"Ngôi trường làng" của lòng nhân ái

Nguyễn Như Quỳnh
Hành trình tìm đến với những cư dân Hà Nội bình dị mà cao quý là cầu nối cho tôi biết đến "Làng". 17 năm qua, đây là nơi cưu mang, chăm sóc hơn 600 trẻ em không may chịu ảnh hưởng di chứng chất độc da cam.

Những người thầy và trò đặc biệt

Nằm giữa xã Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội), Làng Hữu Nghị Việt Nam được những tình nguyện viên dành cho cái tên thân thương là Làng Canh.

"Không may mắn, những em nhỏ ở đây đa phần đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Thêm vào đó, đa số xuất thân trong gia đình nghèo. Khi các em ở đây, các "mẹ" đã làm thay nhiệm vụ của cha mẹ đẻ để nuôi nấng, chăm sóc các em từ những cái nhỏ nhất"- Đại tá Đinh Văn Tuyên, Giám đốc Làng Hữu Nghị Việt Nam chia sẻ.  

Dẫn chúng tôi đến thăm các lớp học, tiếng các em vẫn đồng thanh tập đọc “con chào cô ạ”. Cán bộ tổ chức Làng ngậm ngùi bảo, câu nói tưởng chừng đơn giản nhưng với những cô, cậu bạn ở đây có lẽ phải tập đến cả tháng trời. Các bạn có thể nhớ, nói đi nói lại câu ấy sau buổi học những sáng hôm sau có thể chẳng nhớ gì.

Hiện tại, trong số 120 em được nuôi trong làng, có tới 2/3 là bị thiểu năng trí tuệ, công việc chăm sóc đòi hỏi vô cùng kiên trì. Các em đều có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ là lao động nghèo nên có nhiều em cả năm gia đình chỉ lên đón về được 1 lần. Có em bị dị tật về hình thể, nhưng trí tuệ phát triển bình thường sẽ được học văn hóa, học nghề để sau này có thể quay trở lại cuộc sống xã hội một cách tương đối bình thường”, anh cho biết.

Tiết dạy của cô Nguyễn Thu Huyền ở lớp giáo dục đặc biệt hôm nay là âm nhạc. Cô và trò cùng tham gia đàn hát, tạo không khí sôi nổi cho các em.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội khoa Giáo dục đặc biệt, cô giáo Thu Huyền gắn bó với Làng đến nay đã gần 10 năm. Cô Huyền tâm sự: “Mỗi lớp giáo dục đặc biệt như thế này có khoảng 13 em, từ 8 đến 20 tuổi phân theo theo mức độ nhận thức. Có lớp riêng cho các em thiểu năng, lớp thêu, lớp làm hoa và lớp may - công việc lao động là để góp phần giúp các em phục hồi chức năng, song cũng có khi giúp được cho các em khả năng lao động và một nghề nghiệp để khi về quê, các em có thể kiếm sống ít nhiều”.

Một tiết học của lớp giáo dục đặc biệt ở làng Hữu Nghị Việt Nam.

Làng có năm ngôi nhà, mỗi nhà có trên 20 bạn nhưng chỉ có một “mẹ”. Thế nhưng, điều đó lại cho tôi thấy rõ hơn tình yêu bao dung, sự kiên trì nỗ lực của cán bộ nhân viên của Làng.

Cô Nguyễn Thị Hiền, “mẹ” nhà T2 có 9 năm gắn bó với Làng. Cũng như bao người mẹ khác, từ sáng sớm mẹ Hiền dậy đánh thức các em, chỉ bảo và giúp các em vệ sinh cá nhân, dẫn các em đi ăn sáng rồi lên lớp học. Trong lúc các em lên lớp, các mẹ ở nhà dọn dẹp nhà cửa và nhiều công việc không tên khác như: đặt bô, đổ bô, giặt màn giường chiếu vì nhiều em không làm chủ được hành vi đã vệ sinh ngay trên giường, chăm sóc các trẻ bị ốm…”.

Cô Hiện bảo, vì điều kiện không đón được tất cả trẻ em nhiễm chất độc da cam, nên nhiều khi, trong một gia đình bốn-năm em, phải chọn đưa từng em một vào Làng. Các em đến đây, ngoài việc được nuôi dưỡng chu đáo, còn được chữa trị bệnh tật, phục hồi chức năng, học cả văn hóa nữa.

Cô Hiền ngậm ngùi: “Mỗi đứa mỗi tính, phải nắm bắt và hiểu rõ từng con thì mới dạy dỗ và rèn các con cho tốt được. Cũng đã có đôi ba trường hợp các em tự sống được sau khi rời Làng, thậm chí còn lập gia đình nữa. Nhưng ít lắm, mỗi em một bệnh, có những đứa suốt đời không thể khỏi được, chỉ nghĩ thế thôi là không cầm được nước mắt...”

Làng thường xuyên được đón các đoàn khách đến thăm nhất là các bạn tình nguyện viên quốc tế.

“Các bạn trẻ đến từ nhiều nước khác nhau như Anh, Pháp, Mỹ, Canada… họ cũng gọi tôi là mẹ. Họ giúp chúng tôi quét dọn, lau nhà, lau cửa, giặt đồ cho các con đều đặn hàng tuần. Nhìn họ ôm hôn những đứa trẻ, chơi đùa cùng chúng thấy vui lắm. Các con được tiếp xúc nhiều cũng mạnh dạn, hòa nhập hơn”- cô Hiền trải lòng.

Gieo tiếng cười cho ấm nhân gian

"Làng Hữu nghị Việt Nam" là dự án đầu tiên của "Cựu chiến binh thế giới", do sáng kiến của ông George Mizo, một cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến ở miền Nam Việt Nam và ông George Doussin một cựu chiến binh Pháp khởi xướng với nguyện vọng xây dựng một biểu tượng của sự hàn gắn, hợp tác và hoà giải.

Họ đã cùng nhau bàn việc thành lập một dự án để giúp trẻ em và CCB Việt Nam – ý tưởng thành lập “Làng Hữu Nghị Việt Nam” được hình thành. Tháng 4/1992 dự án đó được lấy tên là “Làng Hữu Nghị Việt Nam”. Nhưng phải đến đầu tháng 10/1998 làng mới chính thức khai trương và đón các công dân đầu tiên là 6 em nhỏ nạn nhân chất độc da cam, đích thân Ban giám đốc làng đánh xe đến tận nhà đón về để nuôi dưỡng.

Bà Rosi Hohn Mizo, Chủ tịch Ủy ban quốc tế Làng hữu nghị thăm, động viên trẻ em tập phục hồi chức năng tại Làng.

Được biết, Ban Giám đốc Làng đều là cựu chiến binh. Khi nghỉ hưu, thấy sức mình còn và đặc biệt là thấu hiểu sâu sắc những mất mát, đau thương của chiến tranh, họ muốn làm được điều gì đó cho đồng đội, cho con em họ.

Họ tìm các cô giáo, các mẹ được đào tạo bài bản, tâm huyết với nghề để sẵn sàng tình nguyện gắn bó lâu dài với Làng. Cứ thế động viên nhau, người nào cũng vậy, mỗi ngày đi ít nhất từ 7 đến 10km, mưa cũng như nắng, đến với Làng, làm việc quên giờ giấc, với một thù lao không đáng kể.

"Công dân" tới Làng đều được chăm sóc chu đáo, từ chữa trị bệnh tật đến phục hồi chức năng. Trẻ em khuyết tật được quan tâm giáo dục đặc biệt về thể chất và tinh thần, từng bước phát triển kỹ năng sống, học văn hóa và được dạy nghề hướng nghiệp để có thể hòa nhập cộng đồng.

Các bạn tình nguyện viên nước ngoài tại lớp học giáo dục đặc biệt.

Đại tá Đinh Văn Tuyên chia sẻ: "Làng Hữu Nghị đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, đặc biệt là sự giúp đỡ tận tình của tổ chức Cựu chiến binh các nước... Nhiều chuyên gia quốc tế về phục hồi chức năng, chuyên gia tâm lý, bác sĩ... đã tới làng làm việc với thời gian dài nhằm giúp những nạn nhân chất độc da cam/dioxin...".

Dù cuộc gặp gỡ diễn ra ngắn ngủi nhưng sự biết ơn, yêu mến của những cô bạn, cậu bạn "đã tốt nghiệp" hay đang theo học tại trung tâm dành cho thầy, cô và những người "mẹ" đủ để chúng tôi cảm nhận rõ rệt tấm lòng cao quý ấy. 

Bài và ảnh: Quỳnh Nguyên

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết "Ngôi trường làng" của lòng nhân ái tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

Rộn ràng ngày hội STEM “Những nhà phát minh tương lai”

Các bạn học sinh của trường THCS Phan Tây Hồ (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) vừa tưng bừng tham gia Ngày hội giáo dục STEM “Những nhà phát minh tương lai” lần thứ 4 và Ngày hội Toán học lần thứ 1 năm học 2023 – 2024 ngay tại ngôi trường thân yêu của mình.

Học sinh Hà Nội khám phá môi trường học tập mới

Năm học 2023-2024 sắp kết thúc là thời điểm các bậc phụ huynh tìm hiểu và lựa chọn môi trường học tập mới cho con. Nắm được nhu cầu này, trường Đa Trí Tuệ (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) đã tổ chức tham quan môi trường học tập cho cha mẹ và con. Để từ đó, phụ huynh đưa ra quyết định chọn trường phù hợp.