Game hay trò chơi điện tử đã không còn xa lạ với thế hệ học sinh chúng mình nữa, chúng sinh ra để giúp con người giải trí, giải toả áp lực, cũng như thư giãn sau những giờ học căng thẳng.
Tuy nhiên, cái gì nhiều quá cũng không tốt, thời gian chơi game cũng vậy. Nếu bạn dành thời gian phù hợp để chơi game thì sẽ có tác động tích cực như trên, còn nếu lạm dụng, cả ngày chỉ “cắm đầu” vào chúng thì ngược lại, chúng sẽ gây “nghiện” khiến bạn phụ thuộc và mất rất nhiều thời gian vào game.
Đã có rất nhiều thông tin về vấn đề nghiện game, và dưới đây là những tác động khủng kiếp của hội chứng này tới não bộ chúng ta. Theo đó, não bộ của con người sẽ thay đổi khi chơi game. Một loại hormone giúp cho con người tăng cảm giác hưng phấn có tên dopamine sẽ tăng lên khi người chơi trải nghiệm trò chơi điện tử.
Điều này đồng nghĩa với việc game sẽ gây nghiện về phương diện sinh học và hóa học. Theo Vimec, những hình ảnh rối loạn chức năng của não bộ trên MRI sau một thời gian mà người chơi chơi game là hoàn toàn có thật, điều này gây ảnh hưởng đến tâm lý của người chơi và tác động đến sự phát triển bình thường của não bộ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra một điều sau thời gian 1 tuần chơi game có nội dung bạo lực hoặc những người chơi game thời gian dài trên 10 tiếng/ngày trong 1 tuần có khả năng bị giảm hoạt động ở vùng thùy trán dưới trái. Các vùng chức năng của bộ não, trong đó có cả một số vùng tập trung sự chú ý, vùng ức chế… sẽ bị ảnh hưởng.
Nếu thời gian chơi game dài và liên tục sẽ tác động cực kỳ tiêu cực đến nhận thức và cảm xúc của game thủ. Tác động hoạt hóa các hoạt động ít hơn ở vùng thùy trán dưới trái trong thời gian thực hiện có cảm xúc và ít hoạt hóa các hoạt động ở vùng vỏ khứu - hải mã não trước trong thời gian thực hiện trò chơi so sánh với kết quả chuẩn của nhóm chứng.
Giống như nhiều loại nghiện khác, người nghiện game thường không thể biết được mình đang bị phụ thuộc quá nhiều vào game. Game thủ sẽ bị mất kiểm soát về hành động của mình, dành nhiều thời gian hơn để chơi game và bắt đầu dẫn đến những hệ quả như bỏ bê học tập hay các hoạt động thường nhật, thậm chí là rời bỏ các mối quan hệ xung quanh.
Đừng quên rằng mục đích cao nhất và nguyên bản nhất của game là để giải trí và luôn quan niệm rằng “mình chơi game chứ đừng để game chơi mình”. Đừng để game điều khiển bạn và để bản thân đánh mất nhiều điều quý giá vì chúng.