Cơ quan hàng không vũ trụ (NASA) và quân đội Mỹ ngày 27/7 thông báo quyết định chọn nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin phát triển một loại tên lửa hạt nhân, hướng tới sử dụng công nghệ này cho các sứ mệnh lên sao Hỏa.
Các quan chức cho biết hệ thống tên lửa mang tên DRACO (Demonstration Rocket for Agile Cislunar Operations) có thể được triển khai sớm nhất vào năm 2027.
Tên lửa này sử dụng công nghệ đẩy nhiệt hạt nhân (NTP) giúp giảm thời gian hành trình, tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu và cần ít nhiên liệu đẩy hơn, theo đó trong tương lai tàu vũ trụ có thể mang trọng tải lớn hơn so với các loại tên lửa hóa học tốt nhất hiện nay.
Động cơ NTP vận hành bằng cách bơm nhiên liệu đẩy lỏng, trong trường hợp DRACO là hydro đông lạnh, qua lõi lò phản ứng, nơi các nguyên tử urani phân tách thông qua quá trình phân hạch. Quá trình này sẽ làm nóng nhiên liệu đẩy, biến nhiên liệu này thành khí và đưa nhiên liệu này qua một vòi phun để tạo ra lực đẩy.
Ông Kirk Shireman, Phó Chủ tịch Chiến dịch Thám hiểm Mặt trăng của Lockheed Martin Space đánh giá công nghệ đẩy nhiệt điện hạt nhân này có thể giúp rút ngắn thời gian di chuyển của tàu vũ trụ.
Ông nhấn mạnh điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các sứ mệnh đưa con người lên Sao Hỏa hạn chế khả năng phơi nhiễm bức xạ của phi hành đoàn.
Theo hợp đồng đã ký, BWX Technologies sẽ chịu trách nhiệm phát triển lò phản ứng hạt nhân và nhiên liệu đẩy cho tên lửa mới. Để đảm bảo an toàn, lò phản ứng của DRACO sẽ không được bật cho đến khi tàu vũ trụ đạt đến quỹ đạo cao.
Ông Shireman đánh giá công nghệ này cũng có thể "cách mạng hóa" các sứ mệnh trong tương lai lên Mặt Trăng, nơi NASA có kế hoạch xây dựng môi trường sống lâu dài trong khuôn khổ chương trình Artemis.
Lần gần đây nhất NASA tiến hành thử nghiệm động cơ tên lửa nhiệt hạch là hơn 50 năm trước đây, nhưng chương trình này đã bị hủy bỏ.
(Theo Vietnam+)