Nam sinh Việt Nam 22 tuổi phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc

Nguyễn Lê Đông Hải, người từng trúng tuyển 21 trường đại học quốc tế, được chọn là một trong 20 học giả phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (trụ sở tại Mỹ).

Nguyễn Lê Đông Hải (sinh năm 2002) rời quê nhà Quảng Ngãi để đi Mỹ du học từ năm lớp 10.

Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, nam sinh nhận được học bổng và thư trúng tuyển từ 21 trường đại học quốc tế (Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Singapore) và quyết định theo học chuyên ngành kinh tế quốc tế tại Đại học Georgetown (Washington, Mỹ).

Nguyễn Lê Đông Hải hiện đang học thạc sĩ tại Trường Đối ngoại, Đại học Georgetown (Washington, Mỹ).
Nguyễn Lê Đông Hải hiện đang học thạc sĩ tại Trường Đối ngoại, Đại học Georgetown (Washington, Mỹ).
Ba năm sau, Hải hoàn thành chương trình đại học với thứ hạng xuất sắc và hiện đang chuẩn bị tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ khoa học đối ngoại tại Đại học Georgetown.

Bên cạnh đó, nam sinh đến từ Quảng Ngãi cũng đang làm nghiên cứu cho một viện nghiên cứu chính sách hàng đầu tại Washington và đã có kinh nghiệm làm việc tại nhiều tổ chức có tiếng như Ngân hàng Thế giới, Tập đoàn McKinsey và Viện Brookings.                    

Mới đây, Nguyễn Lê Đông Hải vừa đạt được thêm một dấu mốc mới trong chặng đường phát triển của mình khi là đại diện học giả của Washington, trở thành một trong hai mươi học giả trẻ tham dự phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh cam kết toàn cầu 2024 tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (trụ sở tại Mỹ).

Đưa tiếng nói của người trẻ Việt đến với diễn đàn lớn của thế giới 

Đến với hội nghị, nam sinh tham dự tất cả các phiên họp nhưng đóng góp nhiều nhất ở hai phiên làm việc về trí tuệ nhân tạo (AI) và sự phát triển bền vững.

Trong bài phát biểu của mình, nam sinh luôn cố gắng liên kết tới những vấn đề ảnh hưởng sâu rộng đến Việt Nam và Châu Á: Chuyển đổi số và phát triển bền vững. 

“Qua những buổi thảo luận chính thức và bên lề, tôi đã chia sẻ về những nỗ lực và thách thức mà Việt Nam và khu vực đang đối mặt, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”, Hải chia sẻ. 

Với nội dung về trí tuệ nhân tạo, Đông Hải nêu lên những mối quan ngại về tác động của AI lên thị trường việc làm, đặt trong bối cảnh hơn 50% công việc do con người thực hiện có thể bị thay thế bởi công nghệ trong 10-20 năm tới.

Bên cạnh đó, nam sinh cũng nêu lên rủi ro về sự bất bình đẳng trong chuyển đổi số trên thế giới khi có gần 1/3 dân số toàn cầu chưa thể truy cập Internet. 

Hải cho biết thêm, đây cũng là chủ đề của một bài nghiên cứu do nam sinh thực hiện cách đây vài năm, được đăng tải trên một tạp chí học thuật quốc tế và được sử dụng làm tài liệu hướng dẫn cho một cuộc thi tranh biện cấp quốc gia tại Anh.

“Từ đó, tôi đặt ra câu hỏi về vai trò của Liên hợp quốc trong việc đề ra những chính sách nhằm đảm bảo lợi ích cho con người, đồng thời kêu gọi Liên hợp quốc mở thêm những vòng đàm phán đa phương về luật sử dụng AI cho các công ty công nghệ đồng thời để giới chuyên gia, học giả để mang đến những cái nhìn khách quan và tức thời hơn”, Hải chia sẻ thêm về nội dung bài phát biểu của mình. 

Hải nằm trong danh sách 20 học giả trẻ phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Hải nằm trong danh sách 20 học giả trẻ phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Với nội dung về phát triển bền vững, Hải nêu lên tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và sự chung tay trong công cuộc phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và đặc biệt là sự hỗ trợ các nước đang phát triển như Việt Nam. 

Trong quá trình phát biểu, nam sinh luôn trân trọng sự nhiệt huyết và đóng góp từ những nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi, nêu lên những quan điểm của bản thân nhưng cũng đồng thời đảm bảo tiếng nói của người trẻ không “chiếm sóng” của những nhà khoa học và chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực. 

Để chuẩn bị nội dung cho việc tham gia hội nghị, Đông Hải phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tham khảo ý kiến từ các giáo sư tại trường và những chuyên gia đầu ngành thông qua chương trình học giả Liên hợp quốc mà nam sinh tham gia. 

Tham gia Liên hợp quốc mô phỏng từ năm cấp 3 

Nhớ về cuộc hành trình từ khi còn ở Quảng Ngãi đến khi trở thành học giả trẻ tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc, đối với Đông Hải, đó là một cuộc hành trình đầy cảm xúc.

“Khi sang Mỹ du học vào năm lớp 11, là một học sinh tỉnh lẻ chưa từng nghe đến khái niệm “mô phỏng” Liên hợp quốc (Model United Nations hay MUN), tôi cảm thấy hết sức thích thú xen lẫn bỡ ngỡ khi lần đầu tiên tham gia một hội nghị MUN tại Mỹ. Kể từ lần tham gia đầu tiên đó, tôi đã bị “nghiện” tham gia hoạt động này”, Hải kể lại. 

Sau nhiều năm tham gia những hội nghị “mô phỏng”, đến khi có cơ hội tham gia hội nghị “thật” của Liên hợp quốc, nam sinh Quảng Ngãi liền “nổi da gà” ngay từ giây phút bước chân vào hội trường của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, cảm giác lo lắng cũng là điều không thể tránh khỏi đối với chàng trai 22 tuổi. 

Tự nhận xét bản thân là người nửa hướng nội, nửa hướng ngoại, việc nói trước đám đông cũng như nói trước cả đại hội đồng với nhiều học giả, nhà khoa học trên thế giới không phải điều tự nhiên Đông Hải có được.  

Đông Hải tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Đông Hải tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
“Tôi cũng tự hoài nghi năng lực của bản thân liệu đã đủ đề ngồi đây hay chưa. Tuy nhiên, khi nhìn lại về hành trình du học của mình, tôi nhận ra rằng, nếu sống mãi trong vùng an toàn, cuộc sống có thể dễ dàng hơn nhiều, nhưng tôi sẽ không thể có được những cơ hội, trải nghiệm và những người bạn mà mình đang có”, Hải chia sẻ. 

Để duy trì được phong thái tự tin của mình trước nhiều nghị sĩ, chính trị gia, học giả và nhà khoa học trên thế giới, nam sinh tuổi 22 luôn nhìn nhận những cuộc trò chuyện của mình là cơ hội giao lưu “2 chiều”. 

“Tôi không chỉ học hỏi từ họ mà họ cũng có thể nhận lại điều gì đó từ tôi. Đó có thể là năng lượng tích cực, một góc nhìn mới hay chỉ đơn giản là dịp truyền cảm hứng tới người trẻ. 

Tôi cho rằng, bản thân không nên cảm thấy nhỏ bé hay e ngại chỉ vì họ có vị thế cao hơn. Mỗi cơ hội gặp gỡ, giao lưu đều được tôi đón nhận bằng một cách chân thành và tôn trọng nhất”, Hải cho biết. 

Đông Hải (đeo kính, đứng giữa) cùng các học giả trẻ tham quan New York sau khi tham dự hội nghị tại Liên hợp quốc.
Đông Hải (đeo kính, đứng giữa) cùng các học giả trẻ tham quan New York sau khi tham dự hội nghị tại Liên hợp quốc.
Sự trưởng thành về cảm xúc sau những dấu mốc ấn tượng 

Trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu của mình, nam sinh không ngừng thử thách và mở rộng vốn hiểu biết của bản thân khi dành được nhiều cơ hội tham gia vào các diễn đàn thảo luận các vấn đề trên thế giới cùng nhiều nhà khoa học và các nhà chính trị:

Đại diện cho Đại học Georgetown tham dự “Diễn đàn Chính sách Đối ngoại” cùng các ứng viên tổng thống Mỹ năm nay; tham gia bình luận về các vấn đề kinh tế và địa chính trị cho nhiều ấn phẩm quốc tế như USA Today, Newsweek, Asia Times và The Diplomat;…

Đứng trước những dấu mốc ấn tượng ở độ tuổi 22, cảm xúc của Hải không còn quá “vỡ òa” như trước. Với Hải, đây không phải là sự “chai sạn” trước những thành công của mình mà đó giống như là sự trưởng thành về mặt cảm xúc. 

“Qua mỗi dấu mốc, tôi học được cách tiếp nhận niềm vui và thành công một cách điềm tĩnh hơn. Tôi coi chúng như những bước đệm để tiếp tục phấn đấu, không coi nó là điểm dừng. 

Cách nhìn này giúp tôi giữ được tinh thần luôn hướng về phía trước, sẵn sàng cho những thử thách mới thay vì chỉ dừng lại ở những gì đã đạt được”, Hải chia sẻ. 

Chia sẻ về những thành công của mình, nam sinh đến từ vùng đất Quảng luôn trân trọng những người luôn ở bên đồng hành, hỗ trợ và cả những sự may mắn đã đến với mình.

Nguyễn Lê Đông Hải (đeo kính, đứng giữa) dành thời gian tham gia hoạt động, giao lưu cùng bạn bè quốc tế.
Nguyễn Lê Đông Hải (đeo kính, đứng giữa) dành thời gian tham gia hoạt động, giao lưu cùng bạn bè quốc tế.
“Mọi thành tựu đều đến từ sự lựa chọn và đánh đổi” 

Ở độ tuổi 22, khi đã chuẩn bị hoàn thành xong chương trình thạc sĩ và đạt được nhiều thành tựu trên con đường học vấn, nhiều người thán phục trước sự “thành công sớm” của Hải. Nhưng với Hải, “sớm” hay “muộn” không phải là lời nhận xét khách quan. 

“Mỗi người đều đang đi trên con đường riêng của mình với những nhịp độ khác nhau và mỗi bước đi đều mang một ý nghĩa khác biệt. Đối với tôi, dù là thành công hay thất bại, nó không phải là điểm đến cuối cùng mà là những bước đệm quan trọng trên hành trình phát triển cá nhân. Điều quan trọng là mình có cố gắng và hướng đến một giá trị hay mục tiêu nào đó "cao" hơn bản thân”, Hải chia sẻ. 

Đối với Hải, mọi thành tựu đều có “chi phí cơ hội” đến từ những sự lựa chọn và đánh đổi. Ngay trong chính cơ hội được tham gia Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa qua, Hải đã phải “đánh đổi” dịp tham dự buổi hòa nhạc mà anh đã mong chờ nhiều tháng trước đó.

Hải không cho rằng đó là sự hy sinh mà chỉ đơn thuần là quyết định dựa trên sự ưu tiên của bản thân đặt ra tại thời điểm đó. 

Chia sẻ về dự định tương lai của mình, Đông Hải Mình cho biết sẽ tốt nghiệp chương trình thạc sĩ Khoa học đối ngoại của Đại học Georgetown trong năm nay, sớm một năm trước dự định.

Hải cảm thấy hào hứng xen lẫn một chút lo lắng khi nghĩ đến hành trình sắp tới trong tương lai của mình. 

(Theo Dân Trí)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Nam sinh Việt Nam 22 tuổi phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc tại chuyên mục Gương Mặt của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Gương Mặt khác

Cô hiệu trưởng tâm huyết với giáo dục STEAM

Từ những khó khăn ban đầu khi triển khai STEAM, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền - Hiệu trưởng trường Mầm non Hương Sen (TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đã trở thành thành người phổ biến mô hình giáo dục này đến nhiều giáo viên.

Khi cô giáo là "Nữ sứ giả du lịch"

Tự tin, năng động và tràn đầy nhiệt huyết, cô giáo Nguyễn Kim Hoài Nam (trường THCS Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) đã xuất sắc giành giải Nhất trong cuộc thi “Nữ sứ giả du lịch Ba Đình” năm 2024.

Lớp trưởng vui tiến bước

Là lớp trưởng của lớp 3A1 (trường Tiểu học Cổ Nhuế 2A, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cậu bạn Hồ Nhật Minh lúc nào cũng rất hòa đồng và gương mẫu trong học tập, rèn luyện.

4 sinh viên đạt giải cao cuộc thi an ninh mạng quốc tế

Vượt qua hàng loạt thử thách cam go tại cuộc thi an ninh mạng quốc tế Cyber SEA Game 2024, đội tuyển Việt Nam đã xuất sắc giành giải nhì, góp phần đưa trình độ của sinh viên nước nhà tiến gần hơn với chuẩn quốc tế trong lĩnh vực an toàn thông tin.