Công trình được dẫn đầu bởi nhà nghiên cứu Alexander Obeng từ Trường Y tế công cộng thuộc Đại học Texas A&M (Mỹ), chỉ ra hút thuốc thụ động là một nguyên nhân gây phơi nhiễm chì phổ biến nhưng hay bị bỏ qua.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng bộ dữ liệu khổng lồ từ Khảo sát Kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia (NHANES) của Mỹ trong 2 giai đoạn 2015-2016 và 2017-2018, lựa chọn ra 2.815 người trong độ tuổi 6-19 được thu thập chi tiết mức độ chỉ và nồng độ một chất chuyển hóa nicotine gọi là cotinine trong cơ thể.
Phơi nhiễm khói thuốc sẽ khiến trẻ em dễ bị phơi nhiễm chì ở mức cao - Ảnh minh họa từ Internet
Nồng độ cotinine có thể xem như một chỉ số tin cậy chỉ ra mức độ tiếp xúc với khói thuốc lá.
Theo Medical Xpress, nhóm trẻ em, thiếu niên và thanh niên nói trên được chia làm 3 nhóm: 6-10 tuổi, 11-15 tuổi, 16-19 tuổi; rồi lại chia thành các nhóm theo mức độ phơi nhiễm cotinine thấp, trung bình và nặng.
Phân tích đã khẳng định nồng độ chỉ trong máu tương quan với nồng độ cotinine.
Các trẻ tiếp xúc khói thuốc thụ động trung bình - tức mức cotinine trung bình - có nồng độ chì trong cơ thể cao hơn tới 18% so với nhóm ít tiếp xúc. Ở nhóm nặng, nồng độ chì cao hơn tận 29%.
Xét theo độ tuổi, nhóm trẻ 6-10 tuổi bị phơi nhiễm chì cao nhất, có thể do sự khác biệt về hành vi và môi trường của trẻ. Ví dụ trẻ nhóm có thể cho tay và các đồ vật khác vào miệng thường xuyên hơn, mà một số nghiên cứu trước đó cho thấy việc tiếp xúc với các đồ vật "ám khói" cũng là hút thuốc thụ động.
Hầu như mỗi người đều phải tiếp xúc chì trong hoạt động sống nên giải pháp là càng hạn chế nhiều nguồn càng tốt, ví dụ không sơn bên trong nhà bằng sơn giàu chì, loại bỏ xăng pha chì ra khỏi hệ thống nhiên liệu... Nghiên cứu mới chỉ ra việc hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng là một phương án cần thiết.
(theo nld.com.vn)