Nghỉ lễ, nắng nóng và tia UV vẫn đeo đuổi

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay kéo dài đến ngày 30-4 thời tiết từ Bắc đến Nam có nắng nóng, xen lẫn những ngày mưa dông. Cũng trong giai đoạn này, nắng nóng có xu hướng giảm hơn so với những ngày qua.

Tuy nhiên, hậu quả của nắng nóng năm nay cũng gây xáo trộn nhiều trong cuộc sống. Những ngày nghỉ lễ sắp đến (từ ngày 28-4 đến 1-5) dù nắng nóng ở khu vực Nam Bộ và Nam Tây Nguyên suy giảm, nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến ở khoảng 31 - 35ºC nhưng mưa dông có xu hướng gia tăng vào chiều tối và tối, kèm theo nguy cơ cao xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trẻ em tắm trong sàn phun nước của công viên Gia Định, Q. Phú Nhuận, TP.HCM trong thời tiết nắng nóng tháng 4 này - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người già, trẻ em mắc bệnh hô hấp tăng

Ngày 24-4, TS.BS Nguyễn Thị Thanh Nga - Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi - cho biết, những ngày nắng nóng, số người già đến khám bệnh hô hấp, cao huyết áp, tim mạch đều tăng hơn so với những ngày trước. Trong đó, nhiều người than phiền về thời tiết nắng nóng này làm người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, hiện nay trong tổng số lượt khám khoảng 2.000 trẻ/ngày, có đến 1.300 ca bệnh liên quan đến mùa nắng nóng là bệnh đường hô hấp và tiêu hóa, trong đó 95% liên quan đến nhiễm khuẩn.

Đặc biệt đỉnh điểm nắng nóng từ đầu tháng 4 đến nay, lượng bệnh nhi đến khám do bệnh đường tiêu hóa (nôn ói, tiêu chảy, nhiễm khuẩn ruột) tăng chóng mặt, lượng khám ngoại trú trên 3.300 ca (tăng 1.000 ca so với cùng kỳ năm trước), nội trú cũng tăng hơn 400 ca so với cùng kỳ năm trước.

Bệnh đường hô hấp (viêm phổi, phế quản, viêm hô hấp trên và dưới) cũng gia tăng, lượt khám ngoại trú trên 17.000 lượt, nội trú gần 700 ca…

 

Ngoài các bệnh về hô hấp, BS ở các bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, Sản - Nhi An Giang, Sản - Nhi Sóc Trăng đều cho biết số bệnh nhân tăng với nhiều loại bệnh như tay chân miệng, tiêu chảy, sởi, sốt xuất huyết.

BS Ông Huy Thanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho biết nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng và độ ẩm cao, các loại vi khuẩn, virus, nấm mốc... gây bệnh thường phát triển. Vì vậy các bậc phụ huynh cần lưu ý cho trẻ uống đủ nước, ăn uống vệ sinh, không để thay đổi nhiệt độ đột ngột nóng - lạnh…

Tình hình nắng nóng tại các tỉnh phía Nam những ngày tới Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Hạn chế vui chơi, di chuyển từ 10h - 15h

Theo PGS.TS.BS Lê Ngọc Diệp - Trưởng phòng khám da liễu bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM (cơ sở 2), vào những ngày nghỉ lễ, người dân cần biết khoảng thời gian nào là nắng gay gắt nhất và tia bức xạ (UV) nhiều nhất nhằm hạn chế di chuyển và vui chơi ngoài trời.

Theo đó, ánh nắng mặt trời mạnh và có hại nhất vào lúc 10h-15h. Nếu buộc phải ra ngoài đường và vui chơi lễ vào thời điểm này, người dân cần đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang, đeo kính râm, mặc quần áo dài nhưng thoáng, đặc biệt là bôi kem chống nắng với chỉ số SPF từ 30 - 45 và nên thoa 2 tiếng/lần.

Đối với trẻ em và người già cần hạn chế ra ngoài đường tối đa vì đây là những đối tượng có sức đề kháng yếu và làn da có mức độ bảo vệ kém.

Chăm sóc bệnh nhi bị tiêu chảy tại Bệnh viện Sản – nhi An Giang - Ảnh: B.ĐẤU

BS Hồ Thanh Phong - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - cũng cho biết khi vui chơi hay di chuyển ngoài đường cần “lắng nghe” cơ thể nếu điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng.

"Nếu cơ thể không dung nạp được nhiệt độ môi trường, có nguy cơ xảy ra nhiều biến cố nguy hiểm" - BS Phong nhấn mạnh.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh bắt buộc nên vẫn có rất nhiều người di chuyển bằng xe máy trên đoạn đường rất dài trong khoảng thời gian cảnh báo trên.

Theo BS Diệp, biện pháp hữu hiệu nhất đối với trường hợp này là nên hạn chế thời gian đi ngoài đường bằng cách dừng xe và nghỉ dọc đường tại những bóng cây hay các quán nước để bổ sung nước, đồng thời kết hợp những biện pháp bảo vệ nêu trên.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình lựa chọn phương tiện di chuyển trong dịp lễ bằng ôtô hay xe khách để tránh cái nóng khó chịu ngoài trời.

Tuy nhiên, BS Diệp cho rằng lựa chọn phương tiện di chuyển này lại phải đối mặt tình trạng sốc nhiệt mỗi khi bước lên hoặc xuống xe. Ngoài ra, nếu kính cửa sổ trên xe không phải là kính cách nhiệt thì người ngồi gần cửa sổ sẽ hấp thụ ánh nắng mặt trời nhiều hơn bên ngoài.

Để khắc phục tình trạng này, BS Diệp khuyến cáo trước khi xuống xe người dân nên tắt hoặc chỉnh nhiệt độ điều hòa trong xe lên mức cao nhất để cơ thể làm quen dần với nhiệt độ ngoài trời, ngược lại khi mới bước vào xe thì hãy chỉnh nhiệt độ cao lên rồi sau đó mới giảm từ từ để tránh tình trạng nhiệt độ thay đổi đột ngột. Song song đó, cần dùng những miếng chắn hoặc rèm để ánh nắng mặt trời không chiếu vào cửa kính.

Khi vui chơi, đặc biệt là các loại hình vui chơi ngoài trời như tắm biển, BS Diệp lưu ý người dân cũng nên tránh thời gian từ 10h-15h, thay vào đó nên vui chơi vào khoảng thời gian sáng sớm và chiều mát. Đồng thời, cần áp dụng những biện pháp bảo vệ cơ thể và nên uống đủ nước.

Bắc Trung Bộ 43 độ C

Ở một số khu vực phía Bắc Trung Bộ, ghi nhận nhiệt độ lên đến hơn 43 độ C như Hương Khê (Hà Tĩnh), Tuyên Hóa (Quảng Bình). Đây là mức nhiệt lịch sử mới ghi nhận được trong tháng 4 tại các địa điểm trên.

Về ý kiến cho rằng nhiều khu vực Việt Nam đang xảy ra nắng nóng vượt các giá trị lịch sử, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục Trưởng tổng cục Khí tượng Thủy văn - cho rằng cần xem xét lại, bởi về mức nhiệt độ, một số nơi có thể vượt giá trị lịch sử.

Tuy nhiên, thời gian nắng nóng kéo dài và tác động như thế nào cần phải theo dõi thêm mới có kết luận được.

Một cán bộ phòng dự báo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho rằng nếu mức nhiệt độ 43 độ C chỉ xảy ra trong một hoặc hai ngày sau đó giảm thì thời gian, mức độ ảnh hưởng chưa thể vượt giá trị lịch sử.

Giai đoạn năm 2016 có thời điểm nắng nóng gay gắt liên tục mở rộng và kéo dài trong khoảng 20 ngày.

Cũng theo ông Hải, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng nóng lên toàn cầu và sự cộng hưởng của quá trình đô thị hóa, mảng xanh ít hơn, bêtông nhiều thêm... khiến những giá trị lịch sử về thời tiết bị thay đổi là bình thường.

Tắm biển ngày hè, đừng quên kem chống nắng

Đó là lời khuyên của BS Văn Bảo Ngọc - chuyên khoa 1 Bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu, bởi nhiều người tưởng xuống biển là "trốn" được nắng nóng, nhưng nếu không bôi kem chống nắng thì tia UV sẽ gây tác hại nhiều hơn so với đi ngoài đường vì nước biển có hàm lượng muối cao nên càng hấp thụ tia UV.

Kem chống nắng là loại dành riêng cho tắm biển, hồ bơi, có độ cản tia nắng (SPF) từ 30-50; nên bôi trước 30 phút trước khi xuống nước và lưu ý sau 40 phút, nếu còn tắm thì phải thoa lại vì môi trường nước làm cho kem chống nắng nhanh tan hơn bình thường.

Thời gian tốt nhất để tắm biển trong ngày hè nóng nực là trước 7h và sau 14h, không nên tắm biển vào buổi trưa, lúc trời nắng gay gắt nhất.

"Đi ngoài đường trong những ngày này chị em cũng nên bôi kem. Kem chống nắng bôi lớp ngoài cùng, sau khi đã trang điểm son phấn thì mới có tác dụng, chứ không làm ngược lại" - BS Ngọc nói. Ngoài ra, nên đội nón vành rộng, đeo khẩu trang tối màu, mặc quần áo dài tay.

Theo Tuổi Trẻ

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Nghỉ lễ, nắng nóng và tia UV vẫn đeo đuổi tại chuyên mục Chuyển động của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Chuyển động khác

Lịch nghỉ của học sinh dịp lễ 30/4 và 1/5

Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, do đó người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục. Theo đó, lịch nghỉ và học bù của học sinh cũng sẽ được điều chỉnh.