Khởi nguồn từ tình yêu Hà Nội
Có lẽ bởi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nên nhà báo Hà Hồng (tên thật Hà Huy Hồng, từng đảm nhiệm nhiều vị trí tại Báo Nhân Dân, nay đã về hưu) có một tình yêu và mối quan tâm đặc biệt tới vùng đất Thăng Long này.
Quay ngược lại quá khứ, ông kể, Thăng Long từ xa xưa được lưu danh sử sách với địa thế “rồng cuộn hổ chầu”, Đại Việt Sử ký toàn thư có chép: “Vua từ thành Hoa Lư dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên nơi thuyền ngự. Nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long”. Càng tìm hiểu về những câu chuyện đó, nhà báo Hà Hồng lại càng đắm đuối với rồng, muốn biết rốt cuộc liệu vùng đất này có thật sự phảng phất đâu đó hình bóng của rồng? Mang theo nỗi niềm đau đáu đó cùng với trái tim nhiệt huyết, ông ôm máy ảnh rong ruổi khắp Hà Nội, gom nhặt từng khoảnh khắc.
Không gian văn hóa Hồ Gươm
Đầu những năm 2000, nhà báo Hà Hồng muốn tìm tư liệu ảnh về Hồ Gươm nên tìm đến Thông tấn xã Việt Nam. Ông rất thất vọng khi chỉ mua được vỏn vẹn hơn 20 tấm ảnh chụp các sự kiện được tổ chức quanh Bờ Hồ mà chẳng có lấy một tấm ảnh nào về người, về đời nơi đây cả. Trong lòng ông liền bật ra câu hỏi: Vậy nếu thế hệ trẻ của Hà Nội 2000 năm Thăng Long muốn biết về người Hà Nội, về Hồ Gươm của 1000 năm trước thì phải tìm xem ở đâu?
Từ đó, nhà báo quyết tâm xây dựng một bảo tàng tư nhân về Hồ Hoàn Kiếm – nơi cất giữ những câu chuyện về lịch sử, về con người, về cả từng nhành cây, ngọn cỏ… Đến nay, ông đã chụp hơn 90.000 tấm ảnh quanh hồ, có những gốc cây ông chụp đến 60 lần, từ lúc nó mơn mởn đến khi thân cây ngả rạp về một bên, rồi… chết. Tất cả đều được giữ lại trong căn phòng nhỏ mang tên Không gian văn hóa Hồ Gươm.
Nơi lưu giữ những bức hình quý giá
Nhà báo tự hào “khoe” rằng, căn phòng hơn 40m2 ở nhà đã được chất đầy bởi ảnh và những hiện vật do ông chụp, sưu tầm hoặc được tặng, tất cả đều liên quan đến rồng hoặc Hồ Gươm. Ông cam đoan bất cứ vị khách nào đến thăm chỉ cần dạo một vòng, sẽ thêm hiểu và yêu không gian này.
Không gian văn hóa Hồ Gươm cũng trưng bày sáu tấm ảnh tâm đắc nhất của nhà báo, chụp được rõ nhất hiện thân của rồng, ẩn khuất ở nhiều nơi khác nhau: trên trời, gợn sau áng mây, làn hương khói nhang, làn nước mặt hồ… Trong đó, ông mới chỉ công bố hai tấm ảnh, còn lại bốn bức ông muốn giữ cho bảo tàng và chính bản thân, hoặc một thời điểm công bố khác phù hợp hơn.
Nhà báo Hà Hồng hiện đang là admin của trang web: http://www.hohoankiem.org/ và điều hành Bảo tàng tư nhân Không gian văn hóa Hồ Gươm. Năm 2017, ông cũng cho ra mắt cuốn sách Chuyện kể bên Hồ Gươm. |
Tấm lòng người tìm rồng
Nói về những bức ảnh chụp rồng, nhà báo Hà Hồng chia sẻ: Có thể bắt được những khoảnh khắc đó, ngoài thời gian và công sức, kém đi một chữ “duyên” thôi, có lẽ cũng chẳng thể ghi lại được. Như tấm ảnh ông chụp “rồng” đang bay lên trong làn hương tại đền Kim Ngân (Hàng Bạc, Hà Nội), chậm một giây hay nhanh một giây cũng khó có thể ghi lại.
Rồi ông lại trầm tư, hay có lẽ do trong lòng cứ canh cánh truyền thuyết về mảnh đất Thăng Long, mảnh đất của rồng bay lên và luôn khắc khoải với hình tượng của loài linh vật này, nên ông mới nhìn ra chăng?
Sau cùng thì đam mê của ông cũng là để mong mọi người có thể cảm nhận nhịp sống quanh Hồ Gươm, như cảm nhận mạch nguồn của văn hóa, chảy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ông chỉ xem bản thân là một cá nhân nhỏ bé đang dùng hết năng lực để “bóc tách” lớp bụi của thời gian, để người đời sau cũng được chiêm ngưỡng, tận hưởng sự đẹp đẽ của mạch nguồn bất tận ấy.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Nhi đồng, số Tết năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!
Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Nhi đồng. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |