Game Design là gì?
Khi nhắc đến Game Design (thiết kế trò chơi điện tử) bạn sẽ nghĩ đến điều gì đầu tiên? Phải chăng đó là một công việc vừa học vừa làm, chỉ cần biết vẽ vời hay 1 công việc chỉ cần có ý tưởng độc – lạ? Nếu vậy thật thì Game Design có vẻ như là ‘’một công việc nhàn hạ” thật đấy! Nhưng sự thật ngành Game Design ‘’cầu kỳ’’ hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.

Game Design là công việc thiết kế các yếu tố làm nên một trò chơi, trong đó quan trọng nhất là: mục tiêu, luật chơi và thử thách trong trò chơi (goals, rules & challenges). Trong quá trình phát triển thì Game Designer cần rất nhiều kiến thức bao gồm cả tổng quát và chuyên môn sâu để có thể làm việc với các team nhỏ khác. Nói chung đặc thù của Game Designer là sẽ phải làm việc với các bộ phận chuyên môn rất nhiều, chứ không chỉ như Art/Audio/Engineer là chỉ cần làm đúng phần của mình.

Thiết kế game - Lãnh địa của những cơ hội
Cơ hội rộng mở là điều có thể nhìn thấy rõ ràng khi nhắc đến ngành nghề thuộc lĩnh vực game nói chung. Thị trường game online tại Việt Nam là một miếng bánh "béo bở" và đang được đổ dồn sự đầu tư từ các hãng game lớn. Không chỉ vậy, là một ngành liên quan trực tiếp đến sự sáng tạo đòi hỏi nhiều chất xám, các công ty game luôn chiêu mộ những nhân tài trong lĩnh vực này với mức lương “hot”, thuộc hàng “khủng”. Chỉ cần bạn giỏi, luôn có một vị trí trong công ty game với mức lương nghìn đô đang chờ đợi bạn.

Vậy làm thế nào để trở thành một Game Designer
Tại Việt Nam hiện nay chưa có một trường lớp chính quy nào tổ chức đào tạo ngành học liên quan đến lĩnh vực này. Hầu hết các bạn trẻ đam mê với ngành chủ yếu tìm hiểu về Game Designer thông qua mạng internet. Để trở thành một Game Designer nếu như không có khả năng đi du học, bạn có thể nghiên cứu các khóa học online của các trường nước ngoài hay những blog, hội thảo, triển lãm của các nhà thiết kế game. Mày mò và học hỏi bằng cách thực tập tại những công ty chuyên về game cũng là một cách để tiếp cận với ngành nghề này tại Việt Nam.
Là một ngành nghề đầy triển vọng, nên nếu bạn yêu thích hãy cứ theo đuổi ngành này bởi còn nhiều cơ hội rộng mở hơn ở phía trước. Biết đâu bạn lại trở thành người đặt nền móng cho việc giảng dạy của lĩnh vực game trong tương lai thì sao nhỉ?