Cũng là những chất liệu từ đời sống xã hội đưa vào đề nhưng phải nói vài năm gần đây, nhiều tỉnh thành đã ghi những dấu ấn đặc biệt trên hành trình đổi mới dạy học và đánh giá môn Văn
Không đứng ngoài các vấn đề hơi thở, thời sự của cuộc sống, đặc biệt là liên quan đến giới trẻ như tình yêu thương, về sai lầm của tuổi trẻ, về môi trường.., người ra đề chọn được dữ liệu giá trị, mang tính thời sự nhưng vẫn đảm bảo yếu tố văn học. Ngoài ra, cách thể hiện đề cũng đầy sáng tạo, tư duy.

Bùng nổ những đề thi “người lớn cũng muốn viết”
Quảng Ngãi là địa phương có đề thi Ngữ văn tuyển sinh lớp 10 gây tiếng vang. Đề thi được đánh giá là hay khi câu nghị luận xã hội là trình bày suy nghĩ “về vẻ đẹp của lối sống không có sự đố kị”.
Một địa phương khác cũng có đề thi Ngữ văn vào lớp 10 được đánh giá cao là Ninh Bình.
Trong đề thi Ngữ văn trích dẫn bài viết "Khơi gợi điều trẻ muốn hướng tới", nói tới thực trạng nhiều bậc cha mẹ đang ép các con thích những điều mà họ muốn. Đặc biệt, với yêu cầu “Anh/chị có đồng tình với việc cha mẹ ép con thích những điều cha mẹ muốn không? Vì sao?” gợi được hứng thú cho học sinh bởi chính các bạn là người hiểu rõ nhất.
Đề thi năm nay của Ninh Bình đã có sự khác biệt khá nhiều so với đề thi của tỉnh này năm 2020. Năm trước, đề thi hỏi về đại dịch Covid-19 và vai trò, giá trị của gia đình.
Cả hai đề Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 công lập và lớp 10 chuyên của Sở GD-ĐT Đồng Nai đều được đánh giá cao. Đặc biệt là câu 1 ở đề thi chuyên, khi đưa vào một thực trạng đầy áp lực của giới trẻ trước sự kỳ vọng của cha mẹ.

Đề thi này thậm chí nhận được sự hưởng ứng của cả... người lớn. "Cho mình thi lại đề này đi", "Lâu rồi mới thấy một đề văn mà mình muốn được thi lại thế này", "Làm bài thi này, học sinh sẽ nghĩ mình đang viết những lời bộc bạch, giãi bày mà có khi các em chưa từng nói với ai"... là một số bình luận về đề thi của Đồng Nai...
Còn ở Hà Nội, đề thi Ngữ văn tuyển sinh lớp 10 của Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành gây hiệu ứng tốt ngay sau buổi thi ngày 19/6.
Đề thi Ngữ văn của Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành được nhiều giáo viên nhìn nhận rằng nội dung câu hỏi đặt ra thú vị, có ý nghĩa, khơi dậy cảm hứng khiến học sinh “muốn làm bài” chứ không là “phải làm bài”.

Bên cạnh đó, “Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép” – câu hát đình đám của bài hát "Vì tôi còn sống" mà giới trẻ rất yêu thích đã xuất hiện trong buổi thi ngày 20/6 của Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội.

Qua quan sát một loạt đề thi môn Ngữ văn trong thời gian gần đây, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng đã có những thay đổi mạnh mẽ trong cách ra đề ở một số địa phương, nhất là với những đề văn thi vào trường, lớp chuyên.
"Nếu những câu hỏi này được đưa ra vào khoảng 20 năm trước, chắc tôi đã nghĩ rằng làm sao trẻ trả lời được? Nhưng thời gian sau này, tiếp xúc trực tiếp với giới trẻ hay gián tiếp qua mạng xã hội, quan sát con cháu ở bên cạnh mình, tôi nhận ra rằng ở chúng có những điều ngoài trí tưởng tượng của chúng ta.
Chúng cũng thường xuyên quan sát, lắng nghe người lớn chúng ta trò chuyện, hành động đấy. Và ở trong đầu chúng là một thế giới có thể hoàn toàn khác những gì chúng vẫn thể hiện ra bên ngoài. Ngôn ngữ của chúng khiến tôi cũng có lúc bất ngờ vô cùng. Xã hội, công nghệ phát triển khiến trí tuệ của con người nói chung và của giới trẻ nói riêng cũng phát triển gấp bội.
Và việc trả lời những câu hỏi mở như trong các đề Ngữ văn gần đây không còn là việc khó khăn nữa với ngay cả một bạn trẻ 15 tuổi" - nhà văn bày tỏ quan điểm.
Có thể nói qua những đề Ngữ Văn hay học sinh sẽ thấy được sự kết nối giữa văn chương và cuộc sống. Văn chương không chỉ nằm trên trang giấy mà là những cái nhìn đa chiều, là những cái nhìn tích cực, niềm tin vào cuộc sống.