Bộ GD&ĐT vừa đưa ra đề thi minh họa, có lẽ các bạn đã có chút thở phào vì trước đó có thông tin sẽ không có sự gợi ý nào trước khi kỳ thi diễn ra. Thế nhưng theo thông tin và Bộ GD&ĐT thì đề thi THPT Quốc gia năm nay sẽ có thêm phần kiến thức lớp 11 và mức độ khó được tăng lên.
Thiếu niên Tiền phong đã có buổi chia sẻ với cô Trần Phương – Giáo viên Ngữ Văn để đưa ra những “bí kíp” độc nhất dành cho các bạn sĩ tử. Chúng mình cùng tham khảo hướng dẫn của cô nhé:
Cô Phương cho biết sự khác biệt đáng chú ý nhất trong đề thi THPT Quốc gia năm 2018 so với năm 2015, 2016, 2017 đó là dạng đề liên hệ, so sánh một vấn đề chương trình Ngữ văn lớp 11 với một vấn đề trong chương trình Ngữ văn lớp 12.
Đây không hẳn là một dạng đề quá mới lạ, bởi trước khi kỳ thi đổi mới (gộp thi Tốt nghiệp và thi Đại học vào làm một) các đề thi Đại học những năm trước đây đã xuất hiện dạng đề so sánh. Chương trình Ngữ văn lớp 11 cũng luôn xuất hiện trong kỳ thi Đại học những năm trước đây giống như năm 2018 này.
Mức độ phân hoá của đề lớn hơn rất nhiều so với năm 2017. Với dạng đề có tính chất nâng cao như đề thi minh họa, các bạn học sinh không thể làm bài theo cách “chém gió” mà phải nắm thật chắc kiến thức và phải có kĩ năng làm bài. Nếu theo dạng đề này, sẽ có rất nhiều bạn được điểm cao môn Văn, nhưng đồng thời sẽ rất nhiều bạn bị điểm trung bình hoặc dưới nếu không biết cách làm bài.
Phần Đọc – hiểu vẫn giống dạng đề như năm 2017 về mức độ khó, đề yêu cầu các bạn học sinh có kĩ năng đọc và suy luận vấn đề từ dữ liệu văn bản mà đề bài đưa ra. Câu 3 và 4 trong đề thi Đọc – hiểu cần kĩ năng đọc – hiểu cao hơn của học sinh một chút, bởi các bạn cần suy nghĩ kĩ và trả lời sao cho hợp lý, có kiến giải phù hợp. Đây là hai câu tưởng dễ nhưng học sinh lại thường bị mất điểm vì diễn giải lủng củng, khó hiểu hoặc không bám sát vào câu hỏi. Thậm chí có những bạn sai lầm trả lời dài đến nửa trang giấy thi.
Phần Nghị luận xã hội đưa ra yêu cầu cho các bạn học sinh rất rõ ràng. Phần này cũng thu hẹp phạm vi nghị luận cho các bạn học sinh: bàn về ý nghĩa của sự trải nghiệm, chính vì thế học sinh càng bám sát đề và đưa ra những ý nghĩa sâu sắc, nhân văn sẽ càng đạt điểm cao. Đề Nghị luận xã hội sẽ phân hóa được các bạn học sinh có tư duy phân tích, khả năng quan sát cuộc sống tốt với những bạn khác. Các bạn cần chú ý đọc kỹ đề và đưa ra bài học nhận thức hợp lý, phù hợp.
Phần Nghị luận văn học có lẽ sẽ khiến nhiều bạn học sinh lo lắng. Vì thời lượng bài thi vẫn chỉ 120 phút mà đề văn tích hợp cả phân tích nhân vật và quan niệm nghệ thuật của tác giả, tức là có 2 yêu cầu cần làm rõ trong đề, bạn nào cứ đọc đề rồi chú trọng phân tích dàn trải, không có phong cách và quan niệm nghệ thuật tác giả thì khả năng mất rất nhiều điểm. Với dạng đề này, học sinh cần luyện tập thêm để có khả năng căn thời gian, bắt buộc phải lên dàn ý và chia thời gian làm bài sao cho hợp lý.
Tóm lại, các bạn học sinh cần ôn tập nhiều dạng đề hơn, bên cạnh việc trau dồi kiến thức, các bạn cần luyện kĩ năng viết và cân đối kiến thức trình bày cũng như thời gian viết bài. Với các bạn học sinh lớp 12 vẫn chưa dành thời gian ôn cho chương trình Ngữ văn 11, thì các bạn hãy lên kế hoạch ôn tập dần và kịp thời.
Ngọc Hà (ghi)