STEM nơi làng quê: Đánh thức tiềm năng

Giáo dục STEM tưởng như xa vời với học sinh vùng cao, nông thôn bởi suy nghĩ mô hình này chỉ phù hợp với trường học tại thành phố lớn. Nhưng sau thời gian ngắn thực hiện, những giờ học sinh động đã hút cả thầy lẫn trò.

Nhiều ý tưởng sáng tạo cho thấy chỉ cần được truyền lửa, các em sẽ yêu thích và đam mê môn học, biết vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn và phát huy năng lực bản thân.

Học sinh Trường Tiểu học Hưng Dũng 1, thành phố Vinh say mê với tiết học STEM.

Thành quả từ giờ học sáng tạo

Hoàng Đình Nhật, học sinh lớp 9C, Trường THCS Đồng Văn (huyện Thanh Chương, Nghệ An) được biết đến là cậu học trò nghịch ngợm, ham chơi. Nhật chỉ thích các trò chơi điện tử, thiết bị máy móc và lười học bài. Nhưng khi CLB STEM của trường được thành lập, em lại là một trong những học sinh đăng ký tham gia đầu tiên. Những tiết học với mô hình robot khiến Nhật say mê, thích thú và có nhiều sáng tạo trong nghiên cứu, lập trình khiến giáo viên bất ngờ.

Thầy Nguyễn Văn Huyên (GV phụ trách STEM của trường )nói: “Không ngờ STEM lại giúp mình phát hiện và phát huy được năng khiếu, khả năng của học trò. Các bạn muốn đến trường và tìm được sự yêu thích, đam mê đối với việc học. Tôi đang bồi dưỡng bạn Hoàng Đình Nhật cùng một số HS khác để thực hiện dự án tham gia cuộc thi STEM của huyện sắp tới. Thực ra, mỗi bạn đều có những thế mạnh riêng, ai cũng có thể là học sinh giỏi khi có cơ hội và được khuyến khích, tôn trọng”.

Trước đó, cuối năm 2017, sản phẩm STEM tái chế của Trường THCS Đồng Văn được thầy Nguyễn Văn Huyên mang đi tham dự ngày hội STEM quốc gia tổ chức tại Hà Giang và được đánh giá cao. Với thành công bước đầu này, ngôi trường ở vùng nông thôn huyện Thanh Chương đã mạnh dạn đưa STEM vào dạy học và thành lập CLB STEM cho học sinh tham gia với người phụ trách chính là thầy Huyên, giáo viên Vật lý.

Dù còn nhiều khó khăn, chưa có phòng STEM với các thiết bị đầy đủ, nhưng CLB hoạt động đều đặn với niềm đam mê, thích thú của học sinh. Cách đây 2 năm, Liên minh STEM đã hỗ trợ các trường của huyện Thanh Chương một số mô hình robot. Các bạn học sinh trong CLB STEM rất hào hứng, tháo tung mô hình ra để tìm hiểu, sáng tạo lắp ráp lại, điều khiển để robot có thể chạy được trên nước thay vì đi trên bộ. Sản phẩm này sau đó đã giành được giải tại cuộc thi “Robot chinh phục đảo chè” của huyện Thanh Chương tổ chức năm học 2017 – 2018.

Thầy Nguyễn Văn Huyên chia sẻ thêm: “Một trong những hướng chủ đạo của giáo dục STEM trong nhà trường là thực hành ứng dụng trên máy móc và vấn đề tái chế. Nhưng theo tôi, STEM không giới hạn như vậy mà có thể ứng dụng hiệu quả vào trong giảng dạy các môn học. Đây cũng là định hướng của Bộ GD&ĐT trong các đợt tập huấn tôi tham gia. STEM thực chất là dạy học tích hợp liên môn. Khi mới nghe có thể cho rằng, đây là môn học khó, đòi hỏi phải nhiều thiết bị dạy học hiện đại nhưng thực tế STEM đơn giản hơn nhiều nếu gắn với thực tiễn. Như vậy, không cần chờ đến lúc đầy đủ máy móc thiết bị mà có thể triển khai theo từng cấp độ vào dạy học chương trình phổ thông”.

Cô Nguyễn Thị Hằng – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương cho biết: Đây là năm học thứ 3 huyện Thanh Chương triển khai xây dựng chuyên đề dạy học, tổ chức dạy học tích hợp STEM, bước đầu đem lại nhiều kết quả tốt đẹp. Trong đó đáng ghi nhận là tổ chức dạy học tích hợp STEM tạo hứng thú, thu hút học sinh hăng say nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo, giúp học sinh trải nghiệm, khám phá và vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn.

"Sau khi tham gia lớp tập huấn do Bộ GD&ĐT tổ chức, có được kiến thức, ý tưởng, tôi và giáo viên chuyên môn của lớp tham gia, góp ý hướng dẫn để Hồng Anh và Quỳnh Trang xem lại sản phẩm của mình. Chúng tôi cũng theo dõi, gợi ý để các em tìm ra những tồn tại, hạn chế của sản phẩm rồi dần hoàn thiện. Từ sản phẩm của HS, tôi tin nếu hoạt động giáo dục STEM được triển khai sớm hơn và rộng khắp, sẽ có nhiều ý tưởng độc đáo từ phía học sinh" - Cô Lương Thị Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Noong Hẹt

Tại Điện Biên, giáo dục STEM đã xuất hiện tại nhiều trường học và đem lại hiệu quả bất ngờ. Từ thực tiễn cuộc sống, kết hợp với những kiến thức được học trên lớp, hai bạn Bùi Hồng Anh và Vũ Quỳnh Trang (HS lớp 9D1, Trường THCS Noong Hẹt, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên) có chung đam mê, bàn bạc rồi cùng nhau “thai nghén”, xây dựng lên dự án với mong muốn thiết kế lắp ráp được ngôi nhà chữa cháy thông minh. Được sự ủng hộ, giúp đỡ của thầy cô, dự án “Ngôi nhà chữa cháy thông minh” của Hồng Anh và Quỳnh Trang hoàn thành vào học kỳ 1 năm học 2019 - 2020 và giành giải tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp huyện.

Thầy và trò cùng tìm hiểu mô hình robot.

Tham gia vào hướng nghiệp

Năm học 2019 – 2020, Trường THCS Noong Hẹt có 576 học sinh, trong đó khoảng 50% là con em đồng bào Thái. Hầu hết, học sinh nhà trường đều thiếu tự tin và kỹ năng giao tiếp. Đó là những rào cản không nhỏ trong quá trình dạy và học.

“Từ thực tế đó, chúng tôi xác định sẽ phải làm dần từng bước. Nhà trường tổ chức tập huấn và triển khai để giáo viên biết được hoạt động giáo dục STEM. Bước đầu, chúng tôi triển khai ở hình thức trải nghiệm sáng tạo. Giao cho các thầy cô bộ môn Khoa học tự nhiên (KHTN), bao gồm: Toán, KHTN, Công nghệ. Đồng thời nghiên cứu một số chủ đề, trong đó có “làm bóng đèn ngủ từ củ quả”. Làm để xem mức độ nhận thức và khả năng sáng tạo của học sinh như thế nào, từ đó tiếp tục triển khai, vận dụng và đã thành công với hoạt động trải nghiệm đó”, cô giáo Lương Thị Dung hồ hởi nói.

Ngay từ hoạt động trải nghiệm đầu tiên, học sinh của 3/6 lớp 9 toàn trường hào hứng tham gia vì trực tiếp được thực hành, trải nghiệm. Kiến thức được học trên lớp được các bạn vận dụng vào thực hành sản phẩm. Những bóng đèn ngủ ở gia đình được các em làm từ sản phẩm đơn giản, sẵn có ở địa phương như củ khoai tây. Từ những ý tưởng ban đầu, nhiều học sinh đã sáng tạo thêm nhiều chi tiết, hoa văn để trang trí cho đèn ngủ tự chế của mình thêm bắt mắt, đạt tính thẩm mỹ cao.

“Khi học sinh bắt tay vào thực hành, giáo viên sẽ theo dõi, nhận xét đánh giá xem các em đã làm được những gì. Những tồn tại, hạn chế trong quá trình làm là gì? Yêu cầu các em tự mày mò, tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp khắc phục tồn tại đó. Cứ thế, các em sửa chữa cho đến khi hoàn thành sản phẩm”, cô Dung trao đổi đồng thời tâm sự: Ngoài chế tạo đèn ngủ, ở môn Vật Lý, học sinh của trường còn thực hiện thành công hệ thống đưa nước lên cao qua 9 cái bình nước thông nhau. Qua những chủ đề mà thầy cô tạo ra, rồi hướng dẫn, các bạn đã thiết kế rất tốt. Đến giờ nhiều bạn yêu thích những hoạt động như vậy.

Từ thành công bước đầu, Trường THCS Noong Hẹt mở rộng chủ đề sáng tạo và dần nhân rộng hoạt động này tại các lớp. Theo cô Dung, trong kỳ II của năm học này, nhà trường giao cho các tổ chuyên môn tổ chức thảo luận, lựa chọn chủ đề để đưa vào giảng dạy chính khóa.

“Việc đưa giáo dục STEM vào nhà trường là thiết thực và hiệu quả. Phương pháp giáo dục này đã định hướng, giáo dục học sinh một cách toàn diện, giúp các em phát triển được năng lực, phẩm chất của chính mình. Từ kiến thức được học, khả năng sáng tạo của mình, các em hoàn toàn có thể tự tin đi học nghề mà các em đam mê, theo đuổi và tự tìm cho mình cơ hội việc làm”, cô Lương Thị Dung nêu quan điểm.

Hồng Anh và Quỳnh Trang với mô hình “Ngôi nhà chữa cháy thông minh”.

Hỗ trợ để nhân rộng

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ngoài thành phố Vinh triển khai khá tốt giáo dục STEM trong các nhà trường với nhiều hình thức ở các huyện, thị khác đều gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là trường vùng nông thôn, những tiết học về STEM chủ yếu được triển khai dưới hình thức lồng ghép vào một số môn học.

Thầy Chu Viết Tấn, phụ trách môn học STEM Trường THPT Hoàng Mai (thị xã Hoàng Mai, nghệ An) nói: Việc tổ chức dạy học STEM có thể triển khai với nhiều cấp độ khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của từng trường mà lựa chọn cấp độ dạy học sao cho đạt hiệu quả giáo dục tốt nhất.

Là huyện có số lượng đơn vị trường học đông và chất lượng giáo dục được đánh giá cao trong tỉnh, song đến thời điểm này huyện Yên Thành vẫn chưa triển khai rõ nét giáo dục STEM. Thầy Trần Xuân Tĩnh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện giãi bày: Trên địa bàn có 2 trường đang xây dựng phòng học STEM là Tiểu học Tăng Thành và Tiểu học Đô Thành, kinh phí trích từ nguồn ngân sách nông thôn mới.

Cô Hoàng Thị Lê – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tăng Thành cho biết: Phòng STEM của trường đang được lắp đặt và phòng, sở GD&ĐT tỉnh cũng đã có hướng dẫn và thông báo với trường về kế hoạch tập huấn STEM cho giáo viên. Trên thực tế, chúng tôi chưa thực hiện lồng ghép STEM vào dạy học liên môn. Phần vì chưa có điều kiện trang thiết bị, phần do giáo viên cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Trường chưa có giáo viên Tin học và hiện đang hợp đồng thỉnh giảng mỗi tuần 2 tiết với 1 thầy ở trung tâm tin học ngoài xã. Hy vọng khi phòng STEM hoàn thiện và cán bộ giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng sẽ tạo nên những thay đổi tích cực trong giáo dục toàn diện học sinh.

Nói về hoạt động giáo dục STEM, thầy Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định: Tăng cường giáo dục STEM trong trường học là một trong những mục tiêu cụ thể của Nghệ An thời gian qua và trong những năm học tới. Đặc biệt khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, đây là xu thế tất yếu. Sở GD&ĐT cũng khuyến khích các đơn vị làm tốt như thành phố Vinh, huyện Thanh Chương xây dựng mô hình điểm, tiếp tục nhân rộng các mô hình tốt để ngày hội giáo dục STEM và văn hóa đọc thực sự trở thành nhu cầu thiết yếu của học sinh, một phong trào thi đua thường xuyên trong các nhà trường.

"Ban đầu, cũng chỉ vài học sinh bạo dạn tham gia hoạt động giáo dục STEM. Thế nhưng chỉ sau thời gian ngắn, những học sinh nhút nhát nhất cũng hăng hái tham gia bởi mỗi sản phẩm tạo ra, mỗi em đều phải thảo luận, đóng góp ý tưởng và tự thuyết minh trước lớp. Cứ thế, dần dần các em đã khắc phục được tình trạng thiếu tự tin khi giao tiếp" - Cô Lương Thị Dung

(theo GD&TĐ)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết STEM nơi làng quê: Đánh thức tiềm năng tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

Khu trải nghiệm ấn tượng ở Nam Hà

Trường Tiểu học Nam Hà (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) được nhắc đến như một Ngôi trường hạnh phúc với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại cùng bề dày về thành tích dạy và học, cũng như sự tận tụy của các thầy cô dành cho học sinh thân yêu. Ngoài ra, nhà trường còn đầu tư xây dựng thêm một quần thể trải nghiệm đầy hấp dẫn để các bạn được học, được tìm hiểu và vui chơi thỏa thích sau những giờ học tập căng thẳng…

Buổi họp phụ huynh đặc biệt

Buổi họp phụ huynh cuối học kỳ I vừa qua ở trường Tiểu học Ngô Mây, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, các lớp đã tổ chức chương trình bán đấu giá tranh vẽ để gây quỹ mua thẻ báo hiểm y tế tặng các bạn học sinh nghèo.

Hỗ trợ học sinh định hướng tương lai

Mới đây, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình định hướng nghề nghiệp cho 530 học sinh khối 8, 9 của trường THCS Phú Mỹ và THCS Phú An (huyện Phú Vang).