Nhện "nhà" cắn, nguy hiểm khôn lường!

Nguyễn Như Quỳnh
Giống như nhiều loại côn trùng khác như bọ cạp, ong... nhện không “hiền lành” như nhiều người lầm tưởng. Một số loài nhện có chứa chất độc gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí có thể gây chết người nếu chẳng may bị chúng cắn phải.

Cô bạn Abbie Kinnaird 8 tuổi, ở Colchester, Essex, Anh đã bị hoại tử tay do bị nhện cắn khiến nhiều người phải sợ hãi về sự nguy hiểm của loài côn trùng này.

Điều đáng nói, con nhện từ trần nhà tắm sà xuống cắn chỉ để lại trên mu bàn tay một lỗ nhỏ. Không lâu sau, vết thương tưởng chừng như vô hại đó bị hoại tử nhanh chóng.

Cô Haley Kinnaird- mẹ của Abbie Kinnaird cho biết, ban đầu trên tay Abbie chỉ có một đốm đỏ, không lâu sau vết thương sưng tấy và chuyển sang màu đen gây đau đớn. Mặc dù được uống thuốc kháng sinh liên tục, nhưng một tuần sau đó vết thương không được cải thiện nên cô bạn được chuyển đến bệnh viện điều trị. Vết thương bị hoại tử nên các bác sĩ phải loại bỏ khu vực bị tổn thương và phải tiến hành ghép da.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên khi một bạn nhỏ bị nhện cắn với mức độ tương đối nguy hiểm.

Hồi tháng 11/2014, cậu bạn Branson Riley Carlisle 5 tuổi ở Albertsville, Alabama, Mỹ cũng đã tử vong do bị nhện cắn trong lúc mặc một bộ đồ ngủ mới trước sự bàng hoàng của rất nhiều người. Cụ thể, cậu bạn đã diện bộ quần áo mới trước giờ đi ngủ và con nhện độc ẩn náu trong bộ quần áo này đã cắn vào vai của cậu ý.

Trước đó 1 tháng, cậu bạn 10 tuổi Keith Pierce ở Three Forks, Montana, Mỹ cũng bị nhện Nâu tấn công khi đang chơi bóng bầu dục cùng bạn bè. Thật không may, vết thương bị nhiễm trùng nặng và cướp đi sinh mạng của một cầu thủ nhí xuất sắc.

Trước tình hình đó, các bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa bị nhện cắn pama luôn chú ý:

- Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên sạch sẽ, khô thoáng, không để mạng nhện chăng trong nhà.

- Đồ chơi cũng phải được lau rửa và diệt khuẩn thường xuyên, không nên để các bạn ý chơi xong rồi chất đống lâu ngày, dễ trở thành môi trường cho các loài côn trùng nguy hiểm ẩn náu.

- Tủ quần áo phải được dọn dẹp, lau chùi thường xuyên, thỉnh thoảng nên được sấy khô ráo hoặc mang ra phơi dưới ánh nắng (nếu có thể) để tránh trở thành "ổ chứa" các loài côn trùng nguy hại.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho biết, nhện "nhà" ở Việt Nam thường không nguy hiểm như nhện ở những nơi khác nên pama không nên quá lo lắng. Mặc dù vậy, các gia đình cũng lưu ý nên phun thuốc diệt côn trùng định kỳ trong nhà để đảm bảo không có côn trùng ẩn náu ở những góc khuất khó kiểm soát.

Nếu không may bị nhện cắn hãy xử lý vết thương theo chỉ dẫn dưới đây:

Bước 1: Xác định vết thương do nhện

Trước hết, hãy kiểm tra vết cắn xem có phải do nhện hay côn trùng khác cắn. Nếu nghi ngờ là do loại nhện nguy hiểm cắn, hãy thực hiện sơ cứu đúng cách. 

Bước 2: Dùng nước xà phòng lạnh để rửa sạch vùng da bị nhện cắn

Bước này sẽ giúp làm sạch vết thương và ngừa nhiễm trùng.

Bước 3: Dùng túi đá lạnh chườm lên vết cắn

Chườm khoảng 20 đến 30 phút để giảm cơn đau và giảm sưng.

Bước 4: Nhấc tay, chân bị nhện cắn lên cao

Bước này giúp vết thương không lan rộng.

Bước 5: Dùng thuốc giảm đau tạm thời

Bước này để giảm các triệu chứng nhẹ của cơn đau. Với các bạn ở độ tuổi thiếu niên vừa hồi phục sau khi bị thủy đậu hoặc có các triệu chứng như bệnh cảm thì không nên uống Aspirin.

Bước 6: Theo dõi vết cắn trong 24 tiếng để đảm bảo các triệu chứng không nặng thêm

Qua vài ngày, vết sưng phải giảm và chỗ bị cắn phải bớt đau. Nếu các triệu chứng không giảm bớt, hãy gọi cho trung tâm trúng độc hoặc đến gặp bác sĩ.

Bước 7: Khám bác sĩ kịp thời

Hãy gọi ngay cho dịch vụ y tế khẩn cấp nếu người bị nhện cắn có các triệu chứng sau: Khó thở, buồn nôn, co thắt cơ bắp, các tổn thương trên da, khó nuốt do bị thắt chặt cuống họng, đổ mồ hôi nhiều, muốn xỉu.

QQsan(dịch và tổng hợp)

Nguồn: WikiHow

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Nhện "nhà" cắn, nguy hiểm khôn lường! tại chuyên mục Thuốc - Bác Sỹ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Thuốc - Bác Sỹ khác