Phụ huynh và nhà trường nói gì trước tình trạng “kích tốc” xe điện của thanh thiếu niên hiện nay?

Châu Giang, Vũ Hiền
Trong những kỳ trước, chúng ta đã được tìm hiểu về thực trạng của xe điện kích tốc. Hãy cùng nghe các bậc phụ huynh, cơ quan chức năng nói gì về vấn đề này?!

Phóng viên Báo TNTP đã thông tin đến độc giả về tình trạng “kích tốc” xe điện và sự nguy hiểm của hành động này qua hai bài viết: Phớt lờ mọi quy định, nhiều bạn trẻ vẫn vô tư lái xe điện với tốc độ “trên trời” và nguy hiểm “kích tốc” xe điện không đảm bảo an toàn.

Trước thực trạng trên, việc tuyên truyền, giáo dục và định hướng cho các bạn nhỏ để nâng cao ý thức tham gia giao thông, nhận thức được sự nguy hiểm rình rập từ những việc làm thiếu an toàn là vô cùng cần thiết.

Tuyên truyền mạnh mẽ nhưng vẫn có sai phạm

Thượng úy Trần Ngọc Trung, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 6, TP Hà Nội cho biết, hiện nay tình trạng tham gia giao thông bằng xe đạp điện, xe máy điện tương đối phức tạp trong khi nhiều công tác tuyên truyền, phổ biến về luật giao thông vẫn được đẩy mạnh tối ưu. Thượng úy Trần Ngọc Trung cũng nói thêm: “Phụ huynh khi mua xe cho con em mình chưa thực sự tìm hiểu kỹ và hiểu hết về xe đạp điện. Có những phụ huynh chấp nhận để người bán “kích tốc” xe luôn vì không nghĩ xe điện lại có thể gây ra nhiều nguy hiểm đến thế”.

An toàn giao thông luôn là chủ đề nóng và được đưa vào chương trình giáo dục trong nhà trường từ rất lâu. Tất cả thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh đều tham gia tập huấn, giáo dục và cam kết thực hiện an toàn giao thông, nghiêm chỉnh chấp hành đúng theo Luật giao thông đường bộ. Tuy nhiên, vẫn còn không hiếm học sinh khi tham gia giao thông trên đường vẫn mắc phải nhiều sai phạm. Trao đổi với phóng viên, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cũng có nhiều trăn trở: “Mặc dù trong năm học, các tổ chức Đoàn, Đội thường xuyên kiểm tra việc thực hiện An toàn giao thông của các bạn học sinh, cũng như tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhưng tình trạng thay đổi vận tốc của xe đến 50-60 km/h vẫn tồn tại. Khi được hỏi, một số bạn trình bày: Xe mua về đã vậy rồi, em có sửa gì đâu. Bên cạnh đó, chế tài quy định về việc xử lý người sử dụng phương tiện xe điện “kích tốc” là chưa có nên nhà trường cũng chỉ biết nhắc nhở các trò đưa vận tốc xe về nguyên bản và lưu ý tốc độ khi tham gia giao thông mà thôi”.

Thầy Nguyễn Quốc Bình và các bạn học sinh trường THCS & THPT Lê Quý Đôn 

Thầy Bình cũng cho biết thêm, việc xe đạp điện có tốc độ chỉ 25 km/h theo thiết kế được kích tốc lên gấp đôi so với vận tốc ban đầu đã gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, đặc biệt là đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh trong độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi. Người lớn cũng phải chịu trách nhiệm trong những việc làm như vậy. Thứ nhất là do sự buông lỏng quản lý từ phía gia đình, bên cạnh đó là người bán hàng vì lợi nhuận đã không ngần ngại thay đổi cấu tạo của xe và cuối cùng là nhà trường chưa thực sự làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền về An toàn giao thông, nhất là ở bậc Trung học Phổ thông.

Đặc điểm tâm lý tuổi dậy thì là các bạn thích cái mới lạ, cái khác người hơn để khẳng định mình. Vì vậy, việc thích tốc độ là tâm lý chung của học sinh khi sử dụng xe. Chủ quan thấy thấy việc sử dụng xe điện rất dễ dàng, có kích tốc cũng không bị xử lý nặng nề nên hiện tượng này ngày càng tăng trong xã hội hiện đại. Thậm chí có những bạn còn “kích tốc” để đáp ứng sở thích vô cùng nguy hiểm đó chính là đua xe. Bạn L.Đ (trường THCS Lương Yên, quận Hai Bà Trưng) tiết lộ: “Bố mẹ mình thực sự rất coi trọng vấn đề về an toàn giao thông nên luôn dặn dò phải đi đúng với tốc độ quy định. Mình cũng chia sẻ điều này với một vài bạn trong lớp nhưng các bạn cho rằng mình là “bà cụ non” đi lo chuyện bao đồng. Vốn dĩ mình muốn nhắc nhở các bạn như vậy là bởi mình biết một vài bạn nam trong lớp có thay đổi vận tốc của xe. Thỉnh thoảng các bạn ấy có tổ chức đua xe buổi tối quanh hồ Hai Bà Trưng. Mình thấy đây là việc làm cực kì nguy hiểm không chỉ cho các bạn mà còn cho những người xung quanh”.

Cô Dương Thái Linh- một phụ huynh có con sử dụng xe đạp điện cho biết: “Là bậc cha mẹ nên tôi luôn đặt sự an toàn của con mình lên hàng đầu. Có lần, bạn nhỏ ở nhà đi học về có kể với bố mẹ rằng ở lớp các bạn kháo nhau là biết làm xe điện chạy nhanh hơn gấp đôi khiến tôi vô cùng hoang mang. Biết được tính nguy hiểm của việc làm này nên tôi đã gọi điện cho phụ huynh các bạn kia để trao đổi và khuyên răn các cháu không nên làm như vậy nữa”. Đồng tình với cô Linh, cô Nguyễn Thị Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thấy không ít học sinh bây giờ tham gia giao thông nguy hiểm quá. Nhiều bạn chạy xe đạp điện rất nhanh và ẩu, thậm chí vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Những hành vi này rất có thể sẽ gây ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc. Bạn nhỏ nhà mình cũng đi xe đạp điện nên tôi thường xuyên nhắc nhở con đi với tốc độ vừa phải, đội mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn". 

Chúng ta biết rằng, chi phí cho một lần "kích tốc" xe là không hề nhỏ với các bạn học sinh. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm một cách toàn diện hơn đến con em của mình, đảm bảo số tiền được sử dụng đúng mục đích và an toàn, tránh vô tình "tiếp tay" cho việc sử dụng tiền đó để "kích tốc" xe.  

Luật Giao thông đường bộ quy định tốc độ tối đa cho xe đạp điện là 25 km/h và xe máy điện là 40 km/h. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà một số phụ huynh vẫn thản nhiên giao cho con mình một chiếc xe có tốc độ lên tới 60- 70 km/h. Thượng úy Trần Ngọc Trung cho biết, trong thời gian tới lực lượng CSGT sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát các vi phạm về tốc độ của học sinh trên các tuyến giao thông, tập trung ở khu vực có nhiều trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố.

Về phía các bạn học sinh, cần chấp hành nghiêm chỉnh luật An toàn giao thông đường bộ. Không thực hiện “kích tốc” xe, không lấn làn, vượt đèn đỏ, lạng lách và nên đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Các bậc phụ huynh cũng nên chú ý nhiều hơn đến phương tiện đi lại của con em mình. Không giao phương tiện có tốc độ khác với tốc độ nguyên bản của xe cho các bạn sử dụng. Đồng thời cũng tiến hành kiểm tra xe thường xuyên để đảm bảo xe vẫn an toàn, có vận tốc đúng với vận tốc quy định.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.