Hưởng ứng Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên đoàn người điếc thế giới, Chi hội Người Điếc Hà Nội cũng đã tổ chức hàng loạt các hoạt động trực tuyến nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về văn hóa người điếc, những vấn đề mà người điếc đang gặp phải, những nỗ lực đóng góp của người điếc với xã hội và tầm quan trọng của ngôn ngữ ký hiệu trong việc giúp người điếc hòa nhập đầy đủ và đóng góp tích cực cho xã hội.

Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm, buổi livestream vào tối ngày 19/9/2021 chia sẻ thông tin về quá trình hình thành và phát triển của chi hội Người Điếc Hà Nội, lịch sử ra đời của Liên Đoàn Người Điếc Thế Giới và Tuần lễ Người điếc Thế giới đã thu hút sự tham gia của hơn 1.400 người. Cùng với đó là 3 buổi giao lưu văn hóa qua Zoom (ngày 21, 24 và 26/9) với ba khách mời từ các Hội người điếc đến từ Vương quốc Đan Mạch, Cộng hòa Séc và Nhật bản với sự tham gia của hơn 90 đại biểu.

"Chi hội Người Điếc Hà Nội đã và đang rất nỗ lực thực hiện sứ mệnh của mình là truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về văn hóa và sự đóng góp xã hội của người điếc, quyền được tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách hiệu quả thông qua phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cũng như tích cực vận động để phát triển mạng lưới phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, đồng thời mở rộng và phát triển các mối quan hệ quốc tế nhằm có được sự hỗ trợ lâu dài và hiệu quả với cộng đồng người điếc trong nước" - Chủ tịch Chi hội Người Điếc Hà Nội - Đỗ Hoàng Thái Anh chia sẻ.

Người Điếc có thể không nghe được nhưng Người Điếc vẫn có thể cất lên tiếng nói, nguyện vọng theo cách của mình. Người Điếc có thể hoà nhập tốt và phát huy khả năng đóng góp tích cực cho xã hội nếu được hỗ trợ để học và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu một cách hiệu quả. – Đó là thông điệp, là mục tiêu mà Hội Người Điếc hướng tới.