Các phóng viên hay nguyên phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong (nay là báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng) phần lớn đều là những người “lăn lộn”, “sống mái” với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Có người đã từng ở những “mặt trận” đầy sương gió rồi mới về Báo. Nguyễn Đẩu Quang từng làm “lính” của Quân chủng Phòng không - Không quân vinh quang nhưng muôn vàn gian nan, nguy hiểm trong Kháng chiến chống Mỹ. Thế rồi, cái duyên đưa ông về Tòa soạn báo Đội làm việc. Nhà báo Đẩu Quang cũng là người có đặc điểm kỳ lạ là tái ngũ trong Chiến tranh Biên giới 1979 và hết cuộc chiến tranh ấy, ông lại trở về Tòa soạn.
Trong ngôi nhà báo Đội cũng có các phóng viên từ Thiếu niên Tiền phong (TNTP) ra đi làm những việc phi thường. Trong số đó, phải kể đến nhà báo - nhà văn Cửu Thọ và nhà báo Nguyễn Phong Doanh. Sau Chiến thắng lịch sử 30-4-1975, là một nhà báo có “số má” sau những năm tháng cống hiến cho TNTP, nhà báo Cửu Thọ được cử vào miền Nam để xây dựng một tờ báo dành riêng cho thiếu nhi Thành phố mang tên Bác và độc giả nhỏ tuổi phía Nam. Ông trở thành Tổng Biên tập đầu tiên của báo Khăn Quàng Đỏ (tờ báo sau này cũng trở thành một ấn phẩm nổi trội dành cho thiếu nhi Việt Nam).
Nhà báo Nguyễn Phong Doanh thì đau đáu muốn có một tờ báo đổi mới hơn. Và ông là người chủ chốt cho ra đời tờ Hoa Học Trò rất đình đám. Những năm tháng sau này trong cuộc đời làm việc, ông đã dành hết tâm trí cho tờ báo ấy.
Câu chuyện về lớp lớp tiền bối đi trước như nhà báo Cửu Thọ, nhà báo Nguyễn Phong Doanh và các thế hệ sau này có rất nhiều. Nhưng họ đều có một đặc điểm chung là dù có dành bao nhiêu tâm trí cho bất kể lĩnh vực nào khác, thì họ vẫn luôn nghĩ mình là một thành viên của Gia đình báo Thiếu niên Tiền phong và luôn tự hào về mái nhà chung ấy.
Cảm động nhất là câu chuyện của nhà báo Cửu Thọ (1932-2016). Đó là vào khoảng cuối tháng 3 năm 2007, phóng viên Lê Luynh (Văn phòng đại diện phía Nam báo TNTP) tới thăm nhà báo - nhà văn Cửu Thọ (nguyên phóng viên báo TNTP, nguyên Tổng Biên tập báo Khăn Quàng Đỏ, nguyên Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ) sau cơn bạo bệnh của ông. Di chứng sau tai biến đã làm nhà báo Cửu Thọ sa sút trí nhớ nghiêm trọng. Phóng viên Lê Luynh xác định tới thăm người đàn anh vì nghĩa tình, chứ không mong anh phải nhớ mình là ai. Gặp nhà báo Cửu Thọ, Lê Luynh chào: “Em là phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong đây ạ”.
Bất chợt, mắt Cửu Thọ sáng lên như người tỉnh táo. Ông nói: “Đó là Báo của tôi. Tôi đã từng làm ở đó. Tôi là Bóng Nhựa đây”.
Ôi, ông vẫn nhớ nơi “chôn rau cắt rốn” của mình, vẫn nhớ mình từng xây dựng hình tượng nhân vật Bóng Nhựa huyền thoại một thời (Bóng Nhựa và Bút Thép từng là 2 nhân vật được bạn đọc TNTP rất yêu thích). Đây cũng là lần đầu tiên và cuối cùng nhà báo - nhà văn Cửu Thọ nhận mình là Bóng Nhựa. Là Bóng Nhựa là một vinh dự lớn. Ông đã khiêm tốn không muốn nói mình là Bóng Nhựa. Cuối đời ông thốt lời về Bóng Nhựa vì quá yêu mến nhân vật ấy…
Và hôm đó nhà báo Cửu Thọ chỉ nhớ được mỗi như vậy, còn mọi thứ khác ông quên hết! Thế mới hiểu: Thiếu niên Tiền phong chính là dấu ấn đậm sâu nhất của những ai đã từng làm cho tờ Báo này.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Thiếu niên Tiền phong Thứ Tư, số 33 năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!
Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Cún bông chăm học. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |