Người xây nhà bằng... chữ

Nguyễn Như Quỳnh
Lớp học tình thương của cô giáo Đỗ Thị Thoa khiêm nhường ẩn trong góc khuất ngõ nhỏ phố Lê Lai, phường Lê Lợi (Sơn Tây, Hà Nội).

"Bà tiên" của những đứa trẻ tật nguyền 

Gian nhà nhỏ rộng chừng 10m2 nằm sâu trong con ngõ nhỏ văng vẳng tiếng trẻ ê a tập đọc. Cô giáo Đỗ Thị Thoa say sưa giảng. Phía dưới, tất cả học trò đều chăm chú lắng nghe. Thấy khách, các bạn lễ phép ngẩng lên chào. Lòng chợt thắt lại trước những câu còn ngụng nghịu, chưa tròn vành rõ chữ của những “đứa trẻ” nhỏ nhất cũng đã 12 tuổi nhưng nhận thức chỉ như đứa trẻ với những nụ cười hồn nhiên, ngây ngô.

Lớp học hôm chúng tôi đến có phần đặc biệt, bởi sau buổi học cô giáo Thoa và các bạn tình nguyện viên trẻ của "Câu lạc bộ những người yêu Sơn Tây" sẽ tổ chức buổi sinh hoạt tự làm bánh cho các em. Đây là một trong những hoạt động ngoại khóa thường xuyên của lớp phối hợp với các tổ chức xã hội của địa phương.

Cô giáo Đỗ Thị Thoa cùng các học trò tham gia buổi sinh hoạt ngoại khóa.

Sau phút làm quen, chốc lát câu chuyện giữa chúng tôi, các bạn trẻ với cô giáo đã trở nên thân thiện. Nhìn những cô, cậu bạn ngoan ngoãn, vui vẻ nhào bột, nặn bánh, cô Thoa hồ hởi nói với chúng tôi: “Lúc mới nhập học, các em rất mặc cảm. Nhưng được đi học, được tiếp xúc với các bạn tình nguyện viên như thế khiến các em thoát ra khỏi tâm trạng mặc cảm và trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ. Nếu không vì lý do sức khỏe thì rất hiếm khi các em nghỉ học” .

Cô giáo thủ thỉ: “Tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt khát thèm sự học của các cháu khi nhìn những bạn bè đồng trang lứa được cắp sách đến trường. Nguyện vọng duy nhất của tôi là đem lại chút niềm tin, sự hy vọng cho các cháu, giúp các cháu hòa nhập với cuộc sống”. 

Vậy là với chiếc xe đạp cũ kĩ từ những năm 70 cô Thoa âm thầm đến từng hộ gia đình có bạn khuyết tật, tìm hiểu về từng bạn, vận động phụ huynh cho con em họ đi học, rồi vận động tài trợ, tổ chức lớp. Ngày 29/4/1994, ánh sáng của lớp học tình thương được thắp lên.

Ánh mắt nhìn xa xăm, cô nhớ lại những ngày đầu tiên ấy, có trò dạy 3 tháng mới nhớ hết mặt chữ. Rồi những đêm cô trằn trọc không ngủ vì thương những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Phải kể đến khoảng thời gian 4 tháng bị tai nạn nằm liệt giường, ngày nào cô cũng gạt nước mắt vì lo học hành của các em bị dang dở, công sức cố gắng dạy dỗ theo đó mà đổ sông đổ biển hết.

Những tưởng khó khăn có thể khiến mọi người bỏ cuộc nhưng lòng yêu thương của cô đối với những mảnh đời cơ cực lớn dần và trở thành vô hạn.

Lớp học vẫn được duy trì hơn 20 năm qua với từng lứa học trò. 

Thế gian đọng lại một chữ tình

Cô Thoa chia thành 4 nhóm theo trình độ nhận thức của mỗi người. Sau một thời gian được cô giáo kèm cặp, dạy dỗ, các bạn ý đều tiến bộ về mọi mặt. Những bạn khiếm thính đã nói được những câu ngắn, biết chào hỏi, nhiều bạn nhỏ chịu ảnh hưởng của chất độc da cam nay biết đọc, biết viết, biết ca hát, cư xử lễ phép. Mỗi năm học, lớp tổ chức khai giảng, bế giảng, các ngày lễ liên hoan kỷ niệm như Trung thu, Tết, Ngày Người khuyết tật 18-4...

"Lần đầu tiên, sau khoảng 3 tháng dạy có em đã thưa cô được tròn vành rõ chữ. Hạnh phúc quá, vui mừng quá thế là hai cô trò ôm nhau khóc. Tất nhiên không thể kì vọng quá nhiều điều, bởi sẽ quá sức với các em”, cô bùi ngùi nhớ lại.

“Tôi luôn vui vì các em đều rất ngoan ngoãn, cố gắng. Có em học sinh khiếm thính của lớp đã được chuyển sang Trường tiểu học Phú Thịnh, học hòa nhập với trẻ bình thường. Nhiều em trưởng thành đã đi làm tại xưởng sản xuất, khu công nghiệp, tự nuôi được bản thân và giúp đỡ được gia đình”, cô Thoa nói.

Nhìn vào ánh mắt rơm rớm, ngân ngấn lệ đủ thấu hiểu rằng, với cô đó là niềm động viên, an ủi lớn nhất cho những tháng ngày vất vả đã qua.

Các bạn của lớp học đặc biệt này không chỉ thiệt thòi về mặt cơ thể, khả năng nhận thức, mà hoàn cảnh gia đình cũng rất đáng thương. Khi biết cô Thoa mở lớp nhận dạy học miễn phí, gia đình và các bạn rất mừng. Mỗi bạn mỗi hoàn cảnh, hầu hết đều xuất thân từ những gia đình nghèo. Có cậu bạn nhà cách lớp hơn mười cây số vẫn đều đặn hằng ngày đạp xe đến lớp. Bạn khác thì mẹ mất, sống với với bà ngoại. Ngày ngày, bà phải đi bán từng cây mía để nuôi cả nhà... 

Đại diện Hội Phụ huynh của lớp chia sẻ: "Cô không chỉ dạy chữ, rèn người, mà truyền cả yêu thương cho những số phận kém may mắn, bất hạnh”. Còn trong lòng mỗi học trò nhỏ, cô giáo Thoa chính là bà Tiên, là người “nâng cánh ước mơ” cho chúng, như lời câu hát của bé Hoàng Thanh Nga đã hát tặng cô nhân ngày hiến chương các nhà giáo.

Chia tay chúng tôi, cô Đỗ Thị Thoa bảo: “Gia tài của tôi không có gì ngoài những con chữ. Tôi tặng chúng - những học trò khuyết tật - gia tài của mình. Bây giờ tôi đã yếu đi nhiều rồi, chừng nào còn có thể tôi còn cố gắng đứng lớp, dạy học và chăm sóc cho các em. Ước nguyện lớn nhất của tôi lúc này là có thể tìm được người sẽ tiếp tục duy trì lớp học".  

Để giúp đỡ các em nhỏ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, cô giáo Thoa vẫn ngày ngày thầm lặng đến với lớp học tình thương.

Cuộc đời của nhà giáo ấy, đúng như 2 câu thơ cô trân trọng ghi vào bìa cuốn giáo án: “Vạn sự nhân gian như bèo bọt/ Thế gian đọng lại một chữ “tình”.

Bài và ảnh: Quỳnh Nguyên

 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Người xây nhà bằng... chữ tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

Hành trình kết nối nụ cười

Một buổi sáng đầy ắp tiếng cười và kiến thức bổ ích vừa diễn ra tại trường THCS Trần Quốc Tuấn (quận 7, TP. Hồ Chí Minh) khi chương trình giao lưu “Hành trình kết nối nụ cười” ghé thăm học sinh nơi đây.

"Chiến binh nhí" bảo vệ môi trường

Trước kỳ nghỉ hè, sân trường THCS Lê Quý Đôn (TP. Thủ Đức) và trường Tiểu học Chi Lăng (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) bỗng rộn ràng hơn bao giờ hết khi xuất hiện một nhân vật đặc biệt - chim cánh cụt khổng lồ siêu dễ thương.

Niềm vui ở trường Chi Lăng

Tuần qua, trường THCS Chi Lăng (quận 4, TP. Hồ Chí Minh) đã trở thành điểm đến sôi động của chương trình “Hành trình trở thành công dân toàn cầu” – hoạt động ý nghĩa do Báo TNTP&NĐ và Doanh nghiệp xã hội Cùng Con Đi Khắp Thế Gian tổ chức.