6 – 7/5)
Tương tự, mưa sao băng Eta Aquarids cũng thuộc loại trung bình diễn ra ở khu vực của chòm sao Aquarius. Bạn có thể dễ dàng quan sát mưa sao băng Eta Aquarids trong điều kiện trời quang mây.
Mưa sao băng Delta Aquarids (28 – 29/7)
Đây là trận mưa sao băng loại trung bình (hoặc nhỏ) và thường diễn ra từ giữa tháng 7 cho tới quá nửa tháng 8 hàng năm. Dự đoán, mưa sao băng Delta Aquarids đạt cực đỉnh tối 28 - rạng sáng 29 tháng 7.
Mưa sao băng Perseids (12 – 13/8)
Tương tự thời điểm diễn ra trận mưa sao băng này là từ giữa tháng 7 cho tới cuối tháng 8, với cực điểm rơi vào đêm 12 - rạng sáng 13/8. Thông thường, Perseids sẽ có tới 100 sao băng hoặc hơn vào lúc cực điểm.
Sao Thổ tới vị trí trực đối (14/8)
Vào ngày 14/8, Sao Thổ sẽ nằm đối diện với Mặt Trời qua Trái Đất và là thời điểm đáng chú ý nhất để bạn quan sát hành tinh này.
Sao Hải Vương tới vị trí trực đối (16/9)
Sao Hải Vương - hành tinh xa nhất Hệ Mặt Trời sẽ đạt vị trí trực đối vào tối 16 tháng 9. Nếu muốn quan sát rõ nhất bạn nên sẵm cho mình một chiếc kính thiên văn.
Sao Mộc tới vị trí trực đối (26/9)
Hành tinh lớn nhất Hệ Mặt Trời này sẽ nằm ở vị trí thuận lợi nhất đối với người quan sát từ Trái Đất vào tối 26 tháng 9 năm 2022.
Mưa sao băng Draconids (7/10)
Đây là một trận mưa sao băng mà bạn có thể quan sát trong gần như cả đêm, do chòm sao Draco - nơi xuất phát của hầu hết sao băng - gần như luôn hiện diện trên bầu trời phía Bắc, ngay gần sao Bắc Cực (Polaris).
Mưa sao băng Orionids (21 – 22/10)
Mưa sao băng Orionids là một trận mưa sao băng đáng chú ý mỗi năm. Lúc này, bạn có thể dễ dàng quan sát khi trời quang nhờ ba ngôi sao thẳng hàng và cách đều nhau.
Mưa sao băng Taurids (4 – 5/11)
Đây là mưa sao băng nhỏ diễn ra vào đầu tháng 11 hàng năm ở vị trí của chòm sao Taurus, với mật độ cực điểm không quá 10 sao băng mỗi giờ. Mặt Trăng sẽ che mờ hầu hết sao băng, và do đó năm nay bạn sẽ không nền đặt kỳ vọng nhiều ở hiện tượng này.
Nguyệt thực toàn phần (8/11)
Đây được coi là hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất của năm 2022 đối với người quan sát tại Việt Nam. Chúng ta sẽ được quan sát một phần pha toàn phần cùng toàn bộ hai pha một phần và nửa tối của sự kiện này vào tối mùng 8 tháng 11.
Sao Thiên Vương tới vị trí trực đối (9/11)
Đây là thời điểm tuyệt vời nhất để bạn quan sát Sao Thiên Vương. Mặc dù về lý thuyết, nó có thể được nhìn thấy bằng mắt thường nhưng sẽ chỉ là một chấm nhỏ mờ nhạt ngay cả ở những nơi có điều kiện quan sát lý tưởng nhất.
Mưa sao băng Leonids (17 – 18/11)
Trận mưa sao băng này xảy ra quanh khu vực của chòm sao Leo. Năm 2022, Leonids vẫn là một mưa sao băng loại trung bình với khoảng 30 sao băng mỗi giờ vào cực điểm.
Sao Hỏa tới vị trí trực đối (8/12)
Hành tinh Đỏ sẽ tới vị trí ở phía đối diện với Mặt Trời khi quan sát từ Trái Đất, cũng là vị trí mà nó ở gần Trái Đất nhất trong mỗi chu kỳ quỹ đạo.
Mưa sao băng Geminids (13 – 14/12)
Geminids là trận mưa sao băng lớn nhất trong năm nay. Tuy nhiên, bạn sẽ gặp chút khó khăn khi quan sát vì xuất hiện ánh trăng nhưng Geminids vẫn được coi là sự kiện đáng chú ý, với cực điểm có thể đạt từ 100 tới 120 sao băng mỗi giờ.
Mưa sao băng Ursids (21 – 22/12)
Trận mưa sao băng nhỏ này có khu vực trung tâm là chòm sao Ursa Minor - chòm sao có chứa sao Polaris, ngôi sao định hướng cho phương Bắc (sao Bắc Cực).