Thanh Hóa: “Sự học” ở vùng cao – canh cánh nỗi lo mùa mưa lũ

nguyennhung
Để đến được với “con chữ”, học sinh nhiều địa phương tỉnh Thanh Hóa hằng ngày phải đi đò qua sông đến trường. Và quả thực, “sự học” ở vùng cao – canh cánh nỗi lo mùa mưa lũ.

Việc đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục ở khu vực miền núi đã mang theo những kỳ vọng lớn lao để con em đồng bào các dân tộc nơi đây có điều kiện hơn trong việc tìm con chữ và hành trình đến với tri thức.

Song, hằng năm, cứ đến mùa mưa lũ, “sự học” ở vùng cao lại canh cánh nhiều nỗi lo. Học sinh lo không thể đến trường, thầy giáo lo không có học trò đến lớp, người dân lo biết bao nguy hiểm đang rình rập con em mình trên đường đến trường...

Xã Vân Am là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Ngọc Lặc, người dân đa phần là đồng bào dân tộc Mường, sống rải rác ở hai bờ sông Âm - con sông thường xuyên được “cắm cờ đỏ” trên bản đồ thời tiết mỗi mùa mưa bão. Có lẽ vì vậy nên không chỉ người dân nơi đây sống theo con nước mà “sự học” của địa phương cũng phụ thuộc vào “tính khí” của dòng sông. Dừng ở bến đò làng Mết, thầy Đào Quang Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Am 1, cho biết: Hôm nay là ngày nước cạn, còn nếu mọi người lên vào mùa nước lũ mới thấy nguy hiểm đến mức nào. Nước cuồn cuộn chảy, bè cũng không dám chống, giáo viên, học sinh hay người dân đến bến rồi cũng phải quay về...

Ngày nước cạn, mặt sông Âm rộng chừng 30m, nhưng khi nước lên có thể vào tận khu dân cư, mặt sông có thể rộng tới hàng trăm mét. Theo tay chỉ của thầy hiệu trưởng, chúng tôi thấy những dấu nước cũ vẫn còn in lờ mờ trên thân cây cột điện. Theo người chống đò nơi đây, tại bến sông làng Mết sang làng Sùng, chỗ sâu nhất của dòng sông trong mùa lũ có thể lên đến năm hoặc bảy mét, dòng nước chảy siết cuốn trôi mọi vật trên đường nó đi qua. Vì vậy, cứ nước sông lên, người dân bên hữu ngạn sông Âm gần như bị cô lập. Trường Tiểu học Vân Am 1 có 263 học sinh; trong đó, có 92 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 học tại 2 điểm trường lẻ, từ lớp 4 học sinh tập trung học ở điểm trường chính.

Thầy Hiệu trưởng cho biết: Các bạn học sinh ở làng Bà, làng Sùng muốn đến điểm trường chính phải qua cả sông Xạo và sông Âm, đó là chưa kể các em phải vượt qua những con suối, những quãng đường trơn, dốc. Do đó, hầu hết các bạn hoặc phải có bố, mẹ đưa đón hoặc phải ở trọ nhà dân gần trường để theo học.

Bạn Lê Tố Anh, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Vân Am 1, rụt rè nói: “Mình ở làng Sùng, cách trường chừng 4km, thường mình đi học từ 6 giờ sáng. Bố chở ra bến đi đò sang sông rồi lấy xe đạp gửi bên kia sông đến trường, những hôm mưa thì bố, mẹ phải đưa đến tận lớp”.

Gần 80 học sinh thôn Thanh Cao, xã Thọ Thanh (Thường Xuân) ngày ngày “vượt sông” đến trường.

Gọi một chuyến đò vượt sông Âm, chúng tôi đến điểm trường Thuận Bà, thuộc làng Sùng vào cuối giờ học. Lúc này nhiều phụ huynh đã đợi sẵn để đón con, em mình. Cô Lê Thị Nghĩa, làng Sùng, chia sẻ: Dù học ở điểm trường cách nhà gần 1 km nhưng gia đình luôn thu xếp để đưa, đón cháu đến trường. Bởi giao thông miền núi khó khăn lắm, vào mùa mưa đường lầy lội, trơn trượt đã đành và không biết nước lũ sẽ về khi nào... Câu nói ngắt giữa chừng của chị Nghĩa, khiến chúng tôi hiểu rằng, nước lũ chính là nỗi lo thường trực, canh cánh đối với học sinh vùng cao.

Đoàn chúng tôi bị cuốn hút bởi câu chuyện “thật như đùa”, của cô Phạm Thị Lịch, giáo viên điểm trường Thuận Bà: Không chỉ học sinh vất vả đâu, giáo viên dạy ở  điểm trường cũng vì dòng sông mà nhiều lần “dở khóc, dở cười”. Ví như, nếu trời mưa, nước dâng quá cao, chúng tôi không thể qua sông được, phải gọi điện sang làng báo cho các em học sinh nghỉ học. Hay có những hôm nước sông cuốn trôi bè, chúng tôi đành gửi cặp sách, giáo án vào nhà dân bơi qua sông trở về nhà. Cô Lịch kể với chúng tôi về  những đợt nước lũ lên bất chợt, dù đã cuối buổi học và nhà ngay làng Mết, đứng bên này sông cũng nhìn thấy nhưng tôi và các đồng nghiệp cũng không thể qua sông về nhà, đành ngủ lại trường. Nhớ mùa lũ tháng 10/2017, riêng điểm trường Thuận Bà phải nghỉ học hơn 1 tuần, học sinh nhớ bạn, thầy cô cũng nhớ học trò, nhớ lớp nhưng cũng chẳng thể qua sông...

Thầy giáo Vũ Ngọc Liêm, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Ngọc Lặc, cho biết: Trên địa bàn huyện có 97 điểm trường lẻ của cấp tiểu học và mầm non thì ở xã Vân Am có 13 điểm. Việc thành lập nhiều điểm lẻ giảm bớt khó khăn về giao thông cho học sinh song lại là “thử thách” để ngành giáo dục bảo đảm chất lượng dạy và học. Ở nhiều điểm trường khó khăn, không thể đánh giá nền nếp học sinh như những trường khác.

 Để tìm hiểu thêm về những khó khăn của học sinh khu vực miền núi vào mùa mưa lũ, 6 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại bến đò xã Thọ Thanh (Thường Xuân) để kịp chuyến đò đón các bạn học sinh thôn Thanh Cao đến trường. Thôn Thanh Cao là một dải đất hẹp, nằm biệt lập, ngăn cách với trung tâm xã, huyện bởi dòng sông Chu. Toàn thôn có gần 80 học sinh các cấp học, hằng ngày phải vượt sông để đến trường tìm “con chữ”. Dòng sông Chu vốn hiền hòa, cung cấp phù sa màu mỡ, là nguồn mưu sinh cho cư dân hai bên bờ là vậy nhưng vào mùa nước lũ, lòng sông rộng hơn, đục ngầu, cuồn cuộn chảy. Chiếc đò được người dân ghép bởi những cây luồng, cây tre lại với nhau, không lấy gì để bảo đảm về độ an toàn. Vậy mà nhiều năm nay, hành trình đến với “con chữ” của các em học sinh ở đây gắn với việc vượt sông mạo hiểm này.

Bạn Trịnh Thị Phương, học sinh lớp 9, Trường THCS Thọ Thanh, chia sẻ: “Mình và các bạn, các em ngày nào cũng sang sông đến trường. Chúng mình đều có thể tự kéo mảng qua đoạn sông này, lúc  đầu sợ nhưng dần cũng quen. Có những đợt mưa lũ, nước sông chảy siết, dâng lên cao rất nguy hiểm, chúng mình phải nghỉ học cả tuần trời”. Chiếc đò vừa cập bến, nhanh như cắt, một học sinh lớp lớn nhảy lên bờ, ghìm  đò, đặt tấm ván gỗ để các bạn nhỏ hơn lên bờ. Đặt chân trên tấm ván nhỏ, trơn, dốc, chới với từ thuyền lên bến sông, các bạn vừa bấm chân vừa rón rén trên con đường lầy lội đầy bùn non còn sót lại do nước sông dâng để đến trường học...

Biết bao gian nan phải vượt qua khiến cho “con chữ” đến được với học sinh vùng cao thật không dễ dàng. Có lẽ, với giáo viên và học sinh nơi đây họ không dám ước mơ cao xa vượt ngoài tầm với, mà họ chỉ dám ước được bình yên để ngày ngày “gieo chữ”, xây những ước mơ bình dị. Một mùa nước lũ lại về, xin hãy mở lòng chia khó với vùng cao, để sự học nơi đây không còn nhiều những rào cản, khó khăn nữa!

Theo THO

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: “Sự học” ở vùng cao – canh cánh nỗi lo mùa mưa lũ tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Miền Bắc tái diễn nồm ẩm kéo dài

Từ nay đến ngày 21/3, miền Bắc vẫn kéo dài tình trạng mưa phùn sương mù. Độ ẩm tăng cao khiến nồm ẩm trở thành nỗi "ác mộng" của thời tiết Bắc Bộ.