Thi đánh giá năng lực: Không đòi hỏi kiến thức cao siêu

ngochiep
Hiện nhiều trường ĐH thực hiện xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực thay cho cách thi truyền thống theo từng khối thi, môn thi. Cách đánh giá này khác gì với cách thi hiện nay?

Phù hợp để tuyển sinh

Bài thi đánh giá năng lực (Aptitude and ability tests) là dạng bài thi phổ biến trên thế giới nhằm đánh giá khả năng thực hiện nhiệm vụ và phản ứng trong các tình huống khác nhau, thuộc loại bài thi quy chiếu nhóm chuẩn, tức là phù hợp để sử dụng làm bài thi tuyển sinh.

Các bài thi thông thường, kiểu truyền thống trước đây, được thiết kế để đánh giá kiến thức, hoặc kỹ năng, hoặc năng lực tùy theo mục đích đánh giá. Đối với chương trình giáo dục phổ thông các cấp, đó là bài thi tốt nghiệp. Các bài thi này đòi hỏi TS phải nắm vững những kiến thức được cung cấp trong chương trình để trả lời các câu hỏi.

Ngược lại, các bài thi đánh giá năng lực thường không gắn với một chương trình đào tạo cụ thể nào. Do vậy, để trả lời các câu hỏi, chủ yếu chỉ cần sử dụng những thông tin cho sẵn trong câu hỏi, thậm chí những câu tính toán không cần sử dụng các thiết bị hỗ trợ như máy tính cầm tay. Một số câu hỏi đòi hỏi TS phải có kiến thức bên ngoài nhưng chỉ trong phạm vi kiến thức căn bản. Nói chung câu hỏi đánh giá năng lực khác với câu hỏi kiểm tra kiến thức ở chỗ nó không đòi hỏi kiến thức cao siêu mà chỉ yêu cầu sử dụng kiến thức căn bản để giải quyết một vấn đề thực tiễn cụ thể.

Như vậy, để thiết kế, xây dựng bài thi đánh giá kiến thức và kỹ năng cần dựa vào nội dung chương trình, còn để thiết kế bài thi đánh giá năng lực, tổ chức khảo thí phải xác định loại năng lực họ muốn hoặc cần đánh giá và xác định nội dung đánh giá theo đó.

Trong tuyển sinh 2018, nhiều trường Đại học ở Việt Nam sẽ áp dụng phương thức tuyển sinh mới này.
 
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính , trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết bài thi của trường được xây dựng theo hướng tiếp cận các bài thi chuẩn hóa nhằm xét tuyển đầu vào ĐH của Mỹ (SAT-Scholastic Assessment Test) và Anh (TSA-Thingking Skills Assessment).
 
Về cấu trúc, bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG tích hợp được kỹ năng đọc hiểu, phân tích của bài SAT và kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề của bài thi TSA. Do vậy, khác với cách tiếp cận của kỳ thi THPT quốc gia, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.Hồ Chí Minh chú trọng các năng lực cơ bản để học ĐH của TS như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, phân tích, tổng hợp giải quyết vấn đề.
 
Ngoài ra, năm 2018, Đại học Quốc gia Hà Nội xét tuyển các thí sinh sử dụng các kết quả thi từ nhiều cuộc thi khác nhau, bao gồm: Kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia; kết quả thi đánh giá năng lực còn hạn sử dụng do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; chứng chỉ quốc tế Cambridge International Examinations A-Level; kết quả kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ). Đây là năm đầu tiên, Đại học Quốc gia Hà Nội xét tuyển đối tượng sử dụng kết quả SAT.
 
 
Không phải là tiêu chí duy nhất để xét tuyển

Các bài thi trên thế giới như SAT, ACT hay A-levels đều được các tổ chức khảo thí chuyên nghiệp phát triển và thực hiện. Những bài thi này không phải là tiêu chí duy nhất và tuyệt đối để xét tuyển ĐH mà được sử dụng kết hợp với nhiều tiêu chí khác.

Về hình thức tổ chức, các dạng bài thi quốc gia đều cần chuẩn hóa và có thể tổ chức làm bài trên giấy hoặc trên máy tính. Dạng câu hỏi có thể là trắc nghiệm hoặc tự luận. Việc tối quan trọng là không lẫn lộn đánh giá năng lực với đánh giá kiến thức, kỹ năng. Cần phân biệt rõ bài thi đánh giá năng lực không phải là bài thi đánh giá kiến thức dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm và làm trên máy tính.

Việc ghép 2 bài thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH gây ra rất nhiều vấn đề do bản chất và mục đích của 2 kỳ thi khác nhau. Nếu quá trình đánh giá trong chương trình học đảm bảo tin cậy và tường minh, việc công nhận tốt nghiệp bằng một kỳ thi có tỷ lệ đỗ lên tới 97 - 98% là không cần thiết. Bài thi tuyển sinh vào ĐH là cần thiết, và cần phải là bộ bài thi vừa quy chiếu nhóm chuẩn vừa quy chiếu tiêu chí đồng thời đánh giá kiến thức phổ thông và đánh giá năng lực.

Nói về việc sử dụng kết quả đánh giá năng lực như thế nào, Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.Hồ Chí Minh cho biết: "Trường sẽ dành khoảng 10% chỉ tiêu mỗi ngành để xét tuyển thí sinh từ kỳ kiểm tra năng lực".

Trường ĐH Kinh tế - Luật cũng dự kiến dành tối đa 10% chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức này. Trường ĐH Khoa học tự nhiên dự kiến dành 20% chỉ tiêu, tập trung vào một số ngành nhiều TS quan tâm như: công nghệ thông tin, công nghệ hóa học, công nghệ sinh học...

Ngọc Hiệp (Tổng hợp)

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Thi đánh giá năng lực: Không đòi hỏi kiến thức cao siêu tại chuyên mục Tuyển Sinh - Du Học của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Tuyển Sinh - Du Học khác