Đại dương là nên kinh tế lớn thứ 8 trên thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Đức, Ấn Độ, Anh và Pháp. Ước tính, giá trị kinh tế thu được từ hàng hóa và dịch vụ mà đại dương cung cấp cho chúng ta là 2.5 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Nhờ có biển cả bao la, con người có được nguồn hải sản khổng lồ. Ngoài ra, đại dương còn chứa nhiên liệu để duy trì hoạt động của các ngành công nghiệp như hóa dầu, khí đốt, điện thủy triều,...
Đại dương hấp thụ 30% lượng khí thải CO2 do con người tạo ra. Cơ chế hấp thụ CO2 của đại dương chính là nhờ vào khả năng quang hợp của các vi sinh vật và thực vật phù du sống trong nước biển. Điều lí thú ở đây là sau khi vi sinh vật chết đi, chúng sẽ di chuyển sâu xuống đáy đại dương và mang theo lượng carbon lớn.
Không những thế, một số loài sinh vật khác sống ở đại dương, như tảo biển cũng có khả năng hấp thụ CO2, người ta ước tính một con cá voi có thể hấp thụ 33 tấn carbon trong vòng đời, tương đương với 1.000 cây xanh.
Trên thế giới có khoảng 500 triệu người sống phụ thuộc vào tài nguyên ven biển. Với lượng tài nguyên khổng lồ của đại dương, hàng triệu người có thể duy trì cuộc sống bằng các hoạt động từ đánh bắt cá, làm muối, khai thác nhiên liệu đến du lịch và bảo vệ bờ biển.
90% thủy sản trên toàn cầu được thu từ nghề cá quy mô nhỏ. Mặc dù công nghệ hiện đại đã tạo điều kiện cho các quốc gia phát triển việc khai thác thủy sản ở quy mô lớn nhưng sản lượng hiện nay chủ yếu là do tàu đánh bắt tư nhân của ngư dân.
Vậy mới thấy, nguồn lợi mà đại dương mang tới cho con người chúng ta lớn và quý giá đến nhường nào.Từ đa dạng sinh học, nguồn lợi hải sản, nhiên liệu cho tới giá trị tinh thần đều là vô giá. Mỗi người cần có ý thức bảo vệ biển, bảo vệ đại dương, kết hợp giữa khai thác và phát triển kinh tế đại dương bền vững.