Gần 15 năm gắn bó với nghề, cô không chỉ là người gieo chữ mà còn là người "gieo hy vọng", là chỗ dựa tinh thần cho biết bao học sinh nghèo nơi vùng cao. Mới đây, cô vinh dự là một trong những giáo viên tiêu biểu được Tỉnh ủy Tuyên Quang tuyên dương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hành trình gieo chữ và thắp lửa yêu thương
Ngày ngày, hình ảnh cô Hoàng Thị Chí lặng lẽ vượt hơn 30km từ nhà ở xã Tân Long đến trường đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Hành trình ấy không chỉ là đoạn đường địa lý, mà còn là hành trình của sự bền bỉ, trách nhiệm và yêu thương. Trong khi chồng cô mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình còn nhiều vất vả, cô vẫn luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan và lòng nhiệt huyết với nghề.

Với cô Chí, mỗi học sinh là một tương lai cần được chắp cánh. Tại Trường THCS Xuân Vân, nơi có gần 800 học sinh, trong đó hơn một nửa là con em đồng bào dân tộc thiểu số, vai trò của người thầy càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Không chỉ truyền đạt kiến thức, cô còn là người mẹ thứ hai, đồng hành cùng học trò vượt qua khó khăn trong học tập và cuộc sống.
Em Lương Quốc Hiếu – học sinh lớp 9C, người vừa đạt giải Nhất cấp tỉnh môn Địa lí năm học 2024–2025, chia sẻ đầy xúc động: “Cô Chí không chỉ dạy kiến thức, mà còn dạy chúng em cách sống, cách vượt qua thử thách. Cô như người mẹ, người bạn luôn bên cạnh chúng em trong mọi hành trình.”
Cô Chí luôn dành thời gian lắng nghe, thấu hiểu hoàn cảnh từng học sinh. Với những em đặc biệt khó khăn, cô sẵn sàng trích lương để mua sách vở, quần áo ấm, hoặc giúp các em có thêm bữa ăn đủ đầy hơn khi đến lớp. Việc làm của cô không cầu kỳ, to tát, nhưng là ngọn lửa sưởi ấm những tâm hồn nhỏ bé trên vùng cao còn nhiều thiếu thốn.
Như trường hợp của em Lý Văn Nhật (lớp 7A, dân tộc Dao, lớp 7A – hiện sống cùng bà trong điều kiện hết sức khó khăn. Em chia sẻ: “Cô Chí và thầy cô trong trường luôn quan tâm, giúp đỡ em. Những món quà nhỏ như sách vở, quần áo là nguồn động lực rất lớn để em tiếp tục cố gắng.”
Người “truyền lửa” môn Địa lí
Không chỉ là người thầy nhân hậu, cô giáo Hoàng Thị Chí còn là một trong những giáo viên có nhiều sáng kiến và thành tích nổi bật trong công tác giảng dạy, đặc biệt là bồi dưỡng học sinh giỏi. Hơn 14 năm qua, cô đã không ngừng đổi mới phương pháp dạy học để biến những giờ Địa lí vốn bị xem là khô khan trở nên sinh động và hấp dẫn hơn với học sinh.
Cô thường xuyên sử dụng bản đồ, biểu đồ tự thiết kế, đưa hình ảnh thực tế, kể chuyện địa lí gắn với đời sống, ứng dụng công nghệ thông tin và sơ đồ tư duy trong từng bài giảng. Nhờ đó, học sinh không chỉ hiểu bài mà còn yêu thích môn học, phát triển khả năng tư duy, sáng tạo.

“Tôi luôn cố gắng biến bài giảng thành những hành trình khám phá hấp dẫn để học sinh cảm thấy môn học gần gũi và thú vị hơn. Chính sự hứng thú là chìa khóa để các em học tốt,” – cô Chí chia sẻ.
Thành quả cho những nỗ lực bền bỉ ấy là những lứa học sinh giỏi nối tiếp nhau ra đời. Từ năm học 2021–2022 đến nay, cô đã bồi dưỡng và giúp 36 lượt học sinh đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Riêng năm học 2024–2025, đội tuyển Địa lí của Trường THCS Xuân Vân do cô phụ trách đã đạt 11 giải cấp tỉnh, trong đó có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 2 giải Ba – đưa nhà trường vươn lên vị trí thứ ba toàn tỉnh trong kỳ thi học sinh giỏi.
Không chỉ là một cô giáo, Hoàng Thị Chí là biểu tượng của sự tận tâm, mẫu mực và lòng nhân ái trong nghề giáo. Từ lớp học nhỏ nơi vùng cao Yên Sơn, cô âm thầm viết nên câu chuyện đẹp về sự cống hiến không ngừng nghỉ, thắp sáng tri thức và hy vọng cho thế hệ học trò. Với cô, hạnh phúc là khi thấy học sinh trưởng thành, thành công và biết sống tử tế – đúng như điều Bác Hồ từng căn dặn: "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người".
Theo Báo Tuyên Quang