Bộ não của chúng ta là cơ quan kỳ diệu nhất, và cũng chứa đựng nhiều bí ẩn nhất trong cơ thể. Chúng ta vẫn hay đùa nhau rằng não ai càng nhiều nếp nhăn, người đó càng thông minh. Liệu điều này có đúng?
Khi còn trong bụng mẹ, não của thai nhi ở giai đoạn đầu rất nhẵn nhưng đến tuần thứ 40, nó đã hình thành một số lượng “nếp nhăn” như não của một người trưởng thành. Như vậy, chúng ta được sinh ra với số lượng nếp nhăn trong não nhất định và sẽ không có thêm nếp nhăn mới trong suốt cuộc đời.
Vậy những nếp nhăn ấy được tạo ra từ đâu? Theo bà Lisa Ronan, nghiên cứu viên thuộc khoa Tâm thần học tại Đại học Cambridge, Anh: "Vỏ não, cấu trúc nằm ở ngoài và bao bọc não bộ, cũng chính là phần chất xám của chúng ta, đã giãn nở và tạo nên những nếp nhăn của não từ trong giai đoạn thai nhi nằm trong tử cung của người mẹ."
Về bản chất, sự giãn nở này làm gia tăng áp lực bề mặt bên ngoài. Và sau đó, áp lực được giảm chính bằng cách gấp nếp và cuộn lại thành những nếp nhăn.
Bà Ronan cho biết, những nếp gấp dày đặc này làm tăng số lượng nơron thần kinh mà bộ não loài người có thể chứa đựng được, làm tăng khả năng nhận thức của con người.
Sự hình thành nếp gấp không chỉ phụ thuộc vào sự tăng trưởng tổng thể của vỏ não, mà còn phụ thuộc vào tính chất vật lý của phần vỏ não đó. Ví dụ, các vùng mỏng hơn có xu hướng gấp dễ dàng hơn.
Nhưng điều thú vị ở đây là bộ não của loài người không hề gấp một cách ngẫu nhiên mà có một mô hình cụ thể đại diện cho loài. Bà Ronan nói: “Mặc dù những nếp gấp gồ ghề đó nhìn có vẻ là rất ngẫu nhiên, nhưng chúng thực sự có tính nhất quán giữa các loài. Mọi nếp gấp đều có ý nghĩa riêng. Các đặc tính vật lý và những nếp gấp này đều liên quan đến chức năng thần kinh của nó."
Rõ ràng, kích thước não và số lượng nếp nhăn không quyết định sự tiến hóa của động vật. Voi là loài có bộ não lớn và số lượng nếp nhăn nhiều hơn người rất nhiều nhưng loài người lại tiến hóa vượt bậc. Ở đây có sự quyết định lớn của chức năng vỏ não.