Nguồn vốn giúp xóa đói giảm nghèo cho huyện miền núi

PV (tổng hợp)
Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã trở thành “đòn bẩy” quan trọng giúp người dân huyện miền núi Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.

Đây không chỉ là nguồn lực thiết thực về kinh tế mà còn góp phần giữ gìn ổn định vùng biên, xây dựng nông thôn mới.

Nguồn lực tiếp sức người dân vượt qua nghèo khó

Tây Giang là huyện vùng cao biên giới, nơi phần lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu. Đời sống còn nhiều khó khăn, song nhờ chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước, hàng nghìn hộ gia đình đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, từng bước thoát nghèo.

Người dân huyện Tây Giang nhận nguồn vốn giải ngân tại Điểm giao dịch xã
Người dân huyện Tây Giang nhận nguồn vốn giải ngân tại Điểm giao dịch xã

Ông Riáh Trơn, một hộ dân Cơ Tu ở thôn Agrồng, xã Atiêng, là minh chứng rõ nét cho hiệu quả từ tín dụng chính sách. Với khoản vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Tây Giang, ông cùng vợ đã cải tạo khu vườn đồi, trồng 8 ha keo và quế, chăn nuôi bò, heo, cá theo mô hình kinh tế VAC. Sau 7 năm cần cù lao động, hiện gia đình ông có thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm, cuộc sống ổn định và có điều kiện nuôi 5 người con ăn học.

Nhờ đồng vốn của NHCSXH, gia đình tôi mới có ngày hôm nay. Đồng bào chúng tôi còn nghèo, rất mong Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, đặc biệt là mở rộng các chương trình vốn ưu đãi để người dân vùng cao có cơ hội phát triển”, ông Trơn chia sẻ.

Đồng hành xoá nhà tạm, nâng cao chất lượng sống

Không chỉ tạo sinh kế, NHCSXH Tây Giang còn tích cực triển khai các chương trình an sinh xã hội gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững. Năm 2025, đơn vị đã và đang thực hiện hiệu quả Quyết định 873 của UBND tỉnh Quảng Nam về hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân.

Cụ thể, toàn huyện đã hoàn thành giải ngân 5,1 tỷ đồng trong tổng số 5,2 tỷ đồng được giao đợt 1 năm 2025, hỗ trợ 131 hộ xây mới và sửa chữa nhà ở. Đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và người có công. Mỗi hộ được vay tối đa 40 triệu đồng (xây mới) hoặc 20 triệu đồng (sửa chữa), lãi suất ưu đãi 3%/năm, thời hạn vay không quá 15 năm.

Theo đại diện NHCSXH Tây Giang, chương trình không chỉ góp phần cải thiện điều kiện sống mà còn mang lại sự an tâm, động lực để người dân ổn định cuộc sống, tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế. Việc triển khai đồng bộ chính sách hỗ trợ về nhà ở, kết hợp với tín dụng sản xuất đã góp phần tạo sự thay đổi tích cực tại nhiều bản làng vùng cao.

Có vốn ưu đãi tiếp sức, ông Riáh Trơn (ngoài cùng bên trái) ở thôn Agrồng, xã Atiêng đã xây dựng được trang trại kinh tế tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao
Có vốn ưu đãi tiếp sức, ông Riáh Trơn (ngoài cùng bên trái) ở thôn Agrồng, xã Atiêng đã xây dựng được trang trại kinh tế tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao

Tính đến ngày 31/5/2025, tổng dư nợ tại NHCSXH huyện Tây Giang đạt hơn 304,7 tỷ đồng, tăng gần 24 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn đã giúp 77 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho 992 lao động, hỗ trợ 6 học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập và xây dựng 252 căn nhà cho hộ nghèo.

Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ tài chính, NHCSXH huyện còn phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể để hướng dẫn người dân sử dụng vốn đúng mục đích, đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.

Lan toả mô hình giảm nghèo bền vững

Tín dụng chính sách tại Tây Giang đang thực sự “đánh thức” tiềm năng phát triển kinh tế tại các vùng biên khó khăn. Những mô hình sản xuất hiệu quả như của ông Riáh Trơn ngày càng xuất hiện nhiều hơn, góp phần lan tỏa ý chí vươn lên và tinh thần chủ động trong cộng đồng đồng bào dân tộc.

Đây là minh chứng rõ nét cho chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi, đảm bảo tính nhân văn và phù hợp với thực tiễn địa phương. Trong bối cảnh huyện Tây Giang đang từng bước đổi thay, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới toàn diện, tín dụng chính là điểm tựa quan trọng để người dân yên tâm phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa vùng cao, góp phần giữ vững thế trận lòng dân nơi biên giới Tổ quốc.

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Nguồn vốn giúp xóa đói giảm nghèo cho huyện miền núi tại chuyên mục Phóng Viên Nhỏ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Phóng Viên Nhỏ khác

Tìm hiểu lịch sử qua văn học

Tại workshop “Học Văn qua câu chuyện lịch sử”, cuốn sách Đảo Chìm của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã trở thành cầu nối đặc biệt giúp học sinh cảm nhận sâu sắc về lịch sử qua văn học.