PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Có thể triển khai tiêm vắc xin Pfizer cho người 16-18 tuổi

Thành Nam
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online bên hành lang Quốc hội sáng 25-10, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu đoàn Bình Định, cho rằng địa phương thừa vắc xin Pfizer có thể triển khai tiêm cho những người 16-18 tuổi.

 

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Có thể triển khai tiêm vắc xin Pfizer cho người 16-18 tuổi - Ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Có thể triển khai tiêm vắc xin Pfizer cho người 16-18 tuổi

 

* Thưa ông, nhiều địa phương sốt ruột khi chưa rõ kế hoạch của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin cho trẻ em để tiến tới việc mở cửa trở lại trường học. Theo ông, việc triển khai tiêm cho trẻ nên thực hiện thế nào?

- Tôi cho rằng cần có lộ trình tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi, việc tổ chức này phải dựa trên yếu tố khoa học, điều kiện xã hội. Khi ta đã tiêm đủ cho các đối tượng được ưu tiên theo đúng hướng dẫn thì tính đến tiêm cho những người trẻ, những người đầu tiên nên tiêm là 16-18 tuổi, tức là học sinh cấp 3.

Lý do nên tiêm là những người trẻ ở độ tuổi này cơ thể phát triển hoàn chỉnh, nguy cơ mắc bệnh không khác người trẻ trên 18 tuổi, nguy cơ bệnh nặng cũng là tương đương. Do đó, nếu có thể triển khai kế hoạch tiêm thì tôi muốn tiêm cho học sinh cấp 3 trước để cho các cháu sớm đi học trở lại, chuẩn bị kỳ thi quan trọng trong cuộc đời.

Với việc tiêm cho trẻ cấp 2, tức là từ 12 tuổi trở lên thì chúng ta nên ưu tiên tiêm cho những đối tượng có yếu tố nguy cơ, bị bệnh béo phì hoặc có bệnh nền. Những bạn trẻ khác thì nên tiêm theo đặc tính, yêu cầu và nguyện vọng của gia đình đồng ý tiêm thì mới tiêm.

* Nhưng đến nay kế hoạch tiêm, hoạt động tiêm nên triển khai thế nào thì cũng chưa được Bộ Y tế công bố rõ. Theo ông có bị động hay không?

- Tôi cho rằng trong giai đoạn này khi chưa có kế hoạch rõ về việc tiêm vắc xin thì vẫn nên duy trì việc học trực tuyến. Nơi học trực tuyến khó khăn, không thể học trực tuyến, vùng xanh thì nên đi học tại trường.

Với cấp 3, chỉ sau khi tiêm xong thì mới nên mở cửa trường trở lại, cấp 2 tùy tình hình khi gia đình, số lượng được tiêm 60-70% thì mở cửa lại toàn bộ.

Lý do về việc chưa nên đi học trở lại khi chưa triển khai tiêm vắc xin là để đảm bảo tính thống nhất cho các cháu trong việc học tập ở từng giai đoạn nhất định. Ví dụ như vừa qua các tỉnh đi học trở lại, có trường hợp như Phú Thọ trong lớp học chỉ có vài ca mà lây nhiễm đến cả lớp, khiến trường học lại phải đóng lại.

Không thể nào một trường học cứ mở cửa, có vài ca dương tính lại đóng lại thì sẽ không ổn định cho việc học tập của các cháu. Do đó, tôi cho rằng cần có lộ trình tiêm gắn với việc đi học trở lại là như vậy.

Tôi cho rằng có cái khó, chủ yếu chưa kịp mua vắc xin. Chúng ta đã đàm phán mua, triển khai mua nhưng không phải cứ nói là được, hoàn toàn phụ thuộc nhà cung cấp. Tôi cho rằng Bộ Y tế chắc cũng đã có lộ trình rồi nhưng nếu tuyên bố kế hoạch cụ thể ra mà vắc xin chưa về thì khó mà thực hiện được, đặc biệt là một số địa phương vẫn thiếu vắc xin cho những đối tượng ưu tiên.


* Vậy trong lúc chờ đợi thì địa phương nên làm gì để chuẩn bị cho việc mở cửa lại trường học?

- Chúng ta chưa có vắc xin cho trẻ em thì chưa nên mở cửa trường học trực tiếp mà nên học online. Đến khi ta có được vắc xin cho cấp 3, mở cửa cấp 3 đồng thời với cấp 1, còn cấp 2 thì đợi khả năng tiêm phủ vắc xin đến đâu thì mới nên quyết định tiếp.

* Nhưng theo ông, có nên quá cực đoan như Hà Nội, nhiều quận huyện vùng xanh không hề có ca nhiễm nhưng vẫn phải học trực tuyến?

- Bây giờ đã mở cửa, với chiến lược sống cùng COVID-19 nên ai cũng có nguy cơ nhiễm cả. Chúng ta có chiến lược là nếu nhiễm ngoài cộng đồng thì sẽ điều chỉnh, cách ly khoanh vùng ở diện nhỏ. Nhưng một trường học rất khó vì học tập trung các cháu với nhau. Vì thế nên tôi mong là ta tiêm sớm và triển khai học. Số lượng không nhiều, nên chỉ khi có vắc xin, dồn sức tiêm thì chỉ 1 tuần là tiêm xong cho học sinh cấp 3, mở cửa trở lại mới đi học trở lại.

* Chúng ta đang chờ vắc xin, vậy ông có khuyến nghị gì cho Bộ Y tế để tránh bị động cho việc phối hợp với các địa phương để chuẩn bị cho mở cửa trường học?

- Vấn đề bây giờ là phải tập trung đẩy nhanh, quan hệ tốt để mua vắc xin về. Vì vắc xin cho trẻ em lại không được khuyến cáo với AstraZeneca mà hiện chỉ Pfizer và gần đây có một số tài liệu nghiên cứu Moderna tiêm cho trẻ. Các vắc xin khác dù có nghiên cứu nhưng các nước phát triển chưa tiêm. Trong khi đó Việt Nam lại chủ yếu nhập AstraZeneca.

* Một số địa phương thừa vắc xin Pfizer mong muốn tiêm cho đối tượng 16-18 tuổi. Vậy theo ông triển khai tiêm có khả thi?

- Với những địa phương thừa vắc xin Pfizer, nếu triển khai là rất tốt, tôi nghĩ sẽ khả thi. Địa phương có thể gửi công văn tới Bộ Y tế về việc này nhưng có thể sẽ phân bổ lại vắc xin cho các địa phương khác.

Tôi cũng cho rằng chưa nên tiêm mũi thứ 3 trong năm nay. Theo tôi, cần đẩy nhanh độ phủ vắc xin với 2 mũi trong đó mũi thứ 2 có tác dụng ít nhất trong 6 tháng. Có thể chỉ tính tiêm vắc xin tăng cường cho những trường hợp đặc biệt như suy giảm miễn dịch, ở địa bàn đặc biệt.

Không nên tiêm cho trẻ dưới 3 tuổi

Ông Hiếu cho rằng trên thế giới hiện nay tiêm vắc xin cho trẻ 12-18 tuổi đã thống nhất rồi, bằng chứng khoa học rõ ràng, có tính an toàn và hiệu quả. Nhưng dưới 12 tuổi vẫn phải nghiên cứu, chúng ta cũng không vội.

"Bản thân tôi trong Bình Dương công tác tỉ lệ trẻ bị nặng dưới 12 tuổi ít, chủ yếu các cháu bệnh nền. Còn học sinh cấp 3 khả năng mắc không khác gì người trên 18 tuổi", ông Hiếu nói.

(theo tuoitre.vn)

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Có thể triển khai tiêm vắc xin Pfizer cho người 16-18 tuổi tại chuyên mục Chuyển động của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Chuyển động khác

33 trường học ở Tuyên Quang chịu thiệt hại trong bão Yagi

Tỉnh Tuyên Quang có 456/456 trường học với 223.136 học sinh phải nghỉ học từ ngày 07-11/9 để phòng, chống ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3. Đến ngày 13/9/2024, toàn tỉnh còn 164/456 trường tiếp tục cho học sinh nghỉ học do địa bàn một số nơi còn bị chia cắt.

Khẩn trương hỗ trợ Lào Cai sau bão, lũ

Tỉnh Lào Cai chịu thiệt hại nặng nề nhất do bão số 3 gây ra. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành và nhà hảo tâm đã tích cực hỗ trợ nhân dân địa phương khắc phục hậu quả của bão và sớm ổn định cuộc sống.

Báo TNTP&NĐ kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ trẻ em, học sinh bị ảnh hưởng do siêu bão số 3 (YAGI) gây ra

Với tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào", Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng kêu gọi bạn đọc, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân ủng hộ, chia sẻ khó khăn với trẻ em và học sinh các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do siêu bão số 3 (YAGI) gây ra.

Thủ tướng chia sẻ về "6 điểm tựa Việt Nam"

Phát biểu tại chương trình "Điểm tựa Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ về 6 điểm tựa để góp phần khắc phục hậu quả siêu bão số 3, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no.