Phong trào thiếu nhi phải mang “hơi thở” của thời đại mới

Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Đội Trung ương lần thứ nhất, khóa IX, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy cho rằng, phương pháp giáo dục thiếu nhi hiệu quả nhất là thông qua phong trào. Tuy nhiên, thách thức lớn là phải đổi mới nội dung và phương thức, để phong trào mang “hơi thở” của thời đại mới, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu ngày càng cao của thiếu nhi.

Chiều ngày 05/1, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Hội đồng Đội Trung ương lần thứ nhất, khóa IX. Tham dự Hội nghị có anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn và chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư; cô Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; cô Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; anh Lê Hải Long, Trưởng Ban Công tác Thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư cùng các Ủy viên Hội đồng Đội Trung ương khoá IX, các chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo các ban, đơn vị Trung ương Đoàn. 

Giáo dục thiếu nhi thông qua phong trào

Phát biểu tại Hội nghị, anh Bùi Quang Huy cảm ơn sự tham gia tích cực, chủ động của lãnh đạo các ban, bộ ngành, đoàn thể; các chuyên gia, cán bộ đoàn, cán bộ phụ trách thiếu nhi vào Hội đồng Đội T.Ư các khóa. Điều này khẳng định sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành và toàn xã hội với công tác Đội, phong trào thiếu nhi và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho biết, công tác Đội và phong trào thiếu nhi thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng, với nhiều phong trào, chương trình, hoạt động hiệu quả và ý nghĩa để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy phát biểu tại Hội nghị
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy phát biểu tại Hội nghị

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy mong muốn, với chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực công tác, chuyên môn của mình, các đồng chí Ủy viên Hội đồng Đội Trung ương khóa IX sẽ phát huy hiệu quả cơ chế làm việc, phối hợp liên ngành để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII bằng các chương trình, kế hoạch hoạt động của Đội. 

Theo anh Bùi Quang Huy, nhiệm vụ quan trọng nhất của tổ chức Đội là giáo dục thiếu làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, trong đó 2 môi trường giáo dục chính là trong nhà trường và ngoài nhà trường; phương pháp hiệu quả nhất là thông qua phong trào.

Tuy nhiên, thách thức lớn là phải đổi mới nội dung và phương thức, để phong trào mang “hơi thở” của thời đại mới, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu ngày càng cao của thiếu nhi. Với các phong trào đã Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII xác định như“Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”, “Nghìn việc tốt”, “Kế hoạch nhỏ”... cần nghiên cứu để tiếp tục triển khai phù hợp với từng nhóm thiếu nhi ở từng khu vực, địa bàn, vùng miền.

Với nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn mong muốn, Hội đồng Đội Trung ương tiếp tục nghiên cứu, triển khai những giải pháp, chương trình, hoạt động, mô hình cụ thể để thúc đẩy Quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; Giám sát xã hội trên cơ sở ý kiến, nguyện vọng của trẻ em; Tăng cường bảo vệ trẻ em; Nắm chắc tình hình thiếu nhi trên địa bàn; Chủ động và kịp thời lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bạn thiếu nhi.

Đồng thời, Hội đồng Đội T.Ư cần nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành để củng cố tổ chức và hoạt động của Đội trong và ngoài nhà trường, nâng cao chất lượng tổ chức Đội và đội viên. Trong đó, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình Rèn luyện đội viên; nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Đội cấp xã; xây dựng và phát triển tổ chức Đội trong các trường ngoài công lập; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Liên đội; quan tâm công tác bồi dưỡng, tập huấn và thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ phụ trách thiếu nhi…

Nhiều ý kiến đóng góp thiết thực dành cho thiếu nhi

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, góp ý vào Dự thảo Chương trình làm việc toàn khóa của Hội đồng Đội Trung ương khóa IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029; Kế hoạch triển khai Đề án Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy Quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em năm 2024; Báo cáo tình hình trẻ em; tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của trẻ em và hoạt động của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng trẻ em năm 2023; Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh; Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Đội và phong trào thiếu nhi học kỳ II, năm học 2023 - 2024.

Góp ý về các chủ đề cho Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2, TS Đặng Tất Dũng - Phó Trưởng khoa phụ trách Nghiên cứu khoa học và Đào tạo, Khoa Luật Hành chính Nhà nước, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho rằng cần lựa chọn vấn đề xuất pháp từ trẻ em, các em có thể bàn luận được và có thể tham gia giải quyết được. 

Với tinh thần đó, TS Đặng Tất Dũng đề xuất 2 chủ đề đó là việc thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, chất gây nghiện từ sớm và vấn đề tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục. “Qua quá trình làm việc, tiếp xúc nhiều với các em, tôi thấy vấn đề tâm lý học đường, tâm lý trẻ em chưa được quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức. Đây là vấn đề nóng, có thể đưa ra bàn bạc tìm giải pháp, chính sách pháp lý để hỗ trợ các em”, TS Đặng Tất Dũng nhấn mạnh.

TS Đặng Tất Dũng đề xuất một số vấn đề cần thiết với trẻ em
TS Đặng Tất Dũng đề xuất một số vấn đề cần thiết với trẻ em

Bên cạnh đó, TS Đặng Tất Dũng cũng cho rằng, chúng ta đang tuyên truyền rất nhiều về quyền trẻ em, nhưng lại chưa quan tâm về bổn phận của các em. Bên cạnh trao quyền cho các em, cũng cần nói cho trẻ em hiểu về bổn phận của các em với gia đình, nhà trường, bạn bè, đất nước.

Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng, tâm lý học đường, bạo lực học đường là những vấn đề ngành giáo dục rất quan tâm. Nhưng đây không phải vấn đề riêng của ngành giáo dục, mà cần cả xã hội chung tay. 

Bên cạnh đó, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống tại các trường ngoài công lập thời gian qua chưa được chú trọng. Trong thời gian tới, Bộ GĐ&ĐT sẽ phối hợp với T.Ư Đoàn để triển khai tốt hơn việc này.

Cô Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng, cần quan tâm phổ biến, giáo dục pháp luật cho các em từ khi còn nhỏ, để các bạn sớm hình thành thói quen tuân thủ pháp luật. 

Trong đó, đồng chí Phan Hồng Nguyên quan tâm giải pháp triển khai giáo dục pháp luật cho nhóm trẻ em yếu thế, đặc biệt là trẻ em đường phố, bởi đây là đối tượng hầu như không tham gia các hoạt động của nhà trường hay tổ chức nào, rất khó khăn trong việc tiếp cận thông tin pháp luật.  

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Phạm Duy Trang  đánh giá cao các ý kiến đầy trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu cho các nội dung của kỳ họp đầu tiên. Mỗi ý kiến phát biểu đều thể hiện tình cảm, yêu thương và trách nhiệm dành cho thiếu nhi - thế hệ măng non tương lai của đất nước.

Theo chịNguyễn Phạm Duy Trang, với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia và những người trực tiếp làm công tác Đội, hi vọng Hội đồng Đội T.Ư khóa IX sẽ triển khai được nhiều việc hơn nữa trong tham mưu và cụ thể hóa chính sách của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết Đại hội XII của Đoàn trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

Trên cơ sở các ý kiến tại Hội nghị, bộ phận thường trực sẽ tổng hợp để xây dựng hoàn chỉnh văn bản toàn khóa; đồng thời nghiên cứu triển khai đề tài khoa học ứng dụng mang tính khả thi cao hơn đối với công tác Đội và phong trào thiếu nhi cả nước.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Phong trào thiếu nhi phải mang “hơi thở” của thời đại mới tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác