Là con út trong một gia đình có tận 8 anh chị em, cha lại mất sớm nhưng Say luôn đạt lực học tốt và còn là thành viên tích cực của CLB Thủ lĩnh nữ (Tổ chức của Plan), CLB khèn Mông, sáo trúc của nhà trường. Năm học 2021-2022 Saycòn đoạt giải Ba Cuộc thi Khoa học Kĩ thuật cấp Huyện.
Mời các bạn cùng đọc bài đoạt giải ba của bạn Vàng Thị Say để thấy bạn ấy có cách thuyết phục với giọng văn thật dễ thương và duyên dáng nhé!
Mến yêu gửi ca sĩ Hà Anh Tuấn – Người đàn ông và bông hoa trên ngực trái!
Có lẽ anh sẽ rất ngạc nhiên khi nhận được lá thư của em – lá thư của một cô bé vùng cao nguyên đá Hà Giang xa xôi. Em không hiểu biết quá nhiều về ca hát, thưa anh. Hẳn là anh sẽ ngạc nhiên lắm “Ồ! Bé con, vậy em muốn nói điều gì với anh khi viết thư này?”.
Anh yêu mến!
Ắt hẳn giờ đây, chúng ta đã quá thấm mà cảm thấy sợ hãi với hậu quả khủng khiếp của khủng hoảng khí hậu mà chính con người là kẻ gây ra. Chúng ta đã phải trả giá quá đắt cho việc hưởng thụ cái gọi là “cuộc sống hiện đại” nhưng lại không đi đôi với việc bảo vệ cho “lá phổi xanh” – gốc rễ của sự sống muôn loài. Khủng hoảng khí hậu đã tới mức báo động và thực sự trở thành “cơn ác mộng” của con người nông dân anh ạ. Và em – một cô bé nông dân hiện tại – luôn trăn trở sẽ làm được một điều gì đó hữu ích để cứu lấy “hành tinh xanh” của chúng ta. Thật hay, cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 51 đã giúp “bé nông dân” nói lên điều trăn trở. Em đã không hề do dự khi đặt bút viết thư gửi tới anh – “người có tầm ảnh hưởng” của tim mình – Lá thư với tất cả niềm yêu mến, cảm phục và trân quý.
Anh ơi!
Những ai từng gắn bó với nghề nông hản sẽ thấu hiểu: “Ba tháng trồng cây không bằng một ngày trồng quả”. Trước điều kiện thời tiết cực đoan thì có lẽ người nông dân là khổ nhất anh nhỉ? Quê em còn nghèo lắm. Cả nhà tảo tần dãi dầm mưa nắng cuồng nộ đã làm cho nông sản – nguồn sống chủ yếu của người dân nát bươm, tơi tả hết. Thời tiết rét đậm, rét hại khiến trâu bò và gia súc chết hàng loạt. Khi “mùa vàng” và “đầu cơ nghiệp” không còn, người dân nghèo biết phải bám víu vào đâu? Chao ôi, xót xa quá phải không anh!
Anh biết không, trong những ngày này quê em đang phải chống chọi với đợt lạnh khủng khiếp, cây cối bị đóng băng, cũng là lúc quê em đang vào vụ trồng ngô anh ạ! Nhưng mầm non đã bị băng đá “nấu chín”, nhũn hết cả rồi. Còn những thửa trồng muộn liệu có được yên ổn với bọn sâu hại vì mùa màng lệch vụ? Quê em phần lớn là hộ nghèo, liệu em hay bạn nào sẽ phải nghỉ học nửa chừng vì vụ mùa thất bát, biết trông vào đâu để có tiền trang trải cái ăn, cái mặc, cái học cho con?
Anh ơi! Khi “rừng vàng” đang dần cạn kiệt, chúng ta không nên trông chờ vào một phép màu xảy ra để đưa những cánh rừng hồi sinh trở lại. Ta đã “phá” thì chính ta phải cùng “xây” lại – HÃY TRỒNG RỪNG – Theo em, đây là giải pháp hữu hiệu và lâu dài. Và phải chẳng vì lẽ đó, mà anh đã thực hiện dự án “Rừng Việt Nam”?
Cảm ơn Anh – người đàn ông ươm mầm cảm xúc!
Cảm ơn anh đã mang “cánh rừng thứ ba, trong dự án “Rừng Việt Nam” về với quê hương Vị Xuyên anh hùng của Hà Giang vào những ngày đông lạnh nhất. Cảm ơn anh dã khơi dậy lên niềm tin, lòng tự hào và ý thức trách nhiệm. Em đã thực sự nghẹn lòng xúc động khi nghe anh hát “Một rừng cây, một đời người”, ngay tại khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Vị Xuyên. Cảm ơn anh đã lan tỏa một thông điệp ý nghĩa “Bảo vệ thiên nhiên là bảo vệ cuộc sống. Mỗi người làm một việc nhỏ sẽ tạo ra thành quả lớn”.
Với trái tim đầy nhiệt huyết, anh hãy mang “Rừng Việt Nam” đến với những đại phương khác để tiếp tục lan tỏa tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường nhằm góp phần cải thiện môi trường và giảm thiểu thiên tai.
Em biết: Trồng rừng không phải là một việc dễ dàng. Để rừng lên xanh, bám chặt vào lòng đát lại càng khó hơn. Nhưng em tin “Rừng Việt Nam” sẽ sớm phủ xanh khi ta cùng đồng lòng nêu câu khẩu hiệu: “Nhiều người trồng ta sẽ có ngàn cây, vạn người trồng ta sẽ có rừng cây” – ntau tus cog peb thaj muaj txhiab puas tus ntoov txiab tus cog peb yeej muaj liav zoov. (Tiếng Mông đấy anh ạ. Em hát và viết tiếng Mông rất cừ đấy nhé!)
Em hứa sẽ gương mẫu đi đầu trồng cây tại thôn xóm mình và tích cực tuyên truyền khẩu hiệu này để mọi người cùng ý thức hơn trong việc trông cây gây rừng để giữ đất quê hương. Chắc chắn, “Cây sa mộc non rồi sẽ vươn mình mạnh mẽ. Rừng sẽ phải cao lên, rễ bám thật sâu, thật chặt” để một ngày không xa, dưới thênh thang bóng mát của “Cánh rừng thứ ba”, tuổi trẻ Cao nguyên đá Hà Giang chúng em sẽ cùng anh cất cao tiếng hát tri ân (em sẽ “khoe tài” hát tiếng Mông – Em là “cây văn nghệ” rất cừ của trường đấy nhé)
Xin hát về bạn bè tôi
Những người sống vì mọi người
Ngày đêm canh giữ đất trời
Rạng rỡ như rừng mai nở chiều Xuân.
Anh có biết câu này có nghĩa là gì không: Yeej nrog koj zoo siab – tus txiv neej nga lub paj saum lub hauv siab.
Đó là: LUÔN NGƯỠNG MỘ VÀ TỰ HÀO VỀ ANH – NGƯỜI ĐÀN ÔNG MANG BÔNG HỒNG TRÊN NGỰC TRÁI!
Cô bé vùng cao
Vàng Thị Say