Nguy hiểm từ việc tự tiêm và truyền dịch cho con của cha mẹ

Nguyễn Nhật Linh
Vì không đưa con đến các bệnh viện để tiêm mà chỉ tiêm ở nhà nên nhiều bậc phụ huynh có thể khiến trẻ bị phản ứng hay sốc phản vệ.

Nhiều bậc phụ huynh vì ngại đưa con đến Trung tâm y tế để tiêm nên đã sử dụng dịch vụ tiêm một số loại thuốc chữa các bệnh đơn giản ở nhà. Nhưng các bậc phụ huynh không hề biết rằng cách làm này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với tính mạng của trẻ.

Tiêm tại nhà... nguy hại khôn lường

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai, việc bố mẹ tự ý tiêm tại nhà cho con là vô cùng nguy hiểm.

Khi trẻ bị bất kỳ căn bệnh nào, việc đầu tiên cần làm là đưa con đến trung tâm y tế hay các phòng khám uy tín để khám. Tuy nhiên thời nay có nhiều ông bố bà mẹ vì muốn nhanh, tiết kiệm tiền nên đã ra hiệu thuốc hỏi ý kiến dược sĩ rồi mua thuốc, thuê y tá về nhà tiêm cho con mình.

Theo quy định của nhà nước, dược sĩ chỉ được bán thuốc theo đơn mà bác sĩ đã kê chứ không được quyền tự ý tư vấn cho người mua các loại thuốc chữa bệnh, đặc biệt là thuốc tiêm thì lại càng phải lưu ý hơn.

Đối với các thuốc hấp thụ tự nhiên như: thuốc bôi ngoài da và một số thuốc uống đơn giản như hạ sốt…có thể theo sự tư vấn của dược sĩ. Còn với thuốc để tiêm, bắt buộc phải có sự thăm khám và kê đơn của bác sĩ.

Bố mẹ nên đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám đúng cách.

Theo Tiến sĩ Dũng, khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai đã rất nhiều lần tiếp nhận các trường hợp trẻ bị sốc do bố mẹ tự ý tiêm cho con tại nhà. Khi được đưa đến bệnh viện, nhiều bé đã trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, chậm một chút bé có thể tử vong.

Lý giải về sự nguy hiểm khi tiêm cho trẻ tại nhà, Tiến sĩ Dũng nói: “Đối với từng loại bệnh, tình trạng bệnh của mỗi bé mà bác sĩ sẽ có những loại thuốc riêng phù hợp để chữa bệnh. Có thể trẻ mắc cùng một bệnh nhưng cân nặng khác nhau và thể trạng khác nhau mà liều lượng thuốc tiêm sẽ khác nhau, có bé tiêm nhiều không chịu được mà bị sốc, có bé tiêm ít quá lại không khỏi bệnh dẫn đến nhờn thuốc…nên nếu bác sĩ không chẩn đoán và kê đơn thì bé khó khỏi bệnh".

Ngoài ra, Tiến sĩ Dũng nhấn mạnh, đã có nhiều bé tiêm ở phòng khám tư nên dẫn đến bị sốc. Tuy nhiên, phòng khám không có đủ điều kiện và phương tiện để cấp cứu ngay lúc đó có thể khiến trẻ tử vong. “Tại phòng khám có bác sĩ mà còn nguy hiểm chứ chưa nói tiêm tại nhà. Bố mẹ hay y tá không có phương tiện để xử trí”, Tiến sĩ Dũng nói.

Tiến sĩ Dũng nói thêm, tại các bệnh viện, trẻ cũng có thể bị sốc sau khi tiêm. Tuy nhiên, ở bệnh viện, trình độ chuyên môn của bác sĩ cao hơn, quan trọng hơn là đầy đủ các phương tiện để cấp cứu cho trẻ nên có xảy ra vấn đề gì cũng kịp thời cấp cứu.

Truyền dịch cũng nguy hiểm không kém

Đối với bệnh tiêu chảy, theo Tiến sĩ Dũng cho hay, nhiều bố mẹ thường tự ý mua thuốc về truyền cho con nhưng người lớn lại không hề ý thức được truyền thẳng vào máu rất nguy hiểm, thuốc chữa tiêu chảy cho trẻ cũng cần liều lượng, thời gian truyền thuốc…

Đặc biệt thời gian gần đây, nhiều người tự ý tiêm vắc-xin cho con tại nhà và rất nhiều trường hợp trẻ bị sốc nên Bộ y tế đã cấm việc tiêm vắc – xin cho trẻ tại nhà.

Tiến sĩ Dũng lý giải vắc - xin là chế phẩm đặc biệt, cần được bảo quản nghiêm ngặt trong suốt quá trình vận chuyển từ kho của nhà sản xuất đến các khâu sau đó như cấp phát, tiêm chủng, với nhiệt độ từ -20 độ C đến 2-8 độ C. Khi bị hỏng, vắc-xin không những không còn tác dụng phòng bệnh, mà còn có thể làm trẻ bị sốc, nhiễm độc hoặc gặp biến chứng nguy hiểm. Khi người lớn tự ý mua vắc- xin về nhà tiêm cho con không tuân thủ đúng các quy trình trên khiến cho vắc-xin có thể bị hỏng gây hại cho trẻ.

Mặt khác, vắc-xin phải được kiểm định chất lượng trước khi sử dụng, các cơ sở y tế phải được cấp phép tiêm chủng. Trong khi đó, người đến tiêm tại nhà thông thường sẽ không có đủ dụng cụ bảo quản cũng như không thể đảm bảo vắc-xin ấy nguồn gốc từ đâu, có đủ chất lượng không, hạn sử dụng thế nào.

Vì vậy, mọi vắc-xin chỉ được phép tiêm chủng tại các cơ sở được thẩm định đủ điều kiện, có nhân lực, để kịp thời xử lý, cấp cứu các phản ứng, sốc sau tiêm có thể xảy ra…

Thêm một bệnh khác mà khi trẻ mắc phải bố mẹ cũng tự ý mua thuốc về tiêm cho con đó là viêm phổi. Khi các bác sĩ thăm khám, nếu bé bị viêm phổi nhẹ sẽ cho uống thuốc, nặng mới chỉ định tiêm.

Tiến sĩ Dũng cũng nói thêm, khi tiêm cho trẻ tại nhà, quy trình tiêm không đảm bảo. Những người tiêm cho trẻ phải có trình độ nhất định, được đào tạo bài bản và thực hiện đúng các quy trình cần thiết khi tiêm cho bé như: hỏi han tình hình sức khỏe của trẻ trước khi tiêm, tư vấn cho trẻ và phụ huynh, hay khi bị phản ứng thì cần phải xử lý ra sao. Trong khi đó người đến tiêm tại nhà chưa chắc đã có trình độ, và thực hiện đúng quy trình đã đặt ra.

Vì vậy Tiến sĩ Dũng khuyến các các bậc phụ huynh nên đưa con đến bệnh viện để được thăm khám và chữa bệnh, nghiêm cấm tuyệt đối không được tiêm cho con mình tại nhà.

Theo emdep

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Nguy hiểm từ việc tự tiêm và truyền dịch cho con của cha mẹ tại chuyên mục Thuốc - Bác Sỹ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Thuốc - Bác Sỹ khác