Cây có thể nhảy múa? Nghe cứ như trong phim hoạt hình hay khoa học viễn tưởng ấy nhỉ nhưng tại Indonesia lại có loại cây như thế đấy.
Toạ lạc tại một hòn đảo xa xôi ở Indonesia, Sumba được mệnh danh là “thiên đường nhiệt đới” với làn nước êm đềm, bãi biển Walakiri đầy cát trắng, cùng nhiều điều tuyệt vời.
Nhưng đó không phải là lý do chính đảo Sumba nổi tiếng đến vậy. Du khách tới Sumba truyền tai nhau rằng, đã tới đây nhất định phải thăm rừng “cây nhảy múa”.
Đây là khu rừng ngập mặn có hình dáng độc đáo trải dọc bãi biển Walakiri. Theo người dân bản địa, sở dĩ gọi là “cây nhảy múa” vì chúng dường như lắc lư theo ánh mặt trời, khi hoàng hôn buông xuống.
Mỗi ngày vào khoảnh khắc mặt trời lặn, nước rút đi để lộ rễ của những cây đước lùn, và đó là lúc cây bắt đầu “nhảy múa”.
Hiện tượng này thu hút hàng trăm nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và nghiệp dư từ khắp nơi trên thế giới đến bãi biển Walakiri để hy vọng chụp được một bức ảnh hoàn hảo.
Tuy nhiên, dường như cụm từ "nhảy múa" chỉ là cách ám chỉ những thân, cành cây uốn lượn nhẹ nhàng, giống như bóng người đang nhảy múa theo cách riêng của mình. Cách những thân, cành cây uốn lượn nhẹ nhàng, với mặt trời lặn ở hậu cảnh, từ một góc phù hợp, chúng gần giống như bóng người đang nhảy múa theo cách riêng của mình, đầy hấp dẫn.
Lý giải về hiện tượng cây có hình dáng kỳ lạ, không theo một quy tắc nào như vậy, các nhà khoa học cho rằng: Điều này là bởi mặt nước phản chiếu lại ánh sáng mặt trời ở nhiều góc độ khác nhau, khiến cây phát triển không đồng đều.
Các nhà thực vật học gọi đó là hiện tượng cây cối "hướng quang" do ảnh hưởng bởi hoocmon thực vật auxin, và chúng sẽ phát triển hướng về ánh sáng ngay từ lúc bắt đầu vòng đời của mình.
Ngoài ra, môi trường sinh thái của rừng ngập mặn là chuyển tiếp giữa biển và đất liền. Do vậy sự tồn tại phân bổ, cách phát triển và cấu thành loài của rừng ngập mặn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố sinh thái như khí hậu, thủy văn, độ mặn, thể nền...