Ngành Giáo dục năm 2022: Thách thức - Nỗ lực - Kết quả khả quan

Chu Hải
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định, năm 2022 đối với ngành Giáo dục, có thể tóm lược ngắn gọn trong mấy từ khóa sau đây: Thách thức - Nỗ lực - Kết quả khả quan.

Nhìn lại năm 2022 có thể thấy, những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, những khó khăn về kinh tế - xã hội đã tác động và tạo ra nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có cho ngành Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn ngành, những kế hoạch lớn đã được hoàn thành, rất nhiều việc nhằm củng cố những thiệt thòi, hạn chế của chất lượng giáo dục do dịch bệnh gây ra cũng được tập trung giải quyết.

Nhân dịp đầu năm mới 2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ về những thách thức, nỗ lực và thành quả đã đạt được trong năm 2022 cũng như những vấn đề sẽ được ngành Giáo dục và Đào tạo ưu tiên triển khai trong năm mới 2023.

Ngành Giáo dục năm 2022: Thách thức - Nỗ lực - Kết quả khả quan - Ảnh 1Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, năm 2022 - ngành Giáo dục và Đào tạo đã làm được rất nhiều việc để khôi phục hoạt động dạy và học đảm bảo chất lượng. Xin Bộ trưởng điểm lại những kết quả nổi bật của ngành trong năm vừa qua?

Năm 2022 đối với ngành giáo dục, có thể tóm lược ngắn gọn trong mấy từ khóa sau đây: Thách thức - Nỗ lực - Kết quả khả quan.

Đối với giáo dục phổ thông, sự đổi mới được thực hiện với một tốc độ rất nhanh. Trong cùng một năm nhưng thực hiện thay đổi về sách giáo khoa, về dạy và học đối với rất nhiều lớp và triển khai đồng thời ở cả 3 cấp. Trong một tiến độ thời gian như vậy, để thực hiện được những việc lớn với một sự kỳ vọng lớn, có thể nói, đối với giáo viên, cán bộ quản lý và với toàn ngành, đây là một thách thức. Bên cạnh đó, những việc lớn và khó lại được triển khai trong hoàn cảnh chống dịch - thời kỳ chuyển tiếp từ dạy và học trực tuyến sang mở cửa trường học và bước vào trạng thái bình thường mới.

Chúng tôi vừa chống dịch vừa kiên quyết mở trường học và thực hiện các biện pháp an toàn để mở cửa trường học toàn bộ 63 tỉnh, thành phố từ tháng 4/2022. Cho tới giờ phút này, nhìn lại những việc đã qua, chúng ta thấy bình thường, nhưng trong thời khắc đó, đối với ngành Giáo dục là một thử thách rất lớn, bởi khi đó, việc tiêm vaccine cho trẻ em hầu như chưa có, những hiểu biết về dịch bệnh cũng còn rất hạn chế và nhiều khó khăn khác của công tác phòng, chống dịch.

Đặc biệt, một thách thức lớn, một vấn đề nổi bật, đáng chú ý trong năm qua với ngành giáo dục mà mọi người cũng đã chứng kiến, đó là sau một thời gian dịch bệnh, có một bộ phận giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, nhiều trường mầm non tư thục đóng cửa… Điều này đã gây ra sự thiếu hụt đối với giáo viên. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục phổ thông mới cũng có những môn mới; có những yêu cầu mới cần đạt chuẩn về lớp học, số lượng học sinh và giáo viên. Điều này đặt ra cho ngành thách thức làm thế nào đủ số lượng và đảm bảo chất lượng giáo viên.

Trước những thách thức từ bên trong cũng như các thách thức, tác động từ bên ngoài, toàn ngành, từ cán bộ quản lý cho đến toàn thể giáo viên đã thể hiện sự nỗ lực vượt bậc. Trong đó, phải ghi nhận rất cao sự cố gắng của tập thể hơn một triệu giáo viên, một năm qua đã nỗ lực hết mình để đạt những kết quả rất đáng khích lệ.

Ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ năm học đúng tiến độ, tổ chức kỳ thi Trung học Phổ thông với chất lượng tốt, theo kế hoạch đã đề ra. Đây là một năm thành công trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức các đoàn học sinh tham gia các cuộc thi Olympic quốc tế, khu vực với nhiều kết quả đáng khích lệ. Các công việc như thẩm định sách giáo khoa, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, tập huấn giáo viên và các điều kiện khác cũng được triển khai đúng tiến độ.

Đối với giáo dục đại học, đây cũng là một năm để chúng tôi tiến hành rà soát những vấn đề liên quan từ tự chủ đại học, đánh giá những gì làm được, những gì còn vướng mắc. Bộ đã tổ chức những diễn đàn, hội nghị, trao đổi, khảo sát, đánh giá và cũng đang đề xuất một số điều chỉnh để việc tự chủ đại học đi vào chiều sâu, phát huy được sức sáng tạo, nguồn lực, năng động của các trường đại học, giúp cho các trường có thể tự chủ một cách mạnh mẽ hơn và đạt tới hiệu quả hơn, chất lượng hơn.

Bước sang năm 2023, theo Bộ trưởng, những thách thức mà ngành Giáo dục và Đào tạo đang phải đối mặt là gì? Bộ sẽ ưu tiên giải quyết những vấn đề nào trong năm mới, thưa Bộ trưởng?

2023 là năm quan trọng trong lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, đây là năm nhịp ở giữa của quá trình triển khai. Hiện đã có 6 lớp được dạy theo chương trình mới và thay sách giáo khoa, các lớp còn lại sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2023 và những năm kế tiếp theo lộ trình đã đề ra.

Đây sẽ là năm tập trung rất nhiều việc, tiêu biểu như: tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 và cũng là năm chỉ đạo triển khai biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 5, 9, 12. Vậy nên lượng công việc còn lại trong năm 2023 rất lớn. Chúng tôi phải tiếp tục tập trung giải quyết những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai đã và có thể sẽ xảy ra như: triển khai những môn học mới; tìm mọi giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; thiếu cơ sở vật chất; thiếu các điều kiện để triển khai. Đây là những việc lớn và khó, là những thách thức lớn với ngành Giáo dục.

Năm 2023, ngành Giáo dục thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm giải trình trước Đảng, nhân dân, Quốc hội. Chúng tôi sẽ cần phải đánh giá xem quá trình sau 10 năm thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, những gì đã làm được, những gì còn tiếp tục phải triển khai. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện trách nhiệm giải trình trước đoàn giám sát của Quốc hội trong việc thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 (về chương trình, sách giáo khoa mới). Đây là dịp mà ngành sẽ nhìn lại những công việc đã, đang và sẽ làm, xem còn gì cần điều chỉnh trong những năm tiếp theo để tiếp nối tinh thần đổi mới giáo dục mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao cho ngành.

Đây cũng là năm mà chúng tôi phải hoàn thành việc biên soạn chương trình giáo dục mầm non mới. Quá trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt và triển khai chương trình này sẽ diễn ra vào năm 2023 tới đây.

Đối với giáo dục đại học, đây là năm phải hoàn thành nhiệm vụ rất lớn đó là việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học, các trường đại học sư phạm trọng điểm, quy hoạch các trường chuyên biệt trong cả nước. Nhiệm vụ quy hoạch cần phải hoàn tất sớm và là nhiệm vụ lớn của ngành. Trong quá trình quy hoạch, cần phải rà soát, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học trên cả nước nhằm phát huy được tiềm năng của các trường, cũng như thực hiện những chiến lược phát triển giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, việc phát triển và xây dựng đội ngũ nhà giáo cũng là nhiệm vụ đặt ra cấp bách, bao gồm cả việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và đáp ứng được công cuộc đổi mới cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Nhưng đồng thời cũng giải quyết được những vấn đề thừa thiếu giáo viên đang đặt ra. Chúng tôi dự kiến trong năm 2023 sẽ dự thảo và trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và trình Quốc hội dự thảo Luật nhà giáo. Đây là văn bản luật mà chúng tôi đang tập trung để xây dựng. Qua đó, có một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng làm căn cứ để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo trong thời gian tiếp theo.

Các công việc khác cũng được xem là những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành như: tiếp tục thúc đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của ngành, gia tăng các kết nối trong ngoài, trên dưới hệ thống... đang tiếp tục được chúng tôi tiến hành và xác định là các nhiệm vụ cần thực hiện trong năm.

Một việc thường xuyên nhưng cũng rất quan trọng phải làm trong năm là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Đây là kỳ thi diễn ra trên toàn quốc đòi hỏi chúng tôi phải dồn sự chỉ đạo và chuẩn bị cho việc này. Cùng với đó, có rất nhiều những việc thường xuyên khác vẫn phải làm tiếp, chẳng hạn cho tới thời điểm này, dịch bệnh cũng cơ bản được kiểm soát nhưng về những ảnh hưởng, dù bước đầu đã có những bù đắp, khắc phục trong năm qua nhưng đó không phải là việc chỉ làm trong một năm có thể giải quyết được mà cần phải có thời gian nhiều hơn cho những bù đắp, qua đó dần khắc phục những thiếu hụt mà dịch bệnh gây ra.

Ngoài ra, còn có những nhiệm vụ, chương trình, đề án Chính phủ giao cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới như: tăng cường văn hóa học đường; an toàn trường học; phòng, chống đuối nước, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Nhân dịp đầu năm mới, Bộ trưởng có gửi gắm gì tới toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trên cả nước?

Có thể nói, thời điểm này, ngành Giáo dục và Đào tạo đang trong lộ trình đổi mới hay nói cách khác là đang trong lộ trình chuyển đổi. Có rất nhiều cái mới đang được hình thành, triển khai, ra đời. Quá trình chuyển đổi bao giờ cũng tạo ra những xáo trộn, cái mới bao giờ cũng có những người, những bộ phận có thể đón nhận ngay. Nhưng có những người, những nơi, những vùng cần có thời gian để làm quen và cũng có những người phản ứng đối với quá trình đổi mới này.

Đây là một nhiệm vụ lớn mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Giáo dục, tôi mong rằng, toàn thể nhà giáo ý thức được vinh dự, trách nhiệm, thách thức của sự nghiệp đổi mới để cùng nhau nỗ lực. Không có một sản phẩm của sự đổi mới nào có thể ra đời dễ dàng. Để đạt được thành công lớn phải vượt qua nhiều thách thức lớn. Nhưng nếu hoàn thành nhiệm vụ lớn được giao, ngành Giáo dục sẽ đạt được những kết quả lâu dài cho đất nước.

Đối với toàn thể học sinh, sinh viên, tôi mong rằng, tất cả các em cũng sẽ đón nhận tinh thần đổi mới của cả ngành. Đổi mới bao giờ cũng ở cả hai phía: từ phía người dạy đến phía người học. Thầy cô cần hoàn thành thật tốt công việc của các thầy cô và học sinh cần làm thật tốt nhiệm vụ của mình. Qua đó, chúng ta sẽ có được một chất lượng giáo dục tốt nhất mà người hưởng thụ không ai khác chính là các bạn học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, chính quyền và các địa phương đã quan tâm thì tiếp tục quan tâm và quan tâm hơn nữa đến việc triển khai nhiệm vụ của địa phương mình theo trách nhiệm, quyền hạn, cũng như vào cuộc cùng với ngành Giáo dục để chuẩn bị mọi điều kiện triển khai.

Trước thềm năm mới, tôi mong rằng, toàn xã hội cũng như các phụ huynh sẽ cùng chia sẻ, đồng hành với các thầy cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục, với ngành, để cùng nhau hoàn thành được các nhiệm vụ đổi mới. Nếu như thiếu sự ủng hộ, vào cuộc, đồng hành của phụ huynh, chắc chắn sự đổi mới này rất khó có thể thành công.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(theo Việt Hà/TTXVN )

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Ngành Giáo dục năm 2022: Thách thức - Nỗ lực - Kết quả khả quan tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Học golf bài bản phải trả học phí bao nhiêu?

Vừa qua, có 2 trường học tại Hà Nội triển khai dạy golf cho học sinh với mục tiêu đa dạng hóa các hoạt động thể chất, thể thao học đường, giúp học sinh tiếp cận với môn thể thao mang tính quốc tế. Bạn có biết để tập chơi môn thể thao "quý tộc" này, người học sẽ phải trả những chi phí gì?

Làm chủ cánh bay canh giữ bầu trời Tổ quốc

Trở thành phi công quân sự là ước muốn của nhiều bạn trẻ. Ngoài việc phải vượt qua quá trình tuyển chọn khắt khe, học viên còn phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện vô cùng khắc nghiệt. Cùng Thiếu niên Chủ nhật “mục sở thị” công tác huấn luyện tại Trung đoàn 910 (Trường Sĩ quan Không quân, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), các bạn nhé!