Người dân thôn Lại Đà nhớ thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

"Tôi chứng kiến và luôn ghi nhớ về một người bạn, một tấm gương về sự liêm khiết, luôn vì cái chung, chưa từng suy nghĩ cục bộ, lợi ích riêng", ông Vương Khắc Côn kể về người bạn học Nguyễn Phú Trọng.

Trời tháng 7 sau mưa quang đãng, thôn Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) bên dòng sông Đuống bỗng trở gió. Cuối ngày, thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần được công bố khiến nhiều người đau xót.

Hơn 18h, nhiều cựu chiến binh, người dân qua lại đều hướng nhìn vào ngôi nhà có kiến trúc bằng đá ong - ngôi nhà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - với lòng thành kính.

Với họ, một trái tim lớn vừa ngừng đập.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thắp hương tại nhà thờ họ - Ảnh: NGUYỄN PHÚ VIỆT
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thắp hương tại nhà thờ họ - Ảnh: Nguyễn Phú Việt

"Một tấm gương của sự liêm khiết"

Trong ngôi nhà nằm sâu trong xóm 7, thôn Lại Đà, ông Vương Khắc Côn không rời chiếc điện thoại cũ. Người đàn ông 81 tuổi dừng bữa cơm tối, ngóng chờ tin tức về người bạn đồng môn Nguyễn Phú Trọng.

Trò chuyện với PV, ông Côn kể vẫn nhớ như in những kỷ niệm từ thuở còn đi học với Tổng Bí thư. Họ gắn bó với nhau từ những ngày học cấp 1 tại đình Mai Hiên (xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội).

Thôn Lại Đà yên bình trong nếp sống sinh hoạt thường ngày.
Thôn Lại Đà yên bình trong nếp sống sinh hoạt thường ngày.

Khi lên cấp 2, cấp 3, trường học chuyển đi xa hơn, hành trình đến trường của nhóm bạn phải qua bến đò Đông Ngàn, vắt ngang sông Đuống.

"Ngày ấy chỉ có đi bộ, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm dù trời nắng mưa, học xong thì lại về với những trò chơi con trẻ như tắm sông, chăn trâu ngoài đồng", ông Côn kể và cho biết thêm người bạn học Nguyễn Phú Trọng luôn hòa đồng, gắn bó với những người bạn đồng trang lứa.

Khi trưởng thành, ông Côn phục vụ trong quân ngũ rồi công tác trong ngành giáo dục. Những người bạn học cũ ít gặp nhau hơn, nhưng công việc trong nhà không lần nào thiếu vắng.

"Khi nhà ông Trọng có việc, chúng tôi - những người bạn cũ - sang thăm, ông tiếp đón thân tình, chu đáo. Dù ở chức vụ nào, ông chưa từng phân biệt hay nề hà bất cứ điều gì", ông Côn tiếp lời.

Ông Côn nói người dân thôn Lại Đà đặc biệt quý trọng nhân cách và đạo đức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Như ông miêu tả, đó là tấm gương của sự liêm khiết.

Ông Vương Khắc Côn - người bạn học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Vương Khắc Côn - người bạn học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Là chủ tịch Hội Người cao tuổi của thôn, năm 2003, ông Côn nhận được tin Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội về quyết định dự án tu sửa đình Lại Đà.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Phú Trọng đang là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Khi được báo cáo việc này, ông đã nói rằng đình chưa thật sự xuống cấp, các anh nên xem lại khoản chi.

"Đó là câu chuyện tôi chứng kiến và luôn ghi nhớ về một người bạn, một tấm gương về sự liêm khiết, luôn vì cái chung, chưa từng suy nghĩ cục bộ, lợi ích riêng", ông Côn nói.

Sau này, ở những chức vụ cao hơn, ông Côn kể người dân làng Lại Đà luôn ấn tượng sâu sắc về nhân cách của một vị lãnh đạo gần gũi.

"Người trong họ hàng, ông nghiêm khắc quan điểm không để xảy ra tư tưởng giúp đỡ vào vị trí này, vị trí kia. Ở đây, dân tình ai cũng biết và kính nể", ông Côn kể về người bạn cũ.

Một người hàng xóm thân tình

Lúi húi với mấy luống rau ngoài đồng, bà Ngô Thị Thảo (61 tuổi) vẫn để ý quan sát từng đoàn người vội vã ra vào cổng làng. Bà nói mới cách đây hơn một tuần Tổng bí thư còn về thăm nhà, nên nay hay tin ông từ trần, bà "đau xót và tiếc thương vô cùng".

Bà Thảo tâm sự người dân thôn Lại Đà đều yêu quý Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - một người hiền hậu, tuyệt vời. Mỗi lần ông về quê, người trong làng đều chào hỏi, kính nể.

Bà Ngô Thị Thảo rưng rưng nước mắt khi nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bà Ngô Thị Thảo rưng rưng nước mắt khi nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong ký ức bà Thảo, khi ông lên chức vụ cao, những lần về làng có ít hơn bởi khối lượng công việc lớn. Tuy nhiên lần nào về làng Tổng bí thư cũng gần gũi, ân cần hỏi thăm làng xóm, bạn bè và để lại những kỷ niệm tốt đẹp trong mắt người dân thôn Lại Đà.

"Ngày mai chúng tôi sẽ dọn dẹp đường làng xóm cho gọn gàng, sạch sẽ để khi nào tổ chức tang lễ, đưa Tổng bí thư về quê nhà cả làng ra tiễn đưa" - bà Thảo nói.

Ông Nguyễn Phú Việt (bí thư Chi bộ thôn Lại Đà, cũng là trưởng họ Nguyễn Phú của thôn) kể mới đây thôi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có chuyến về thăm quê, thăm lại ngôi nhà ở đầu làng.

"Tổng Bí thư về thăm dân làng, chúc thọ các cụ cao niên và chuyện trò với hàng xóm, láng giềng trong không khí rất thân tình", ông Việt kể lại.

Trưởng họ Nguyễn Phú nói Tổng Bí thư bận trăm công nghìn việc, nhưng vào dịp lễ Tết vẫn dành thời gian về nhà, thăm hỏi người dân.

Quãng thời gian còn lại, ngôi nhà thường xuyên vắng bóng chủ nhân nên cấp ủy, chi bộ và người dân làng Lại Đà thay nhau trông nom, quét dọn để nơi đây luôn được khang trang, sạch đẹp.

Ông Nguyễn Phú Việt, bí thư Chi bộ thôn Lại Đà, cũng là trưởng họ Nguyễn Phú.
Ông Nguyễn Phú Việt, bí thư Chi bộ thôn Lại Đà, cũng là trưởng họ Nguyễn Phú.

Lần cuối cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm quê nhà cách đây tròn 2 tuần, đó là ngày mùng 1 tháng sáu âm lịch.

"Hôm đó, Tổng Bí thư về thắp hương cho tổ tiên. Ngôi nhà mới hoàn thiện sửa sang mái ngói, sân vườn", vị trưởng họ Nguyễn Phú của thôn Lại Đà kể, rươm rướm nước mắt khi lướt sang dòng tin tức được báo chí đăng lúc 18h.

Theo Tuổi Trẻ

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Người dân thôn Lại Đà nhớ thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Nhớ mùa thu độc lập

Ngày 2/9/1945 đã trở thành cột mốc huy hoàng của dân tộc Việt Nam. Lần đầu tiên, người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào trở thành công dân của một nước tự do và độc lập.

Lời dặn dò trong Di chúc của Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng

Trong muôn vàn tình thân yêu của Bác Hồ dành cho nhân dân, có một tình yêu lớn dành cho thiếu niên, nhi đồng. Những tình cảm gần gũi thân thương, nồng ấm và những lời dạy mà sinh thời Người dành cho thiếu niên, nhi đồng đã trở thành tài sản tinh thần vô giá của toàn Đảng, toàn dân và của thế hệ trẻ nước ta.